Áp lực- đó là cảm xúc đầu tiên khi hỏi bất cứ thành viên nào của đoàn làm phim “Lửa ấm”. Bởi theo đánh giá, đây là một bộ phim thực sự khó, phức tạp và có quá nhiều cảnh đông người với nhiều tình huống xảy ra. Đạo diễn hình ảnh Đỗ Cường Việt chia sẻ: “Áp lực đầu tiên với chúng tôi là làm thế nào để thể hiện chân thực nhất các cảnh cháy nổ, gây hiệu ứng thị giác mạnh nhưng không được giả tạo, làm khán giả tin là đây là vụ cháy thật, khói phun ra là thật, nhân vật bị ngạt khói là thật. Chúng tôi đã có không biết bao nhiêu cuộc họp với tổ tư vấn chuyên môn để nắm được những tình huống thật khi các anh cảnh sát PCCC và CHCN đi cứu nạn thực tế. Thậm chí có lần ekip đang quay thì có đám cháy xảy ra, chúng tôi lập tức xách máy đi theo xe chữa cháy đến hiện trường luôn”.
DOP của phim “Lửa ấm” cũng cho biết, mỗi khi xác định được phương án tổ chức tình huống thì cả ê-kip lại phải họp để thống nhất cách làm, rồi họp tiếp với nhóm diễn viên tham gia tình huống đó cùng với tổ tư vấn để các bên kết hợp với nhau tốt nhất khi bấm máy. “Sở dĩ phải họp kĩ như vậy vì các tình huống đốt cháy chúng tôi chỉ được phép thực hiện tối đa là 2 lần, vì những đồ đạc khi đã cháy là không về được trạng thái ban đầu nữa”, đạo diễn Cường Việt tiết lộ.
Một áp lực nữa với quay phim và diễn viên là khi quay những cảnh cấp cứu, các thao tác cấp cứu phải chính xác, những tên thuốc hay từ ngữ chuyên ngành không được phép đọc sai. “Có những đoạn chúng tôi phải quay tới 37 đúp vì có quá nhiều từ chuyên môn trong lời thoại, diễn viên quay được câu nọ thì mắc ở câu kia. Khi quay những động tác sơ cứu của bác sĩ hay những động tác chuyên môn khác, chúng tôi luôn có bác sĩ tư vấn đi kèm, hướng dẫn từng tí một, nhưng có những động tác khó quá thì chúng tôi phải quay giấu hoặc đóng thế”, đạo diễn hình ảnh của “Lửa ấm” nhớ lại.
Với mong muốn chuyển tải được chân thực nhất những tình huống câu chuyện đến khán giả để khán giả hiểu được rõ sự vất vả của lực lượng PCCC – CHCN và bác sỹ nơi tuyến đầu, nên không chỉ đạo diễn, quay phim mà bản thân các diễn viên cũng ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình.
Đầu tiên là những khó khăn về mặt chuyên môn. Để vào vai các chiến sĩ lính cứu hỏa thực thụ thuyết phục được người xem, các nam diễn viên đã phải trải qua khóa huấn luyện cơ bản. Các diễn viên cũng phải học cách leo tường, bê vác, những thao tác cứu hộ cứu nạn chuẩn như những người lính. Ngoài các cảnh quay nguy hiểm và khó, gần như các cảnh còn lại đều do diễn viên trực tiếp tham gia.
Là diễn viên miền Nam ra Bắc đóng phim, một trong những điều ám ảnh NSƯT Trương Minh Quốc Thái nhất chính là quay phim trong những ngày mùa hè ở Hà Nội. Anh sẽ không bao giờ quên cảnh phim thực hiện từ 10h sáng tới 1h trưa, đúng thời điểm nóng nhất trong một chiếc thùng xe tải không khác gì lò hấp nhiệt. "Nhiệt độ trong thùng xe càng trở nên bí bách khi bị cái nắng mùa hè 40 độ C chiếu thẳng vào trong thời gian dài. Sau khi quay, nhìn vào tấm kính ở khu nhà ăn, tôi thấy mặt mình trắng bệch vì thiếu oxi. Tuy nhiên, đây lại là một trong những phân cảnh ấn tượng nhất vì tính hiện thực đậm nét mà nó thể hiện" - Quốc Thái cho biết.
Trong quá trình quay phim, anh cũng tự mình thực hiện nhiều cảnh quay nguy hiểm như cảnh chữa cháy, cứu người, cứu tài sản cho nhân dân, cảnh cứu nạn cứu hộ người nhảy lầu tự tử, ngáo đá, rơi xuống vực, gỡ mìn...để tạo được sự chân thực, cảm xúc cho vai diễn. Đặc biệt, có một phân cảnh miêu tả sự cố, nhân vật Minh của Quốc Thái bị tủ đổ vào người trong khi làm nhiệm vụ, lẽ ra phải sắp xếp sao cho tủ không đổ vào diễn viên nhưng Quốc Thái lại quyết định cứ để tủ đổ thẳng vào đầu mình để có được cảnh quay chân thật nhất. Cũng may là mũ bảo hiểm của các chiến sĩ PCCC đủ an toàn để không xảy ra tai nạn khi quay.
Với diễn viên Mạnh Quân, 6 tháng đóng phim cũng đã để lại cho anh rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ, đặc biệt là những cảnh quay thực hiện bài tập thể lực nặng, thậm chí anh và các bạn diễn phải vác thang 20kg chạy quanh sân trong thời tiết 40 độ C, rồi chui vào container đốt lửa bên trong.
Về phía các diễn viên nữ vào vai bác sỹ, khó khăn lớn nhất với họ chính là lời thoại, y lệnh với nhiều tên thuốc rất khó mà chỉ cần đọc sai một ly là đi một dặm. Phim lại thu tiếng trực tiếp nên càng tạo áp lực lên diễn viên.
Đảm nhiệm vai một bác sĩ ở khoa cấp cứu, công việc mà nhiều người phải học cũng như thao tác rất nhiều năm mới có thể thành thạo thì các diễn viên như Thúy Hằng, Thu Quỳnh… chỉ có một thời gian ngắn để "thực tập". “Với vai diễn này, các phân cảnh chủ yếu ở phòng cấp cứu, đối diện cả với những trường hợp chết lâm sàng, bệnh nhân tai nạn giao thông… Lúc đầu, tôi cũng hơi sợ vì nhìn thấy sự mong manh giữa sự sống và cái chết. Ngày đầu tiên về không ăn được miếng cơm nào luôn. Mùi máu, mùi thuốc sát trùng ám ảnh cả trong giấc ngủ”, diễn viên Thuý Hằng (vai bác sỹ Thuỷ) cho biết. Nữ diễn viên cũng tiết lộ, tất cả cảnh khóc trong phim đều được cô khóc thật. Mà có những ngày phải diễn đến 7 – 8 phân đoạn khóc lóc, nên trong suốt 6 tháng đóng phim, nữ diễn viên gần như bị trầm cảm, phải uống nhiều thuốc giảm đau, thậm chí bị chảy máu dạ dày vì suy nghĩ quá nhiều.