Niềm vui của học sinh rẻo cao khi nhận học bổng Báo Tiền Phong

TPO - Qua những phần quà này, Báo Tiền Phong hy vọng các em học sinh Trường PTDTBT TH&THCS Làng Nhì (huyện Trạm Tấu, Yên Bái) sẽ có thêm động lực để học tập và rèn luyện thật tốt, trở thành con ngoan trò giỏi, sau này xây dựng và phát triển bản làng, quê hương.

Một chiều cuối tháng 10, bên trong khoảng sân Trường PTDTBT TH&THCS Làng Nhì vang lên những tiếng cười giòn tan kèm lời cảm ơn của các em học sinh khi được nhận sách vở và học bổng do Đoàn công tác của báo Tiền Phong trao tặng.

Trường PTDTBT TH&THCS có tổng cộng gần 500 học sinh là con em các dân tộc thiểu số trên địa bàn như Mông, Thái,…Trong đó có 423 em bán trú buổi trưa và 339 em bán trú buổi tối do khoảng cách từ nhà tới trường của các em quá xa, cha mẹ không có điều kiện đưa đón các em đi học hàng ngày.

Ngoài điểm trường chính, Trường PTDTBT TH&THCS Làng Nhì còn một điểm trường phụ cách điểm trường chính 50km, giao thông đi lại khá khó khăn, hiểm trở. Thậm chí, con đường bê tông độc đạo từ trung tâm huyện vào trường cũng đang sạt lở nghiêm trọng và tiềm ẩn nguy hiểm rất cao do ảnh hưởng của lũ quét.

Thấu hiểu những khó khăn, thiếu thốn của thầy, trò Trường PTDTBT TH&THCS Làng Nhì, nhân dịp chào mừng 70 năm Báo Tiền Phong ra số đầu tiên (ngày 16/11/1953 – ngày 16/11/2023), Đoàn cơ sở Báo Tiền Phong đã kết hợp với đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Yên Bái trao tặng hơn 5.200 quyển vở, sách tham khảo do NXB Giáo dục tài trợ cùng nhiều suất học bổng giá trị của Báo Tiền Phong cho các em học sinh nơi đây.

“Thông qua những phần quà này, Báo Tiền Phong và anh hy vọng các em sẽ có thêm động lực để học tập và rèn luyện thật tốt, trở thành con ngoan trò giỏi, sau này xây dựng và phát triển bản làng, quê hương”, anh Lê Hữu Việt - Bí thư Đoàn cơ sở Báo Tiền Phong chia sẻ tại lễ trao tặng.

Chia sẻ với đoàn công tác, thầy Nguyễn Danh Trí Quảng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, tuy còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu cơ bản các phòng chức năng, phòng ở cho học sinh bán trú; dân cư sinh sống rải rác trên 5 thôn, thôn xa nhất cách trung tâm xã khoảng 50 km, việc duy trì học sinh chuyên cần có những thời điểm còn khó khăn nhất là khối THCS nhưng thầy cô và các em học sinh nơi đây vẫn cố gắng học tập rèn luyện và đạt được những thành tựu nhất định.

Ngoài các hoạt động chính, Ban Giám hiệu nhà trường luôn tích cực chỉ đạo các cán bộ, giáo viên không ngừng trao đổi, học hỏi chuyên môn nghiệp vụ, đổi mới phương pháp dạy - học linh hoạt trong giảng dạy để giúp học sinh nắm được nội dung kiến thức chương trình; chỉ đạo giáo viên thực hiện tích hợp dạy học Tiếng Việt và các nội dung giáo dục (bảo vệ môi trường; bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, hải đảo; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; quyền và bổn phận của trẻ em; bình đẳng giới; an toàn giao thông; phòng, chống tai nạn thương tích...) vào các môn học và hoạt động giáo dục…