Alice in wonderland đánh dấu một trong những dự án hợp tác lớn của Nhà hát Kịch Việt Nam với quốc tế như Úc, Hàn Quốc, Algeria trong năm 2022-kỷ niệm 70 năm thành lập Nhà hát. Vở diễn có hai cố vấn nghệ thuật là NSƯT Đặng Châu Anh và Nicholas Gentile.
Từng là nghệ sĩ biểu diễn trong nhiều vở nhạc kịch ở Anh, Úc Nicolas Gentile nói mình may mắn có nhiều trải nghiệm diễn xuất, cũng là ca sĩ lưu diễn nhiều nơi trên thế giới. “Tôi hy vọng có cơ hội truyền cảm hứng cho nghệ sĩ trẻ, đào tạo kỹ năng biểu diễn cho các bạn trẻ”, anh nói.
Với vai trò Chỉ đạo nghệ thuật, NSƯT Xuân Bắc nói dù thế mạnh của Nhà hát không phải nhạc kịch tuy nhiên Pacific Ocean Partners (POP) từ Úc và Trường Đại học Australian Institute of Music (AIM-ngôi trường đào tạo về nghệ thuật lâu đời nhất ở Úc) tin tưởng ở bề dày 70 năm của Nhà hát. “Một trong những chức năng của nhà hát không chỉ cung cấp tác phẩm có giá trị về nhân sinh quan, có giá trị nhân văn mà còn có vai trò định hướng thẩm mỹ cho giới trẻ, giúp các bạn tiếp cận với tinh hoa văn hóa thế giới”, Xuân Bắc chia sẻ.
Hoàn tất nhiều khâu tiền kỳ sản xuất chuẩn bị cho Alice in wonderland, nhà sản xuất và đạo diễn chuẩn bị tuyển diễn viên dịp đầu tháng 7 tới. Không chỉ dành cơ hội cho tất cả các bạn trẻ từ 14 tuổi trở lên có đam mê với diễn xuất và âm nhạc, nhà sản xuất sẽ casting cả ở Úc. “Nếu tìm được diễn viên phù hợp, chúng tôi sẵn sàng tài trợ toàn bộ tiền vé máy bay, tiền ở trong suốt thời gian tập luyện”, Xuân Bắc chia sẻ. Bà Trịnh Hà An, đại diện POP bày tỏ, sau hơn 10 năm làm việc với Việt Nam, POP mong muốn trở thành chiếc cầu nối vững chắc giao lưu văn hóa giữa khu vực Thái Bình Dương và Việt Nam.
Đặt niềm tin ở Alice in wonderland, NSƯT Đặng Châu Anh-người gắn bó với các dự án âm nhạc cho thiếu nhi- kể lại cơ duyên 6 tháng bị kẹt lại ở Úc hồi năm 2020 do dịch bệnh, chị tìm thấy cơ hội đưa vở nhạc kịch về Việt Nam. “Nhạc kịch hiện đại hay còn gọi ca nhạc kịch này sẽ rất gần gũi với công chúng, là bữa tiệc nghệ thuật thịnh soạn kích thích mọi giác quan”, chị nói.
Vai trò đạo diễn được đặt vào tay Lê Diệu My. Bước vào tuổi 21, My có được hành trang đáng nể. Năm 15 tuổi My đạo diễn nhạc kịch Mamma mia khiến các nghệ sĩ lớn như Xuân Bắc giật mình và gọi “đồng nghiệp”. My hiện đang học Hunter College tại Mỹ, từng học và làm trợ lý sân khấu, trợ lý đạo diễn ở Singapore và Mỹ. Năm 2020, My chính là trợ lý đạo diễn cho nhạc kịch Những người khốn khổ của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam.
Lần đầu tiên lên sân khấu từ 8 tuổi, lớn lên cùng đam mê nghệ thuật cháy bỏng, Diệu My không chỉ tạo ra sản phẩm tốt mà quan trọng nhất là truyền cảm hứng cho các bạn trẻ yêu nghệ thuật. “Trong thế giới chúng ta đang sống có quá nhiều áp lực về việc trẻ phải trưởng thành thật nhanh. Alice in wonderland lại như một lời khuyên các bạn trẻ không cần phải vội lớn”, My nói.
So với cách làm nghệ thuật theo bản năng ở 15 tuổi, Diệu My tự tin tích lũy nhiều kiến thức và trải nghiệm ở trong và ngoài nước. Trả lời Tiền Phong về những trở ngại ở vở diễn dài đầu tay, nữ đạo diễn trẻ nói dù phải đối mặt với khó khăn nhưng cô rất hào hứng và tự tin có thể xoay xở với công việc. My làm việc với ê-kíp hàng chục diễn viên, hai kíp diễn viên biểu diễn của nhạc kịch Những người khốn khổ cho nên với 25 diễn viên của Alice in wonderland không hề quá sức.
Nhạc kịch Alice in wonderland của tác giả Lewis Carroll do Theatrical Rights Worldwide giữ bản quyền. Cả thảy có 16 bài hát bằng tiếng Anh trong 90 phút của vở diễn, đại diện POP cam kết đàm phán bản quyền để không chỉ có hai buổi biểu diễn như dự định mà sẽ đưa vở diễn đi lưu diễn ở nhiều tỉnh, thành của Việt Nam. Vở diễn dự kiến công diễn tháng 10/2022.