Niềm tin và nỗi lo

TP - Vụ việc tài sản nhà đất của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền vừa bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKT T.Ư) yêu cầu phải xử lý, thu hồi và kiểm điểm trách nhiệm gây sự chú ý lớn của dư luận.

Người dân cũng hết sức đồng tình và hoan nghênh kết luận rất chi tiết, công khai và rõ ràng về 6 trường hợp nhà đất của ông Truyền. Những việc làm của ông Truyền đã “gây phản cảm, tạo dư luận xấu ở địa phương và lan rộng trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của bản thân đồng chí và tổ chức đảng”, Thông cáo báo chí của UBKT T.Ư nêu rõ.


Vụ việc của ông Truyền “gây phản cảm, tạo dư luận xấu” bởi ông từng là người có trọng trách lớn trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, kê khai và kiểm soát tài sản cán bộ. Trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong, nguyên Phó Chủ nhiệm UBKT T.Ư Vũ Quốc Hùng nhận định đây là một điều đau xót, đáng xấu hổ. “Việc nhiều quan chức bị xử lý liên quan đến vi phạm đất đai thì có nhiều, nhưng tổng kiểm kê tài sản của một quan chức cao cấp thì có lẽ đây là lần đầu tiên”, ông Hùng nói.

Nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã ngay lập tức lên tiếng về vụ việc này. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng : “Sự việc của ông Truyền càng hối thúc chúng ta nhìn lại toàn bộ nền công chức, công vụ, từ việc đào tạo, tuyển dụng, bổ nhiệm, kiểm soát quyền lực... Tất cả những khâu đó đều có những lỗ hổng cần đặt lên bàn để hoàn thiện. Nếu các lỗ hổng trong nền công vụ không được bịt lại, thiết chế kiểm soát quyền lực không phát huy được tác dụng thì vụ ông Truyền chỉ là trường hợp cá biệt mà thôi, còn lại vẫn có nhiều ông Truyền khác” (Tuổi trẻ).

 Còn Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Lê Như Tiến nói : “Qua vụ việc này tôi cho rằng chúng ta vẫn còn có sơ hở trong việc quản lý cán bộ công chức, đặc biệt là thực hiện giải pháp liên quan đến phòng chống tham nhũng. Tôi nghĩ rằng, nếu việc kê khai tài sản ngay từ ban đầu và kê khai bổ sung hằng năm được thực hiện nghiêm túc mà chính Thanh tra Chính phủ là người tham mưu thì sẽ phát hiện được từ rất lâu rồi” (Tiền Phong).

Như vậy, các vị ĐBQH đều cảnh báo về một vấn đề lớn hơn, mang tính bản chất hơn từ vụ việc cụ thể của ông Truyền. Đó là một loạt các lỗ hổng trong nền công vụ cần phải nhanh chóng được bịt lại, bằng không khó mà loại trừ tận gốc “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất như đã nêu trong NQ TƯ 4.

Tuy nhiên, việc lần đầu tiên một quan chức cấp cao như ông Truyền khi về hưu vẫn bị “tổng kiểm kê tài sản” về nhà đất, vẫn bị thu hồi tài sản, vẫn bị kiểm điểm làm rõ một cách công khai, minh bạch, là một chỉ dấu cho thấy quyết tâm lớn của Đảng và Nhà nước trong công cuộc phòng, chống “quốc nạn” tham nhũng. 

Thêm một niềm tin của nhân dân ! Và cũng thêm một nỗi lo canh cánh cho các quan tham đang tại vị, bởi từ nay ít ra khái niệm “hạ cánh an toàn” khi về hưu đã không còn tồn tại!.