Nữ du học sinh kêu gọi cứu Sơn Đoòng

TP - Lê Nguyễn Thiên Hương, sinh năm 1987 (TPHCM) tự đặt cho mình nickname “Cô giáo đi bụi”. Là người sáng lập dự án #SaveSonDoong (Cứu Sơn Đoòng), từng thành công trong việc can thiệp đến một số công trình có thể gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái tại hang động lớn nhất thế giới này.

Học ngành Truyền thông ở California State University Fullerton (Mỹ) nhưng Thiên Hương bén duyên với công tác sư phạm từ khi còn ở trong nước.

“Cô giáo đi bụi” là ai?

Nói về lý do thích đi bụi và quan tâm tới môi trường, Hương kể, năm 17 tuổi, cô giành được tấm vé đi Nam Phi 2 tuần. Đó là thời gian Hương được thả mình trong thiên nhiên, học các khóa huấn luyện như định vị từ các ngôi sao, phân tích các loại phân động vật đến việc học xử lý nước sạch từ sông hay uống nước từ thân cây…Từ đó, cô bắt đầu trân trọng thiên nhiên và yêu môi trường hoang dã.

Lê Nguyễn Thiên Hương khi đi dạy tại Nepal.

Trong thời gian du học, Hương đã có 2 tháng trải nghiệm thiên nhiên tại Nepal và tham gia dạy tiếng Anh, chăm sóc cho trẻ em trong một cô nhi viện. Hương kể, Nepal có nhiều trẻ em mồ côi hoặc có cha mẹ là tù nhân. Ở đó, họ chỉ tắm 1 lần/tuần vì thiếu nước. nhớ lần đầu tiên tắm cho các bé, trong đó em Sundar, Hương bàng hoàng vì khi cởi áo ra, cô phát hiện người em đầy sẹo bỏng.

Hương nhớ lại: “Nepal còn những hủ tục, phân biệt đối xử với phụ nữ. Trại trẻ của mình lúc đó là trại nam, chỉ có một em gái, lớn tuổi nhất, tên là Sita. Sita làm người giúp việc ở đó để cho 2 em trai của em được sống tại trại. Theo phong tục của người Nepal, cứ mỗi lần đến tháng, em ấy phải “ở cũi” không được vào nhà. Mỗi lần mang cơm ra cho Sita, mình lại ứa nước mắt nghĩ đến thân phận phụ nữ ở đây”. Nỗi ám ảnh lớn nhất của cô khi rời Nepal là cảm giác bất lực, vì cô chưa giúp họ được nhiều. Hiện Hương vẫn giữ liên lạc với các em ở trại trẻ đó.

Thời gian đang du học ở Mỹ, Hương nhận tin hang Sơn Đoòng (Quảng Bình) mới được phát hiện và xác nhận là “thế giới dưới lòng đất lớn nhất”. Hương kể, năm 2014, người ta mới thử nghiệm các tour du lịch đầu tiên, mỗi tour chỉ có 8 vé cho 8 khách, mỗi vé có giá đến 3.000 đô la Mỹ. Với tình yêu thiên nhiên, Hương quyết tâm dành tiền và tập thể dục nhiều hơn để đi Sơn Đoòng. Giữa 2014, Hương bắt đầu khám phá Sơn Đoòng: “Hang mở ra trước mắt mình cả một thế giới ngầm đầy bí ẩn, một vương quốc tách biệt với loài người, đánh thức một tình yêu khám phá mà mình đã mơ từ rất lâu”.

“Mình đã cảm thấy xấu hổ vì chúng ta có một kỳ quan thiên nhiên nhưng lại không có động thái bảo vệ nó. Khi lên tiếng và tạo được tiếng nói bảo vệ di sản, mình mới được tự hào nói với thế hệ con em rằng, người đi trước đã cố gắng bảo vệ nguyên vẹn những gì tốt đẹp nhất cho đời sau”. 

Lê Nguyễn Thiên Hương, sáng lập Dự án #SaveSonDoong

Khi đọc được những thông tin về dự án xây tuyến cáp vào Sơn Đoòng để nâng số du khách lên 8.000 người/ngày, Hương bức xúc vì đây là một quyết định có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến hệ sinh thái bên trong hang động, về lâu dài sẽ để lại những hệ lụy xấu đối với môi trường. Hương tâm sự: “Năm triệu năm mới hình thành nên động Sơn Đoòng đặc biệt. Mình không muốn dự án cáp treo, đưa hàng ngàn người vào động mỗi ngày phá hỏng di sản này. Người Việt Nam mình luôn tự hào khi nói với thế giới đất nước tôi có các kỳ quan thiên nhiên thế giới như Hạ Long, Sơn Đoòng nhưng lại không làm gì để bảo vệ nó”.

Cô bắt đầu viết trên blog và facebook để phản đối dự án cáp treo, với các bài viết song ngữ Anh- Việt, như: “Nếu như Sơn Đoòng không lớn nhất thế giới?”; “5 lý do cáp treo vào Sơn Đoòng là thảm họa”; “3 cách để cứu Sơn Đoòng, Thư kêu cứu - save Son Doong”… Blog của cô có hơn 30.000 lượt truy cập. Từ đó, Hương sáng lập dự án #SaveSonDoong (Cứu Sơn Đoòng) cùng những người bạn của mình. Cuối cùng, những tiếng nói bảo vệ Sơn Đoòng của Hương đã tạo nên những tác động mạnh mẽ. “kết quả, nhà đầu tư đã cắt giảm quy mô dự án cáp treo xuống còn 3.000 tỷ đồng chỉ với 2 tuyến cáp, cách hang 300m”, Hương nói.

Qua chiến dịch vận động bảo vệ Sơn Đoòng, điều vui mừng đối với Hương là nhiều người trẻ biết và hiểu hơn về giá trị nguyên thủy
của hang.

Lê Nguyễn Thiên Hương (đội nón) tặng chiếc nón lá cho Tổng thống Mỹ Barack Obama tháng 5 vừa qua.

Kêu gọi thế giới cùng bảo vệ

Hương cho biết, hiện chiến dịch #SaveSonDoong đang tiếp tục vận động quần chúng lên tiếng dưới nhiều hình thức để phản đối du lịch đại trà vào Sơn Đoòng. Dự án cáp treo là một dự án kinh tế, càng có nhiều người tẩy chay thì chủ đầu tư càng ít có động lực tiến hành
dự án.

Hương kể, khi mới bắt đầu vận động bảo tồn di sản, cô không ngại những bạn có ý kiến trái chiều với mình. Nhưng Hương lại sợ nhất những bạn đồng ý nhưng không chịu hành động hay lên tiếng. “Lý lẽ của các bạn là: “Mình làm gì cũng vậy thôi, mọi việc do các ban ngành quyết hết rồi”. Đây là một tư tưởng đáng sợ, nó tạo ra một thế hệ giới trẻ Việt Nam thờ ơ và ù lì. Vì vậy, tôi muốn thay đổi nó bằng cách chứng minh cho các bạn thấy, mỗi việc chúng ta làm đều có ít nhiều tác động đến xã hội. Tôi muốn mang đến cho mọi người, đặc biệt là giới trẻ một thông điệp: “Vận mệnh môi trường sống của chúng ta nằm trong tay chính chúng ta”.

Nằm trong số những thủ lĩnh trẻ được mời đến buổi nói chuyện của Tổng thống Mỹ Obama tại Sài Gòn cuối tháng 5 vừa qua, Hương đã quyết tâm phải hỏi bằng được ngài tổng thống về hang Sơn Đoòng. Hương kể, mặc dù nằm trong danh sách khách mời nhưng xác suất được nói chuyện với tổng thống vẫn rất thấp. Vì vậy, Hương đã “đầu tư đáng kể” để có thể “lọt vào mắt xanh” Tổng thống Mỹ Barack Obama: một chiếc nón lá và chiếc áo thun in chữ “Save Sơn Đoòng” để tặng Tổng thống Mỹ.

Hương nhớ lại: “tôi đã hỏi tổng thống: nếu có dịp đến Sơn Đoòng, ông sẽ đi bộ hay đi cáp treo (nếu có) vào hang. Tổng thống lập tức khẳng định: Ông muốn đi bộ. Ông cũng nói rõ trách nhiệm bảo vệ di sản là trách nhiệm của toàn cầu và ông sẵn sàng đồng hành cùng chiến dịch #SaveSonDoong”. “Tổng thống Obama đã đưa ra một thông điệp rất quan trọng: Đừng đi theo vết xe đổ của các nước đã phát triển mà phá hoại môi trường. Hãy cùng nhau phát triển bền vững, giữ gìn môi trường. Tôi hy vọng tiếng nói của Tổng thống Mỹ sẽ được lắng nghe”, Hương nói.

tháng 9 tới, Hương sẽ đại diện chiến dịch #SaveSonDoong tham gia Hội thảo Viet Youth Projects Conference (những dự án của người Việt trẻ). Đây là cơ hội để Hương giới thiệu chiến dịch bảo vệ Sơn Đoòng tới công chúng nhiều hơn.