Top 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu
Nữ đại biểu Quốc hội Hà Ánh Phượng, SN 1991, đang là giáo viên dạy tiếng Anh của Trường THPT Hương Cần (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ). Ngôi trường nơi cô dạy học thuộc miền núi, có trên 80% học sinh cũng là người dân tộc thiểu số.
Hà Ánh Phượng sinh ra và lớn lên từ vùng quê nghèo tại xã Thượng Long, một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ đã nỗ lực không ngừng nghỉ để trở thành sinh viên Đại học Hà Nội.
Từ năm thứ 4 đại học, nữ đại biểu dân tộc Mường nhận được nhiều lời mời làm việc hấp dẫn, nhưng đều từ chối để trở về quê hương làm giáo viên dạy tiếng Anh của Trường THPT Hương Cần. Bằng niềm đam mê, nỗ lực, cô giáo dân tộc Mường Hà Ánh Phượng xây dựng mô hình lớp học xuyên biên giới, kết nối học sinh của mình với giáo viên và học sinh các nước khác, gắn liền với nội dung bài học.
Năm 2020, nữ đại biểu Hà Ánh Phượng trở thành người Việt Nam đầu tiên lọt Top 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu do Quỹ Varkey bình chọn. Sau giải thưởng, dù nhận được nhiều lời mời làm việc hấp dẫn từ các đơn vị, tổ chức uy tín trong và ngoài nước nhưng cô giáo Hà Ánh Phượng vẫn gắn bó làm cô giáo làng, tiếp tục lan tỏa niềm yêu thích học ngoại ngữ cho học sinh và thực hiện các dự án xã hội, truyền đi giá trị tích cực trong cộng đồng.
Đặc biệt, Hà Ánh Phượng là một trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2020 được T.Ư Đoàn vinh danh.
Nữ đại biểu Hà Ánh Phượng tham gia nhiều hoạt động, dự án hoạt động xã hội ý nghĩa khác, như: dạy trực tuyến miễn phí cho trẻ em ở nhiều quốc gia; triển khai các dự án xã hội như phòng chống bạo lực học đường trên không gian mạng; triển khai dự án mang tên “Nói không với ống hút nhựa” của cô đã lan tỏa đến 40 quốc gia…
Trách nhiệm lớn lao
Nữ đại biểu Quốc hội Hà Ánh Phượng bày tỏ niềm vinh dự, tự hào và trách nhiệm lớn lao khi đảm nhận nhiệm vụ cùng ông Dan Carden - Chủ tịch Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU trình bày và thông qua Tuyên bố Hội nghị về Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.
Đây là dấu ấn có ý nghĩa đặc biệt khi lần đầu tiên Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu ra Tuyên bố. “Bản Tuyên bố giống như một cam kết với những quyết định quan trọng mà tôi là đại diện cho các nghị sĩ trẻ trong tương lai được tiếp thêm động lực để nỗ lực, cố gắng trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”, Hà Ánh Phượng nói.
Nữ đại biểu chia sẻ, bản thân là một giáo viên trẻ dạy tiếng Anh, từ những năm 2017 đã chú trọng việc dạy học gắn với 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc thông qua các dự án nhiều dự án đã thực hiện. Hiện tại, Hà Ánh Phượng đang triển khai dự án “Tớ là dân tộc Mường” với mục tiêu giúp các bạn học Gen Z giữ gìn, phát huy, lan toả văn hoá dân tộc Mường trong bối cảnh chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.
Nữ đại biểu cho rằng, chủ đề của Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần này về “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo” là chủ đề mang tính thực tế, thời sự, quan trọng.
Theo Liên Hợp Quốc, chỉ có 12% các mục tiêu phát triển bền vững đang đi đúng tiến độ, trong khi 50% đang chệch hướng. “Là một đại biểu trẻ, một giáo viên đồng hành cùng nhiều bạn trẻ, tôi nhận thấy đây là trách nhiệm lớn lao lan tỏa những thông điệp của Hội nghị và cần tận dụng chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững”, nữ đại biểu Quốc hội Hà Ánh Phượng chia sẻ.