Làm rõ hệ quả pháp lý khi thất lạc bản đồ
Bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm, TP Hồ Chí Minh là pháp lý quan trọng đi kèm quyết định của Thủ tướng nhưng đến nay lại báo mất, không tìm thấy? Chính phủ có ý kiến như thế nào và việc xử lý vấn đề này ra sao?
Bùi Ngọc Lam, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ: Theo dư luận phản ánh là bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm đang bị thất lạc. Việc này chúng tôi sẽ phối hợp và có ý kiến với UBND TPHCM kiểm tra làm rõ. Khi có kết luận cụ thể sẽ thông báo.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng thông tin thêm: Việc thất lạc quy hoạch Thủ Thiêm phải làm rõ bản đồ nào thất lạc, thất lạc ảnh hưởng thế nào? Theo quy trình triển khai quy hoạch đô thị mới Thủ Thiêm thì triển khai 2 bước gồm: Quy hoạch chung gắn với bản đồ 1/5000 và quy hoạch chi tiết gắn với bản đồ 1/2000, sau đó cụ thể hoá, phân giới cắm mốc thực hiện. Quy hoạch sau chính xác hoá quy hoạch trước.
Đến nay đô thị mới Thủ Thiêm 2 lần điều chỉnh quy hoạch. Lần một là quy hoạch chung năm 1996, lần thứ 2 năm 2005. Như vậy ở Thủ Thiêm có rất nhiều bản đồ.
Hiện nay quá trình triển khai dự án, xác định ranh giới, thu hồi mặt bằng là theo quy hoạch chung 2005. TPHCM hôm nay trả lời là tất cả bản đồ cũng như hồ sơ pháp lý hiện có đầy đủ từ 2005, quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết, quy hoạch ranh giới có đầy đủ đang triển khai dự án thu hồi dựa trên các quy hoạch này. Còn quy hoạch chung là năm 1996 về pháp lý đã được thay đổi bằng quy hoạch 2005. Còn thất lạc, trách nhiệm, hệ lụy gì thì liên quan đến quy hoạch trước, thuộc trách nhiệm của những người liên quan và đang được xem xét, làm rõ. Hiện nay khẳng định đang triển khai theo quy hoạch chung 2005 vẫn còn.
Việc AVG vừa tiếp tục thực hiện việc hoàn tiền cho MobiFone có ảnh hưởng thế nào đến việc thực hiện kết luận thanh tra vụ MobiFone mua AVG?
Bùi Ngọc Lam, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ: Về việc triển khai thực hiện kết luận thanh tra việc MobiFone mua AVG đã được Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình thay mặt Thủ tướng đồng ý kết luận thanh tra. Qua theo dõi cho thấy, các cơ quan có liên quan đang tích cực, khẩn trương thực hiện kết luận, trong đó có nội dung việc AVG và các cổ đông hoàn trả số tiền cho MobiFone. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi, tổng hợp, xem xét xử lý những vấn đề thuộc thẩm quyền. Với những vấn đề vượt thẩm quyền, chúng tôi sẽ báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo.
Giữ nguyên trạm, giảm phí BOT Cai Lậy (?)
Xin hỏi đến nay Chính phủ đã chốt phương án nào với việc thu giá trạm Cai Lậy chưa?
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông: Đối với BOT Cai Lậy, Bộ GTVT đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 5 phương án khác nhau, có phân tích những ưu điểm và hạn chế của từng phương án, lượng hoá giá trị, thời gian thu phí bao lâu... Sau đó Thủ tướng Chính phủ có chủ trì họp thường trực Chính phủ và giao Bộ GTVT chủ trì phối hợp với UBND tỉnh Tiền Giang xem xét xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể và quyết định thời điểm tổ chức thu giá.
Một trong hai phương án Bộ GTVT trình, thứ nhất là giữ nguyên trạm hiện tại và giảm mức thu cao, đồng thời tiếp tục giảm giá chung cho tất cả phương tiện qua trạm như từ xe con 35 nghìn xuống còn 15 nghìn đồng/lượt, mở rộng phạm vi miễn, giảm giá vùng lân cận. Đây được đánh giá là phương án tối ưu nhất trong bối cảnh hiện tại, vì nó ít tác động nhất đến việc tổ chức giao thông trong nội đô của Cai Lậy, ít tác động tiêu cực về ô nhiễm môi trường.
Phương án 2 là đặt thêm 1 trạm nữa thu phí nữa trên tuyến tránh. Theo đó, khi hoàn vốn phần tiền cho Quốc lộ 1 thì dỡ trạm trên QL1, hoàn vốn của tuyến tránh thì kết thúc toàn bộ dự án. Phương án này sẽ giảm một phần phản ứng của một bộ phận người sử dụng, nhưng lại phát sinh kinh phí đầu tư xây dựng trạm thu giá ở vị trí mới. Đồng thời, phương án này sẽ dẫn đến tình trạng các phương tiện tập trung đi qua QL1 do mức giá trên QL1 thấp hơn, gây ùn tắc, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường trung tâm thị xã Cai Lậy.
Vì thế khi so sánh thì thấy phương án 1 nhiều ưu điểm hơn. Trên cơ sở kết luận của Thủ tướng Bộ GTVT sẽ thực hiện chỉ đạo, tiếp tục triển khai, phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Tiền Giang để tính toán chi tiết các vấn đề đặt ra, làm tốt công tác truyền thông.
Lợi dụng niềm tin tôn giáo vi phạm pháp luật - cần xử nghiêm
Cơ quan chức năng đánh giá thế nào về hoạt động của Hội thánh Đức Chúa trời Mẹ và thứ nước cho người tham gia uống có phải nước hướng thần hay không?
Ông Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Trong thòi gian vừa qua dư luận có phản ánh nhiều về hoạt động của Hội thánh Đức Chúa trời (tên gọi khác là Hội thánh Đức Chúa trời Mẹ). Các địa phương cũng đã vào cuộc, Ban Tôn giáo Chính phủ cũng đã báo cáo Chính phủ về vấn đề trên. Đối với vấn đề tín ngưỡng tôn giáo, pháp luật của chúng ta cũng đã có quy định rất rõ, đặc biệt là các hành vi bị cấm như vi phạm thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật Việt Nam. Những tổ chức mà hoạt động chưa đúng quy định pháp luật, vi phạm thuần phong mỹ tục thì các cơ quan chức năng phải vào cuộc. Ban Tôn giáo Chính phủ sẽ tích cực phối hợp với Bộ Công an vào cuộc. Chúng ta tôn trọng tín ngưỡng nhưng cũng phải chỉ rõ hành vi vi phạm, tuyên truyền để người dân hiểu rõ vấn đề này. Đối với nước đỏ có chất hướng thần không thì Bộ Công an, cơ quan công an các địa phương cần làm rõ.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng cũng nói về vấn đề này. Chúng ta khẳng định Đảng, Nhà nước ta luôn tôn trọng, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, không tín ngưỡng của đồng bào. Nhà nước tạo điều kiện, từ đất đai cơ sở thờ tự, hoạt động của các chức sắc tôn giáo... Tuy nhiên, chúng ta cũng khẳng định là sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tôn giáo, đi ngược lại thuần phong mỹ tục và vi phạm pháp luật.
Tổ chức Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ mà vừa qua các phương tiện thông tin báo chí đã thông tin cho thấy, họ đã lợi dụng niềm tin tôn giáo, thực hiện những việc trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Thủ tướng yêu cầu điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng niềm tin tôn giáo để vi phạm pháp luật, làm trái thuần phong mỹ tục.