Nông dân Trung Quốc kiếm bộn tiền từ gai dầu

TP - Cây gai dầu, một loại cần sa nhưng được trồng hợp pháp, đang trở thành “vàng xanh” cho nông dân Trung Quốc với thu nhập 10.000 nhân dân tệ/ha (tương đương 35 triệu đồng/ha), gấp 10 lần so với trồng ngô trước đây. 
Ảnh minh họa

Các công ty Trung Quốc kết hợp nghiên cứu của quân đội để biến việc trồng cây gai dầu thành ngành công nghiệp 100 tỷ nhân dân tệ (350.000 tỷ đồng) cho Trung Quốc trong 5 năm tới.

Thôn Hợp Tâm ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc, giáp biên giới với Nga đang trở thành vựa cần sa của Trung Quốc khi người dân nơi đây đổ xô trồng cây gai dầu. Nông dân bán thân cây cho các nhà máy dệt để làm vải chất lượng cao, bán lá cho các công ty dược phẩm chế biến thuốc, bán hạt cho các công ty thực phẩm để làm đồ ăn nhẹ, dầu ăn và đồ uống.

Cây gai dầu công nghiệp là một loại cây cần sa chỉ có một hàm lượng không đáng kể các chất gây kích thích thần kinh, được trồng để lấy hạt, chiết xuất dầu ăn và làm sợi vải. Tỉnh Vân Nam, Trung Quốc cho phép trồng cây gai dầu công nghiệp với các quy định tạm thời bắt đầu từ năm 2003. Năm 2010, tỉnh này là tỉnh đầu tiên ban hành các quy định chính thức về canh tác cây trồng này. Sau đó, việc trồng cây gai dầu được lan rộng ở tỉnh Hắc Long Giang và Nội Mông. Theo Cục Thống kê quốc gia, các khu vực này chiếm khoảng một nửa diện tích trồng cây gai dầu hợp pháp trên toàn thế giới. Trung Quốc đã âm thầm trở thành một trung tâm sản xuất và nghiên cứu cây gai dầu.

Theo các chuyên gia, sở dĩ việc trồng cây gai dầu phát triển mạnh, một phần nhờ các nghiên cứu khoa học được nhà nước tài trợ cũng như nhu cầu nghiên cứu trong quân đội để sản xuất ra thuốc men và vải may quân phục. Qua nhiều thập kỷ, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã phát triển nhiều loại giống phát triển mạnh trong các điều kiện môi trường khác nhau của Trung Quốc, từ điều kiện lạnh giá ở Hắc Long Giang, sa mạc Gobi ở Nội Mông đến vùng cận nhiệt đới của Vân Nam.

Cả cây gai dầu và cây cần sa đều chứa cannabidiol, hay còn gọi là CBD, một hợp chất đã được sử dụng để điều trị một loạt bệnh như động kinh, Parkinson. Tuy nhiên, hàm lượng chất kích thích thần kinh của cây gai dầu rất nhỏ nên nó được phép trồng, còn cây cần sa có hàm lượng lớn hơn nên bị cấm.

Theo Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới, hơn 600 bằng sáng chế của thế giới về cây gai dầu đều được thực hiện tại Trung Quốc. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến các nghiên cứu và phát triển về các loại cây gai dầu phát triển mạnh mẽ ở Trung Quốc. 

Ông Tân Tân, Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư cây gai dầu ở Bắc Kinh, một trong những công ty lớn nhất Trung Quốc ủng hộ việc sử dụng dược phẩm thương mại từ cây gai dầu, cho biết công ty đã hợp tác với quân đội để nghiên cứu và xuất khẩu sản phẩm cây gai dầu ra thế giới. Theo một tuyên bố trên trang web của công ty, một loại thuốc điều trị rối loạn thần kinh do công ty và quân đội phát triển đã gần hoàn thành các thử nghiệm lâm sàng và có tiềm năng xuất khẩu toàn cầu.

Theo Theo SCMP