Nỗi ám ảnh mang tên… sạt lở: Gia đình ly tán

TP - Người dân vùng sạt lở ở các tỉnh ÐBSCL mất đất, mất nhà, xa nhau cách trở, phải sống tạm bợ, thậm chí gia đình ly tán để mưu sinh.

BIỂN ÐUỔI

Con đê bao bọc đất liền các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang mỏng manh, nham nhở và yếu đuối trước sóng gió. Bây giờ là thời điểm mùa mưa ở Nam bộ. Bà con sống ven biển, trong rừng phòng hộ và ven sông canh cánh coi chừng đất lở hằng đêm. Trong căn chòi lá tạm bợ, chắp vá ở cửa biển Gành Hào, ông Nguyễn Văn Thơm, 73 tuổi, ấp Lưu Hoa Thanh, xã Tân Thuận (Ðầm Dơi, Cà Mau) lắc lư chiếc võng trước hiên, nhìn ra cửa biển Gành Hào, nói: “Ngày trước, nhà tôi ở ngoài kia, cách đây hơn 900 m. Sóng biển làm xói lở, tôi dời nhà đã hơn 5 lần mà chưa chắc yên ổn”.

Cơn mưa bất chợt ập đến, gió mạnh, hắt nước ướt nhẹp nền đất nhà ông Thơm, cắt ngang câu chuyện đối mặt với sóng gió miền biển. Bà con ở đây cố bám biển, đánh bắt cá tôm ven bờ kiếm sống. “Ngày nào mưa to, gió lớn, quần áo khô queo là đói”- ông Thơm nói.

Không biết tự bao giờ, cụm nhà lá cuối con rạch Miễu chảy ra biển Tây, thuộc khóm 6B, thị trấn Sông Ðốc (Trần Văn Thời, Cà Mau) là Xóm Trôi. Ông Nguyễn Văn Cọp, 60 tuổi, ở cuối xóm cho biết: “Ðây là rạch Miễu bởi có miếu Bà Chúa Xứ nhưng bị ngập hoài, trôi hết đồ đạc nên nhiều người gọi làm Xóm Trôi”. Bà Trần Thị Thủy, vợ ông Cọp, kể: “Sống riết thành quen, gió thổi mạnh, sóng nổi lên là nước tràn ngập hết trơn. Ðêm ngủ, nghe gió lào xào, nước lách tách dưới chân giường, cuốn mùng mền tìm chỗ khô ráo để ngủ. Sáng ra, vô rừng, đồ đạc của ai người nấy lấy lại”.

Những hộ dân ở Rạch Miễu mất vuông tôm dưới tán rừng phòng hộ, đành bám trụ, ra biển chài lưới. Bà Trần Thị Thơm ở ấp Ðất Biển, xã Phong Ðiền (Trần Văn Thời, Cà Mau) bộc bạch: “Ở sát mé biển nguy hiểm nhưng được cái tiện lợi mỗi khi ra biển. Xói lở đến đâu, dời nhà đến đó. Vợ chồng tôi dời nhà đôi ba lần, trẻ em gởi về ngoại, đi học”. Ông Nguyễn Văn Quí ở Rạch Miễu cho biết, cách đây khoảng 10 năm, bờ biển lúc lở lúc bồi. Nhưng những năm gần đây, bờ biển không bồi, không đắp mà sóng biển đánh lở hoài. “Bây giờ, Rạch Miễu chỉ còn 15 hộ ráng bám trụ, phần lớn chuyển đi nơi khác sinh sống”- ông Quí nói.

Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục thuỷ lợi Cà Mau nói: “Hiện nay, tác động của gió mùa Tây - Nam hoạt động mạnh, triều cường dâng cao, bờ biển Tây đang bị đe dọa trực diện, đai rừng phòng hộ không còn, đê biển có thể vỡ bất cứ lúc nào với chiều dài gần 1,5 km”.

CÁCH TRỞ

Sau trận mưa làm sạt lở khiến 39 căn nhà phải di dời gấp, trong đó có 5 căn bị “nuốt chửng” hoàn toàn xuống sông ở quận Ô Môn (TP Cần Thơ) hối cuối tháng 5. Nhớ lại trận sạt lở kinh hoàng hôm ấy, ông Nguyễn Văn Hai (84 tuổi, ngụ khu vực Thới Lợi, phường Thới An) ngồi thơ thẩn nhìn về phía nhà của người con gái bị dỡ bỏ chỉ còn trơ những trụ bê tông lởm chởm dưới sông.

Xáng cạp đang be bờ sau khi sạt lở làm đổ sụp nhà dân ở Bến Tre. ẢNH: Hoà Hội.

Cùng hoàn cảnh, bà Nguyễn Thị Kim Tác (59 tuổi, cùng địa phương) cho biết, sau hôm sạt lở, khoảng 10 ngày sau sạt lở tiếp tục lan đến gần khu vực nhà bà và nhà của người em dâu dưới mé sông. “Nhà tôi nằm phía trên bờ, là nhà thờ tổ tiên 80 năm nay nhưng nằm trong vùng sạt bị sông cuốn trôi nguy hiểm nên bắt buộc phải di dời cả người lẫn tài sản. Thấy đất tiếp tục bị sông cuốn trôi nên em tôi mới cắn răng đập bỏ căn nhà còn nguyên vẹn trên sông để giảm sức nặng không cho sạt tới nhà thờ. Nhìn cảnh ngôi nhà bao năm chắt góp từng đồng để cất lên giờ lại chính tay mình phá nó mà rớt nước mắt” - bà Tác nghẹn ngào kể.

Hiện tại, anh chị em trong gia đình bà Tác mỗi người đi một nơi tìm kế sinh nhai, còn bà thì đang ở tại nhà con gái. Tuy nhà không còn ở được nhưng lo sợ đất tiếp tục vào miệng hà bá, người phụ nữ này cùng nhiều bà con tại đây đã dùng số tiền được hỗ trợ di dời để mua cát vào bao gia cố đoạn sạt lở để cố níu giữ ngôi nhà, tấc đất của mình. “Tôi được hỗ trợ 20 triệu đồng, tôi đem hết số tiền đó mua cát vô bao gia cố xung quanh để giữ nhà không bị sạt tiếp trong khi chờ đợi nhà nước làm bờ kè. Bây giờ nhà không giữ được thì sổ đỏ cầm trong tay cũng có khác gì tờ giấy lộn” - bà Tác chia sẻ.

Tại tỉnh Bến Tre, trận sạt lở vào cuối năm ngoái làm đổ sụp căn nhà và nhà máy sấy lúa của bà Trương Thị Bích Tuyền (cồn Phú Ða, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách) xuống sông khiến gia đình lâm vào cảnh bi đát.

Cồn này vốn yên tĩnh, cây trái xanh mướt quanh năm nhưng giờ sạt lở mất đất, mất nhà gây xáo trộn cuộc sống ai nhìn cũng xót xa.

(Còn nữa)

“Ở sát mé biển nguy hiểm nhưng được cái tiện lợi mỗi khi ra biển. Xói lở đến đâu, dời nhà đến đó. Vợ chồng tôi dời nhà đôi ba lần, trẻ em gửi về ngoại, đi học”.

Bà Trần Thị Thơm ở ấp Ðất Biển, xã Phong Ðiền (Trần Văn Thời, Cà Mau) bộc bạch

Ða số người dân sống trong vùng sạt lở này trước đây chủ yếu làm nghề mua bán hàng quán. Khi con lộ dân sinh bị sạt lở, cắt đứt nguồn sinh kế của bà con nên một số người phải bỏ xứ đi nơi khác làm ăn, số khác vẫn cố bám trụ, tạm bợ tại nhà người quen, ai thuê gì làm nấy, chờ ngày nhà nước gia cố lại đường để hi vọng được trở về nhà.