Nơi đào tạo cán bộ công tác xã hội giàu kỹ năng

TP - Thành lập từ năm 1956, trải qua 58 năm hình thành và phát triển, Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam (tiền thân là trường Thanh vận Trung ương) được xem là cái nôi đào tạo hàng vạn cán bộ Đoàn, cung cấp đội ngũ lãnh đạo trẻ cho Đảng, chính quyền các cấp.
Đội công tác xã hội của Học viện TTN VN làm việc tại Trung tâm dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa (Hà Nội).

Tháng 10/2011, Thủ tướng Chính phủ quyết định nâng cấp Học viện TTN Việt Nam thành cơ sở giáo dục đại học công lập trong hệ thống giáo dục quốc dân.

PGS. TS Vũ Hồng Tiến, Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc thường trực Học viện cho hay, với mục tiêu học thật, thi thật, Học viện đang từng ngày khẳng định vị thế là trung tâm chất lượng cao trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học về công tác thanh thiếu nhi, cung cấp đội ngũ lãnh đạo trẻ có bản lĩnh chính trị vững vàng.

Từ chỗ chỉ có vài trăm sinh viên, nay Học viện có gần 1.500 sinh viên, từ 3 tiến sĩ nay có 10 tiến sĩ, 1 phó giáo sư, 100% giảng viên có trình độ thạc sĩ.

Trong 3 chuyên ngành được giao nhiệm vụ đào tạo ở bậc đại học tại Học viện thì ngành Công tác xã hội (CTXH) được xem là “sinh sau đẻ muộn”. Tuy nhiên, ngành đang dần khẳng định được chỗ đứng của mình với đội ngũ giảng viên khá vững, gồm 1 tiến sĩ, 2 nghiên cứu sinh, trong số giảng viên của khoa có trình độ thạc sĩ có 2 giảng viên đào tạo đúng chuyên ngành CTXH từ năm 1995.

Ths Nguyễn Trọng Tiến, Trưởng khoa CTXH cho hay, để chuẩn bị cho chương trình đào tạo cử nhân ngành CTXH, từ năm học 2008 – 2009, Học viện TTN Việt Nam mở khóa đào tạo trung cấp chuyên nghiệp ngành CTXH đầu tiên vào tháng 9/2008, đến nay đã có 4 khóa tốt nghiệp (254 học sinh) và 1 khóa đến tháng 11/2014 sẽ tốt nghiệp (41 học sinh).

“Học viện tập trung nhiều thời gian cho biên soạn, hoàn thiện khung chương trình đào tạo, đề cương chi tiết các môn học và đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giảng viên chuyên ngành. Chúng tôi coi trọng đào tạo thực hành, thông qua việc liên kết với các tổ chức, trung tâm bảo trợ xã hội, giúp sinh viên được tiếp cận với các đối tượng đặc thù nhằm hoàn thiện các kỹ năng xã hội, ứng xử linh hoạt với các tình huống xảy ra trong công việc và cuộc sống”, Ths Nguyễn Trọng Tiến chia sẻ.

Hướng tới thanh thiếu niên yếu thế

Hiện Học viện đang đào tạo 3 khóa đại học ngành CTXH với 361 sinh viên. Bên cạnh việc trực tiếp lên lớp, hoạt động nghiên cứu khoa học trong khoa cũng được đẩy mạnh: Chủ trì 1 đề tài cấp bộ, 1 đề tài cấp Học viện, xây dựng xong 46 đề cương chi tiết cho các môn học trong chương trình đào tạo đại học chuyên ngành CTXH…

Ngoài ra, khoa còn có Đội CTXH thu hút 60 sinh viên tham gia. Đội thường xuyên tổ chức chương trình tình nguyện đến các trung tâm bảo trợ xã hội, nhà chùa, bệnh viện hỗ trợ, chăm sóc trẻ em, người nghèo, bệnh nhân, những đối tượng có hoàn cảnh éo le. Phạm Quỳnh Anh, sinh viên năm 3, lớp XH1 K1, Phó Bí thư liên chi đoàn khoa CTXH, Đội trưởng đội CTXH Học viện tâm sự: “Những chuyến đi đó giúp những sinh viên như chúng tôi có nhiều trải nghiệm thú vị, biết yêu thương và sẻ chia nhiều hơn”. Năm 2013, trong chuyến đi thực hành môn học ở Thái Nguyên, Quỳnh Anh đã ở lại Trung tâm bảo trợ của tỉnh trong một tháng và làm việc với một em nhỏ 12 tuổi có hoàn cảnh bố đi tù, mẹ không quan tâm, chăm sóc. Biết vận dụng linh hoạt những kiến thức đã học, sau một tháng, Quỳnh Anh giúp em nhỏ ấy thay đổi, ngoan ngoãn…

Ths Nguyễn Trọng Tiến cho biết mục tiêu sẽ xây dựng ngành CTXH trở thành ngành quan trọng của Học viện, nhằm cung cấp cho các cơ sở Đoàn trong cả nước đội ngũ cán bộ Đoàn có trình độ cử nhân CTXH vững vàng về nghiệp vụ công tác Đoàn. Thời gian tới khoa sẽ tập trung hoàn thành giáo trình các môn học, xây dựng các phòng thực hành tại Học viện, tổ chức cho sinh viên tham gia các chương trình tình nguyện của Đoàn. Năm 2015, khoa sẽ điều chỉnh đào tạo chuyên ngành CTXH TN hướng tới đối tượng thanh thiếu niên yếu thế.

Trong 2 ngày 10 và 11/11, Học viện TTN Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế và mít tinh kỷ niệm ngày Công tác xã hội thế giới lần thứ 17 với chủ đề: “Thực tiễn và hội nhập trong công tác xã hội tại Việt Nam”. Đây là cơ hội để tập thể giảng viên, sinh viên Học viện được trao đổi, giao lưu với các trường đại học, các tổ chức trong và ngoài nước trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu về Công tác xã hội ở tầm cỡ quốc gia và quốc tế.