NSƯT Minh Trí giờ sống thật đơn giản trong căn gác nhỏ ở đường Lê Ngọc Hân (Hà Nội), nơi ông bảo rất may dù là nhà mặt phố nhưng lại không ồn ào. Cơn tai biến nặng 5 năm trước đã khiến phong độ của Minh Trí ngày nào có phần giảm sút nhưng ánh mắt của ông vẫn thật tinh tường, như nhìn sâu, thấu hết suy nghĩ người đối diện.
Trượt đại học nhưng vẫn là giáo viên dạy toán
NSƯT Minh Trí tự nhận mình dốt, thi đại học trượt bởi nhiều lý do mà ông không còn nhớ nữa. Thế nhưng, sau đó ông lại được gọi vào học Sư phạm. NSƯT Minh Trí bảo ông là người học trò có lẽ là nghịch nhất lớp, khi đi thực tập thì chỉ được 5 điểm. Rồi thầy giáo lại nhận xét ông chỉ chơi mà không chịu học.
Nhớ lại thời đi học, NSƯT Minh Trí cho biết có những nhận xét của giáo viên rất lẩm cẩm. "Một lần, thầy giáo gọi tôi vào bảo: Anh Trí có quan điểm không đúng, toàn chơi với lớp trên. Tôi mới xin phép thầy hỏi thầy một câu, thầy đồng ý. Tôi hỏi: Thầy ơi, thầy lấy vợ thầy có chọn người hợp với thầy để lấy hay cứ đàn bà là thầy chọn làm vợ? Thầy tôi cáu. Tôi nói tiếp: Thế em phải chọn bạn hợp em mới chơi chứ. Rồi tôi bị hạnh kiểm trung bình, cấm không cho đi dạy học".
NSƯT Minh Trí lúc đó trở về nhà, đi làm phụ hồ cho công trình, hàng ngày ông rửa cát sỏi để kiếm tiền nuôi bản thân. Một năm sau đó, do thiếu giáo viên, ông được gọi đi dạy lớp 1 tại một trường học cách nhà 20 cây số. Minh Trí tự nhận mình là thầy giáo nghiêm khắc, khiến học sinh của ông sợ ông một phép.
Thời đó, học sinh lớp 1 trông rất lôi thôi, con trai thì mũi xanh thò lò, con gái thì giải rút quần lòng thà lòng thòng lúc nào nhìn cũng như sắp tụt. Thầy giáo Minh Trí mới nghĩ ra một cách dọa học sinh. Thầy đứng trước lớp tuyên bố: "Nếu ngày mai học sinh nào đi học mà còn để tình trạng bẩn thỉu, móng chân móng tay đen xì thì tôi cắt hết, kể cả giải rút quần, tôi cũng cắt luôn". Ngay hôm sau, trước cửa lớp có ngay một cái chậu và một cái khăn, học sinh thì đứa nào đứa đó sạch sẽ thơm tho hẳn", NSƯT Minh Trí nhớ lại.
Mặc dù dạy lớp 1 nhưng thầy giáo Minh Trí thường xuyên ra khỏi lớp, để học sinh tự quản, mà lớp lúc nào cũng im phăng phắc. Không nhận mình là giáo viên giỏi, ông nhận mình may mắn vì được học sinh sợ.
Sau 1 năm dạy cấp 1, NSƯT Minh Trí được mời lên dạy cấp 2. Học sinh quý mến ông đến độ còn làm 2 câu vè cứ hát đi hát lại: "Cả làng em chẳng yêu ai/ Yêu thầy giáo Trí đầu 2 mũ nồi". Có tối, khi ngủ dậy thấy phòng toàn chuối, hóa ra học sinh vì yêu mến mà mang biếu thầy. Cũng có lần, trong đêm tối, học sinh gõ cửa cầm dao khư khư trên tay, thầy giáo Trí giật mình bảo về, học sinh cứ khăng khăng đòi mang dao đến để bảo vệ thầy khỏi kẻ xấu.
Cơ duyên trở thành phát thanh viên
Nhiều kỉ niệm và thương lũ học trò 'nhất quỷ nhì ma' như vậy nhưng ông bảo mình không thích nghề dạy học, dạy học là con đường bất đắc dĩ mà NSƯT Minh Trí phải làm. Đã nhiều lần nộp hồ sơ thi tuyển công việc khác đến khi trúng tuyển, ông bỏ dạy học, học sinh khóc như có đám tang vì thầy giáo Trí bỏ dạy.
NSƯT Minh Trí từng thi tuyển làm diễn viên điện ảnh, dù đã trúng tuyển nhưng trường không cho đi. Năm 1971, ông thi tuyển phát thanh viên của Đài truyền hình Việt Nam. Nhớ lại thời thi tuyển, rút kinh nghiệm lần trước, ông mới hỏi ban tổ chức rằng "Nếu tôi trúng tuyển, các ông có xin được cho tôi chuyển nghề không?". Một người trong ban tổ chức hỏi lại: "Tại sao anh lại nghĩ mình sẽ trúng tuyển?". Lúc đó, có lẽ phản xạ trời cho cộng với tính cách thẳng như ruột ngựa của mình, NSƯT Minh Trí lập tức nói: "Ơ hay, anh này buồn cười, ai đi thi mà không mong mình trúng tuyển. Đấy là nguyện vọng của tôi, nếu không được thì thôi".
Nhưng không như lần trước bị nghỉ dạy vì vặn lại thầy, lần này phát thanh viên Kiều Oanh đưa cho Minh Trí 2 bài xã luận và cho ông 15 phút chuẩn bị. Minh Trí lúc đó băn khoăn lắm, 2 bài xã luận dài ngoằng mà chỉ có 15 phút, anh lập tức bảo: "Thôi, cho tôi thi luôn, đằng nào cũng thế. Trượt đành chịu, đằng nào vẫn có nghề dạy học nếu trượt".
NSƯT Minh Trí kể thời đó thi tuyển phát thanh viên rất khó khăn, từ dáng đi dáng đứng dáng ngồi đều phải được kiểm tra kỹ càng. Ông bảo không muốn nhận xét chê bai gì thế hệ phát thanh viên bây giờ bởi ở đời ai chả thích khen. Chỉ có điều, những phát thanh viên bây giờ có lợi thế hơn thế hệ các đàn anh đàn chị là nhanh nhạy, xinh đẹp, còn nhược điểm thì có lẽ qua thời gian các em sẽ tự rút được kinh nghiệm.
NSƯT Minh Trí dù đã nghỉ hưu 10 năm, lại bị cơn tai biến khiến sức khỏe giảm sút nhưng ngày nào ông cũng theo dõi ti vi, báo chí. Ông nói bây giờ người ta dùng tiếng Anh một cách vô tội vạ, đang nói tiếng Việt tự nhiên lại xen vào mấy câu tiếng Anh kiểu: Một sự kiện rất hot sau đây, cô hotgirl xinh đẹp X... Nghe vậy, ông thấy như là đang hót một cái gì đó chứ không phải là một sự kiện. "Cụ thân sinh ra tôi cho tới trước khi cụ mất, không ai biết rằng cụ là người nói tiếng Anh tiếng Pháp giỏi cỡ nào mặc dù thực sự cụ rất giỏi. Đi ra ngoài đường, đi làm trừ trường hợp phải dùng toàn bộ ngôn ngữ khác thị cụ dùng, còn không thì thuần Việt. Sao đang nói tiếng nọ lại xọ tiếng kia được".
Vào thời điểm của NSƯT Minh Trí làm phát thanh viên, tất cả những bản tin đều làm trực tiếp nên buộc người phát thanh viên phải thật chuẩn, không được phép để cho mình sai sót. Do vậy khi nghỉ hưu NSƯT Minh Trí đã rất dày công viết hết những kinh nghiệm lên sóng của mình vào một cuốn sách, định xuất bản. Nhưng vì một vài lý do cuốn sách của ông đã không được in ra và bản thảo của nó giờ cũng thất lạc đi đâu mất.
Không có khái niệm về NSƯT, NSND
Minh Trí và Kim Tiến là 2 phát thanh viên được phong danh hiệu NSƯT đầu tiên về lĩnh vực phát thanh nhưng ông bảo mình chẳng có khái niệm gì về NSƯT, NSND cả, ngay cả việc ngày đó vì sao được phong ông cũng không bận tâm nữa.
Ông tâm sự danh hiệu NSƯT chẳng mang lại điều gì hơn cho ông cả, chỉ cần nhiều người mời mình đi làm, đi đọc thuyết minh, dẫn chương trình là vui. Còn NSƯT hay NSND mà chẳng có ai mời làm việc thì buồn chết. Có người nói, nghề nói thì có gì mà phải phong NSƯT, dính gì đến nghệ thuật đâu nhưng theo ông, nghề nói đúng là một nghệ thuật bởi nói làm sao cho người ta hiểu, người ta thấy cuốn hút, thấy hay đúng là một nghệ thuật.
Dù ngồi nhà, vẫn nghe thời sự thường xuyên nên ông thấy thương các nghệ sĩ nước nhà ghê gớm, nhất là những nghệ sĩ Chèo, Cải lương. Họ âm thầm cống hiến vậy mà cái danh hiệu đối với họ cũng là xa xỉ.
10 năm nghỉ hưu, cũng với những lý do riêng mà ông chưa từng một lần quay lại Đài truyền hình, nơi ông từng làm việc hơn 40 năm. Cũng vì sống khép mình nên khi người viết muốn xin ông chụp ảnh nhưng ông nhất định từ chối. Ông nói không muốn ai nhìn mình trong bộ dạng này, không muốn những ánh mắt thương hại của người đời nhìn vào mình.
Hàng ngày, ông tập đi lại một mình ở cầu thang, đôi lúc thì tự đi ra phố. Mọi ồn ào ngoài cánh cửa như khép lại với ông từ 10 năm trước, giờ ông sống cuộc sống an nhiên, bằng lòng với những gì mình có và thực sự tin con người có số phận.
Minh Trí kể cho tôi nghe một câu chuyện mà cũng vì cách nói tế nhị, đầy nghệ thuật mà vợ chồng ông chưa bao giờ to tiếng với nhau, không nói những câu để làm tổn thương nhau. Một lần, khi đang ở đầu ngõ, vợ đi làm về muộn, ông bảo vợ: "Cơm anh đã để sẵn trên bàn em ăn đi nhé". Không hiểu vợ ông bực tức chuyện gì ở cơ quan nên bà chỉ nói mỗi câu "Biết rồi".
Lúc đó, ông cũng giận nhưng đã đi theo vợ về nhà rồi tự mình cứ lẩm bà lẩm bẩm. Vợ hỏi tại sao anh cứ lẩm bẩm vậy?, ông bèn trả lời: "Tôi bực mình mấy thằng ở ngoài phố quá đi, cứ hỏi bà là đứa nào đấy, tôi nói là vợ của tôi mà chúng nó không tin. Chúng nó bảo làm gì có chuyện vợ nói với chồng như thế". Vợ ông lúc đó chỉ cười và coi như đó là lời nhắc tế nhị chồng dành cho mình.