Nuôi chồn không khó
Trại nuôi chồn của Trung tâm ƯDCNSH nằm sâu trong cánh đồi thuộc huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai). Khu trại yên ắng tĩnh lặng, thoang thoảng mùi xạ hương đặc trưng của loài vật này. Chồn giống được nuôi nhốt trong các lồng sắt đặt thành dãy dài. Khu nuôi chồn sinh sản được tách riêng với chồn giống đang sinh trưởng.
Chồn hương nuôi tại Trung tâm CNSH Đồng Nai
Kỹ sư Chu Quang Tấn, người trực tiếp quản lý trại nuôi chồn cho biết, từ 30 con chồn giống được nuôi từ cuối năm 2012 đến nay chồn đã sinh sản lên 45 con. Được sự chuyển giao công nghệ của trường Đại học Nông Lâm TPHCM cùng với thời gian thực tập tại một trại chồn ở tỉnh Đắk Lắk, kỹ sư Tấn đã thành thạo về quy trình chăn nuôi loài vật này.
Theo anh, ở môi trường mới, thời gian đầu vẫn gặp nhiều khó khăn để con chồn thích nghi và đến nay đàn chồn đã sinh sản, tăng trưởng tốt cho thấy có thể nhân rộng mô hình nuôi chồn. Với một chu kỳ sinh sản, con chồn sinh từ 2 đến 6 con, Trung tâm sẽ là nơi cung cấp con giống cho các hộ gia đình chăn nuôi.
Anh Tấn cho biết thêm: “Nuôi chồn không khó vì loài vật này ít bị bệnh và hầu như không lo xảy ra dịch, không tốn công chăm sóc vì chỉ cần cho ăn 1 lần/ngày. Thức ăn cho loài vật này rất đơn giản chủ yếu là trái cây và cháo”.
Để thành công với việc phát triển đàn chồn, kỹ sư Tấn và các đồng nghiệp ở Trung tâm đã đúc kết quy trình chọn chồn sinh sản phải căn cứ vào phả hệ, vừa phải cho xét nghiệm, kiểm tra kỹ lưỡng để đảm bảo đạt được tình trạng tốt nhất về điều kiện sinh sản, vừa phải theo dõi sát để biết được khi nào chồn thụ thai để có biện pháp chăm sóc riêng vì loài vật này cực kỳ nhạy cảm vào mùa sinh sản, nhất là với tiếng động và mùi lạ.
Nhờ thực hiện tốt khâu kỹ thuật chăm sóc và ứng dụng phương pháp tiêm hormon sinh sản nên chỉ sau 1 năm nuôi thử nghiệm, trung tâm đã đón lứa chồn con đầu tiên.
Tập cho chồn ăn cà phê
Nhằm tạo ra sản phẩm cà phê chồn, Trung tâm ƯDCNSH đã để dành 4 ha cà phê được áp dụng theo quy chuẩn VietGAP cho chồn hương “sản xuất” cà phê chồn. Thời điểm tháng 9 đến tháng 12 là mùa cà phê chín, những trái cà phê chín đỏ, không giập nát được ưu tiên cho đàn chồn nhấm nháp. Cứ 2 ngày, đàn chồn được ăn cà phê một lần. Và phân chồn được thu gom phân loại lấy ra những hạt cà phê qua quy trình tiêu hóa của chồn.
Để có được hạt cà phê chồn, quá trình sản xuất khá công phu. Cà phê chỉ là thức ăn phụ của loài chồn nên không phải con chồn nào cũng thích ăn. Trung tâm phải mất hằng tháng trời tập cho chồn ăn cà phê.
Sản phẩm cà phê chồn
Mang về một ki lô gam cà phê trái tuyển chọn, chồn chọn lựa lại và chỉ ăn khoảng 1/3. Kỹ sư Tấn cho biết mùa sản xuất cà phê đầu tiên, Trung tâm thu hoạch được hơn 50kg hạt cà phê chồn và đã bán hết cho người tiêu dùng với giá từ 2 triệu đến 2,5 triệu đồng/kg. Dự kiến mùa cà phê năm nay, khi đàn chồn đã phát triển và quy trình sản xuất đã thành thạo, Trung tâm sẽ tăng năng suất sản xuất cà phê chồn lên khoảng 200 kg.
Theo Sở KHCN Đồng Nai, đề tài trồng cà phê giống tốt, nuôi chồn hương, sản xuất cà phê chồn sẽ được chuyển giao rộng rãi cho bà con nông dân. Đây là mô hình mang lại nguồn lợi kinh tế rất lớn. Dự kiến cuối năm 2014, đề tài nuôi chồn và sản xuất cà phê chồn hoàn thành và được tổ chức chuyển giao cho nông dân