Nữ anh hùng lao động đầu tiên của ngành Hải quan

Lần đầu tiên Hải quan Việt Nam có một nữ Anh hùng lao động. Đó là chị Nguyễn Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh. Không những giỏi công tác chuyên môn, chị Hương còn là một nhà quản lý sáng tạo, có tinh thần cầu tiến, thấu hiểu cấp dưới, qua đó giúp đơn vị đạt những thành tích xuất sắc trong lao động.

Ngay sau khi được Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân trao cho danh hiệu cao quý này tại Đại hội thi đua yêu nước ngành Tài chính, chị Nguyễn Thị Thu Hương đã rất xúc động bày tỏ niềm vinh dự tự hào không chỉ của riêng bản thân mà còn là của đơn vị, của ngành Hải quan nói chung. 14 năm công tác trong ngành Hải quan, chị Hương luôn nhận thức rất rõ vai trò quan trọng của người chiến sĩ trên mặt trận kinh tế. Chị tâm niệm: “Dù ở bất kỳ cương vị nào, bản thân tôi cũng luôn xác định là phải cống hiến. Con người là yếu tố quyết định thành quả công việc, tri thức và đạo đức là chìa khóa dẫn đến thành công”. Chính vì vậy mà ở cương vị công tác nào, từ khi còn là một công chức Hải quan đến lúc là lãnh đạo cấp đội, cấp chi cục và là Phó cục trưởng như hiện nay, chị Nguyễn Thị Thu Hương luôn hết mình vì công việc, thể hiện vai trò của người cán bộ gương mẫu, tận tụy.

Năm 2006, khi được giao nhiệm vụ là người đứng đầu của một trong những chi cục lớn nhất cả nước – chi cục Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất – công việc của chị Hương bộn bề hơn rất nhiều. Chi cục Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất là đơn vị hoạt động với quy mô lớn nhất trong cục và toàn ngành, cả về bộ máy và tính chất hoạt động, là cửa ngõ giao lưu kinh tế lớn nhất trong cả nước.

Để tưởng tượng được khối lượng công việc khổng lồ và phức tạp ở nơi đây, có thể nêu lên các con số đầy thuyết phục như sau: mỗi ngày hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất phải làm thủ tục cho từ 120 đến 150 chuyến bay quốc tế với khoảng 15.000 lượt khách xuất nhập cảnh, trên 1.000 tờ khai, kim ngạch hàng hóa lên tới 20 triệu USD/ngày và số thuế thu được từ 10 – 12 tỷ đồng/ngày, gần bằng sô thu thuế của một cục hải quan nhỏ.

Vậy mà khối lượng công việc ấy được xử lý với gần 270 cán bộ công chức, làm việc 24/24 giờ và đặc biệt là được đặt dưới sự chỉ đạo của một “nữ tướng” với vẻ ngoài rất mềm mại, nữ tính. Vị nữ tướng này từng bộc bạch, công việc ở đây không khác gì “làm dâu trăm họ”. Vì đối tượng làm thủ tục hải quan gồm rất nhiều thành phần, đa quốc gia, đa ngôn ngữ, văn hóa…

Cùng một địa bàn cũng có rất nhiều lực lượng tác nghiệp, nên gây không ít khó khăn, chồng chéo. Ví như cùng một lô hàng nhưng phải qua an ninh hàng không, qua công an cửa khẩu, kiểm dịch, rồi các công ty dịch vụ mặt đất… Đặc biệt đây cũng là địa bàn tập trung nhiều loại tội phạm quốc tế nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh chính trị, kinh tế của đất nước.

Vậy người nữ cán bộ Hải quan này đã làm gì để duy trì sự ổn định cho công tác của chi cục Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất, giúp cho đơn vị này trong 5 năm chị giữ cương vị lãnh đạo liên tục đạt được những thành tích xuất sắc, được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất?

Bắt tay vào công việc khó khăn này, nhận thức được tính chất phức tạp, nhạy cảm của địa bàn, chị Hương đã xây dựng các kế hoạch và định hướng, cùng đội ngũ lãnh đạo đề ra các trọng tâm, giải pháp để thực hiện nhiệm vụ một cách tốt nhất trong công tác xây dựng lực lương, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và công tác thu thuế cho ngân sách nhà nước.

Bản thân chị luôn xác định rõ việc giáo dục chính trị, tư tưởng, bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghoệp, chống buôn lậu và gian lận thương mại thúc đẩy hoạt động xuất khẩu nhập khẩu, xuất nhập cảnh là việc làm cấp bách, thường xuyên. Là phụ nữ, rất mềm dẻo những cũng rất nguyên tắc và quyết liệt khi cần thiết, chị Hương đã trở thành người lãnh đạo đầu tiên mạnh dạn chủ động thành lập đội Kiểm tra nghiệp vụ, tổ chức thi nghiệp vụ để nâng cao trình độ cán bộ, công chức.

Các chỉ thị từ Cục, Tổng cục, Bộ Tài chính được người nữ lãnh đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc. Đặc biệt, chi cục cũng tổ chức chào cờ vào thứ hai hàng tuần để tuyên dương những việc làm tốt và nhắc nhở, phê bình những việc làm chưa tốt, qua đó xây dựng và bồi dưỡng các các nhân điển hình trong phong trào thi đua và đảm bảo công bằng, hiệu quả trong công tác xây dựng lực lượng.

Nhờ tinh thần trách nhiệm cao của bản thân chị Hương mà Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất luôn hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao. Số thu thuế hàng năm của chi cục luôn vượt xa kế hoạch được giao, đơn vị có sự thay đổi rõ rệt, tích cực trong công tác xây dựng lực lượng, chống buôn lậu và gian lận thương mại, đảm bảo an ninh chính trị kinh tế quốc gia, đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu…

Không chỉ chú trọng đến công việc trên cương vị là người lãnh đạo, trong những năm qua, chị Hương đã thực sự là người chị, người đồng nghiệp tin cậy tại chi cục Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất. Thấu hiểu tính chất phức tạp của nghề nghiệp, với nhiều áp lực, cám dỗ và khó khăn, chị Hương thường xuyên quan tâm, chăm lo đến đời sống của cán bộ, công chức và chia sẻ tạo điều kiện cho đồng nghiệp hoàn thành tốt nhiệm vụ. Động viên, kích thích những người làm tốt, có chế độ khen thưởng kịp thời.

Trong những năm qua, nhờ phát huy tinh thần dân chủ và tính sáng tạo trong đơn vị nên năm nào đơn vị của chị Hương cũng hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đặt ra, Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, cán bộ luôn tận tâm với công việc, điều đó đã khẳng định vai trò chỉ đạo điều hành có sức thuyết phục và uy tín cao.

Chị Nguyễn Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh giao lưu với các đại biểu tại Đại hội thi đua yêu nước ngành Tài chính lần thứ III

Được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lao động đối với chị Hương là kết quả của một thời gian dài bền bỉ phấn đấu, với sự hỗ trợ, giúp đỡ từ phía đồng nghiệp, gia đình. Chị Hương cho biết, chị sẽ còn tiếp tục phấn đấu, trên cương vị mới để đóng góp nhiều hơn nữa cho công cuộc xây dựng ngành Hải quan hiện đại và góp phần thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển, hội nhập quốc tế bền vững.

Theo Tổng hợp