Nóng chất lượng đào tạo lái xe

TP - Gần 40 người dân huyện Ia Grai, Gia Lai vừa đổ ra Hải Phòng học và sát hạch giấy phép lái xe, tạo ra “sự kiện lạ”. Ðiều này tiếp tục đặt ra nhiều nghi vấn về chất lượng đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe, khi trước đó hàng loạt tai nạn nghiêm trọng xảy ra.
Chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe tiếp tục bị đặt nhiều nghi vấn về chất lượng. Ảnh: Phạm Thanh

Siết quản lý trung tâm đào tạo lái xe

Chiều 16/1, trao đổi với Tiền Phong, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT) cho biết, sau khi nắm được thông tin gần 40 người dân ở một huyện của Gia Lai ra Hải Phòng học và thi sát hạch lái xe, Tổng cục đã báo cáo Bộ và yêu cầu Hải Phòng rà soát, kiểm tra. Hiện Sở GTVT Hải Phòng đã lập đoàn kiểm tra, rà soát vụ việc. Sau khi có kết quả rà soát của Hải Phòng, Tổng cục sẽ thành lập tổ kiểm tra hoạt động đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe tại Hải Phòng. “Nếu phát hiện vi phạm quy định, Tổng cục sẽ thu hồi và xử lý nghiêm. Hiện chưa có báo cáo nên chưa rõ tại sao lại xảy ra tình trạng như vậy”, bà Hiền nói.

Theo bà Hiền, thời gian qua các ngành chức năng đã tổ chức thanh, kiểm tra một số cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe ô tô trên cả nước, qua đó đã phát hiện một số vi phạm và xử lý nghiêm. “Tuy nhiên, đâu đó còn vấn đề này vấn đề khác, còn có cả làm giả bằng lái, nhưng không phải phổ biến. Khi phát hiện sai phạm Tổng cục đều xử lý nghiêm”, bà Hiền nói thêm.

Trước đó, Công an huyện Grai đã xác nhận việc có 38 trường hợp bà con đồng bào xã Ia Khai (huyện Ia Grai, Gia Lai) khăn gói ra Hải Phòng để... thi sát hạch cấp bằng lái xe. Điều “bất thường” hơn nữa là bà con cho biết chỉ học và thi trong 2 tuần là có giấy phép lái xe.

Về hàng loạt vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do ô tô gây ra thời gian qua, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Đường bộ, cho biết trong năm 2018 và tháng 1/2019 cả nước xảy ra 24 vụ tai nạn giao thông đường bộ nghiêm trọng. Trong đó, có 2 tài xế nữ và 22 tài xế nam. Thâm niên lái xe trung bình của các tài xế là 10 năm. Độ tuổi trung bình của tài xế gây tai nạn là 36 tuổi. Ngoài ra, không có lái xe gây tai nạn nào không có giấy phép lái xe. “Qua đó phần nào xác định nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông không phải chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe kém… Do thực tế có nhiều tài xế lâu năm, có thể lái lâu nên chủ quan”, ông Huyện nói. Theo đó, thời gian tới Tổng cục sẽ cập nhật cho các địa phương, Trung tâm đào tạo lái xe về số vụ tai nạn giao thông, thâm niên tài xế, giấy phép lái xe bị tạm giữ. Đồng thời, bổ sung quy định về trách nhiệm của chủ doanh nghiệp khi tài xế gây các tai nạn nghiêm trọng. Đây là những điều hiện chưa có quy định.

Về chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe, theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ, trong năm 2019, sẽ thực hiện bổ sung thêm câu hỏi thi lý thuyết; bổ sung, lắp đặt thiết bị giám sát thời gian học lý thuyết, thực hành, lắp thêm camera giám sát phòng sát hạch lý thuyết, sân sát hạch thực hành; bổ sung thêm phần thi trong buồng lái mô phỏng... “Hy vọng những giải pháp đó sẽ nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo và sát hạch lái xe ô tô thời gian tới”, ông Huyện nói.

“Rất bất thường”

Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, vụ việc người dân Gia Lai đổ ra Hải Phòng học và thi sát hạch lái xe ô tô là rất bất thường. Thông thường, chỉ có người dân ở các đô thị lớn về các tỉnh lẻ học và thi sát hạch lái xe, vì tỉnh lẻ người học ít hơn, học và thi có phần dễ hơn, còn người dân Gia Lai ngược lại. “Từ Gia Lai xa xôi tới Hải Phòng học và thi giấy phép lái xe là điều rất lạ, bất thường, có thể có đường dây nào đó ở đây. Nhưng mọi điều phải làm rõ và thanh kiểm tra các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe chặt hơn”, ông Thanh nói. Điều này cũng thể hiện hoạt động đào tạo, sát hạch lái xe thời gian qua chưa ổn, hoạt động quản lý, giám sát của nhà nước chưa tốt.

Theo ông Thanh, hiện quy định chỉ đặt các yêu cầu về thời gian học tối thiểu, chương trình học tối thiểu, cơ quan nhà nước chỉ giám sát. Do đó, chất lượng đào tạo lái xe ra sao phụ thuộc vào cơ sở đào tạo và người dạy. Trong khi đó, các cơ sở đào tạo phải chạy đua cạnh tranh để thu hút người học, nên cắt giảm học phí, kéo theo phải cắt giảm giờ học, cạnh tranh về số người đỗ, không ít trung tâm cam kết học nhanh, đỗ nhiều. Thậm chí có người sáng thi trượt, chiều thi lại luôn và đỗ. “Thời gian qua hoạt động đào tạo, sát hạch lái xe có phần bị buông lỏng. Để nâng cao chất lượng đào tạo lái xe, cơ quan quản lý nhà nước bên cạnh thay đổi quy định, cần giám sát, kiểm tra chặt hơn, nghiêm túc hơn. Không thể để người không học, hoặc chỉ học khi chuẩn bị thi, rồi bỏ tiền để được bao đỗ thì rất nguy hiểm cho xã hội”, ông Thanh nói. Theo chuyên gia này, có trường hợp thi xong có bằng nhưng không dám cầm lái, vài năm sau ngồi nhậu với bạn bè mới “cao hứng” ra cầm lái, lập tức gây tai nạn nghiêm trọng. Do đó, tài xế được cấp bằng đã nhiều năm, hay mới lấy bằng gây tai nạn nghiêm trọng cũng chưa nói lên nhiều điều. Ông Thanh hy vọng người đi học lái xe hãy có ý thức học nghiêm chỉnh, học cho mình và an toàn cho xã hội.

Theo thống kê của Tổng cục Ðường bộ, trong năm 2018 và tháng 1/2019, cả nước xảy ra 24 vụ tai nạn nghiêm trọng, các tài xế có thâm niên lái xe trung bình 10 năm. Trong đó, có 9 vụ tài xế có giấy phép lái xe hạng E; có 6 tài xế hạng B2, có 4 tài xế hạng C, có 3 tài xế hạng D, có 2 tài xế hạng Fc.