Nỗi sợ

TP - Trước đôi bàn tay khổng lồ trên đỉnh Bà Nà, tôi không để ý nhiều tới dòng người nhỏ bé chật chội trên cây cầu được đỡ bởi đôi tay ấy. Mà chỉ đứng ngó hoài vào những ngón tay. Những ngón tay to lớn dâng lên giữa sương khói và vời vợi núi non như thủ ấn Phật, vừa vô úy, vừa hộ trì vừa xiển dương.  

Vô úy, là không sợ hãi.  

Tôi lại nhớ tới những bàn tay đưa lên từ dưới “cây cầu địa ngục” nơi cổng vào ngôi chùa Trắng (Wat Rong Khun) ở Chiang Rai, Thái Lan. Kiến trúc sư người Thái, cũng là chủ nhân công trình ấy muốn ngôi chùa như một thiên đường trên mặt đất. Mà trước khi bước vào con người ta phải ném bỏ hết mọi dục vọng ra khỏi thân xác và tâm hồn mình. Ném xuống nơi rừng tay địa ngục phía dưới kia, những bàn tay ốm đói của sợ hãi và dục vọng mù lòa.  

Nỗi sợ hãi của chúng ta phần nào được gieo rắc và thổi phồng. Tất nhiên trên những nỗi sợ hiện hữu của đời sống. Con người ai dám bảo mình không chất chứa một/những nỗi sợ hãi nào đó. Cụ thể và mơ hồ. Mông lung. Con người càng có nhiều càng sợ nhiều, như thi hào Tagore từng nói. 

Từ nay “bóng đá Việt Nam không phải sợ người Thái nữa”. Câu nói của ông thầy Park Hang Seo bật ra một cách hết sức tự nhiên, không ngờ lại chạm vào không ít những điều sâu xa khác. 

Chúng ta đã thực sự “bước qua lời nguyền” của cái “dớp” sợ hãi suốt mấy thập niên ấy chưa, ít nhất với người Thái, trên sân cỏ? Câu trả lời còn ở phía trước. 

Nhưng thực ra chúng ta có sợ gì đâu. Sợ gì chứ! 
Những thanh niên vừa tưới xăng lên người rồi ngồi nướng mực nhậu chơi, sợ gì chứ! Khắp nơi người ta chạy xe tốc độ “bàn thờ” giữa xa lộ, sợ gì chứ!. Những gia đình “dọn cỗ” trên đường cao tốc, sợ gì chứ! Chúng ta vẫn phải ăn uống thực phẩm bẩn đều đều, còn biết sợ không?   

Báo Tuổi trẻ vừa kể câu chuyện kỳ diệu về cậu bé 13 tuổi Vi Quyết Chiến, một mình đạp xe từ bản làng Sơn La xuống Hà Nội thăm em trai sinh non đang ốm nặng. Vì nhớ em, lo cho em. Không cần biết Hà Nội ở đâu, Hà Nội bao xa. Đạp được hơn 100 cây số thì ngất xỉu, bên đoạn đường tối tăm hoang vắng. May mà các bác tài chạy xe qua phát hiện…  

Tôi cứ mường tượng về những ý nghĩ trong đầu cậu bé lớp 7 người dân tộc Thái ấy. Trên chiếc xe đạp cũ không phanh. Suốt quãng đường thăm thẳm, lạ lẫm. Đói. Khát. Mệt. Và chắc chắn là sợ nữa. Sợ chứ! Nhưng vẫn không bỏ cuộc. 

Cứ cho rằng do cậu bé còn non nớt, không mường tượng hết những gì sẽ phải trải qua. Nhưng hành trình yêu thương mà cậu bé chọn lựa ấy, tôi nghĩ nỗi sợ là rất nhỏ. Và nó không đáng để nghĩ đến.  

Không cần hành trình xa đến vậy. Mà rất nhiều khi chỉ cần nắm lấy đôi tay gần bên của nhau thôi, chúng ta còn không làm được.  

Đó thực sự mới là nỗi sợ.