Những thí sinh “cô đơn”

TP - Có nhiều chuyên gia cho rằng, kỳ thi vừa kết thúc nhẹ nhàng, đổi mới bước đầu được xã hội đánh giá cao với cách ra đề gần gũi cuộc sống, tạo cảm hứng cho thí sinh. Tuy nhiên, có một sự kiện khiến kỳ thi kết thúc không hề nhẹ nhàng, đó là “sự đặc biệt của những thí sinh môn Sử”.

Điểm ngẫu nhiên qua một số tỉnh: Hưng Yên có 36 hội đồng thi thì có 15 hội đồng không có thí sinh môn Sử; Sóc Trăng, Lâm Đồng mỗi tỉnh đều có 4 hội đồng trắng thí sinh Sử…

Một chuyện bất thường đã diễn ra tại Hội đồng thi THPT Quang Trung, Đống Đa (Hà Nội), chỉ vỏn vẹn 1 thí sinh thi môn Sử nhưng có 18 giám thị, cán bộ phục vụ và hàng chục phóng viên túc trực phía ngoài chờ phỏng vấn.

Nữ thí sinh duy nhất ở hội đồng thi này là Khánh Linh đã không ngờ được mình lại “nổi tiếng” đến thế khi lựa chọn thi môn Sử. Kết thúc buổi thi, Khánh Linh không dám ra khỏi phòng vì sợ sa vào vòng vây người “hâm mộ” và báo giới. Cô đã nhờ sự trợ giúp của lực lượng bảo vệ để thoát thân.

Vì sao báo chí quan tâm thí sinh duy nhất ở hội đồng thi môn Sử đến vậy? Chắc chắn là vì “mới và lạ”. Nếu gặp được nữ sinh này, không rõ các phóng viên sẽ hỏi gì. Có thể là: Vì sao em thi Sử? Cảm giác của em thế nào khi một mình một phòng? Hoặc gặp chỉ để chụp ảnh giới thiệu với bạn đọc cả nước về thí sinh “cô đơn” trong phòng thi môn Sử. Đơn giản em là thí sinh đặc biệt, hỏi gì, viết gì cũng hấp dẫn!

Hình ảnh nữ thí sinh trống trải một mình trong phòng thi môn Sử phản ánh sự bất bình thường, sự cô đơn, lẻ loi của môn Sử trong kỳ thi đổi mới đầu tiên.

Thực tế này không bất ngờ vì trước đó báo chí đã công bố tỷ lệ thí sinh chọn thi môn Sử (“thấp thê thảm” - từ một số báo dùng), nhưng hình ảnh nữ thí sinh duy nhất tại một hội đồng thi vẫn khiến nhiều người có cảm giác có cái gì đó không ổn! Đặc biệt, khi đề Sử đề cập vấn đề biển Đông thì sự trống vắng người thi Sử ở các hội đồng khiến nhiều người xót xa!

Nhiều tựa đề được các báo giật lên ngày hôm sau: “Sóng biển Đông tràn vào phòng thi”, “Đề thi chạm đến trái tim thí sinh…”. Dòng tít ấy vui hay buồn, khi những trái tim thí sinh mà đề thi muốn chạm đến trong chuyện này lại quá ít?

Trong một cuộc gặp gỡ tại Điện Biên nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, các cựu binh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ rất buồn khi vị thế của môn Sử bị sa sút trong đổi mới thi cử lần này. “Sẽ yêu nước thế nào, ghi nhớ máu xương của thế hệ đi trước thế nào, nếu không hiểu về lịch sử”, một cựu binh nói.

Lịch sử không phải là một mặt cắt đơn giản mà nó được nối dài liền mạch bởi những sự kiện của dân tộc. Sự kiện nóng trên biển Đông không đơn giản là sự kiện xảy ra ngẫu nhiên trong những ngày qua, mà cần được hiểu, được nhìn nhận, được cảm ở diện rộng, chiều sâu của lịch sử dân tộc. Không hiểu cặn kẽ, sao có thể yêu nước sâu sắc được.

Có thể cái ý sâu xa, tốt đẹp của người ra đề là lồng một sự kiện thời sự vào kỳ thi để giáo dục lòng yêu nước thế hệ trẻ (bên cạnh nhiều ý nghĩa khác khi ra đề mở). Nhưng khó hiểu là, coi trọng giáo dục lòng yêu nước sao lại coi nhẹ môn Sử?

“Vận mệnh” môn Sử, không chỉ là chuyện bếp núc học hành, thi cử, mà có liên quan sự tồn vong của quốc gia, dân tộc. Kỳ thi đã thành công ở nhiều phương diện về đổi mới, nhưng sẽ không ổn nếu thấy nhiều người vỗ tay mà quên đi sự “cô đơn” của môn Sử!