Da kết độc vì trang điểm đều
Nữ hoàng Victoria từng đều đặn làm trắng làn da với công thức kinh hoàng gồm cacbonat natri, clorua thủy ngân, axit cyanhytric và hàn the (borax). Chúng ta đang sống trong thế kỷ được hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc cách mạng mỹ phẩm. Nếu biết tận dụng thế mạnh của mỹ phẩm một phụ nữ có hình thức điểm 4/10 có thể đạt tới vị trí 8-9/10. Phụ nữ say sưa với quyền lực của các sản phẩm giúp họ đẹp lên và thay đổi cuộc đời . Bẵng đi một thời gian , mọi người tỏ ra xem nhẹ mặt trái của mỹ phẩm. Năm 1997 quốc hội Mỹ sau khi tiến hành kiểm tra đã chính thức công bố danh sách 125 loại mỹ phẩm gây ung thư da và một số bệnh nguy hiểm khác (như suy gan, dị ứng, suy thận…).
Có nhiều luận điểm cho rằng một liều lượng độc tố tối thiểu sẽ không tác động xấu đến cơ thể nhưng cũng như dược phẩm – luôn là con dao hai lưỡi khi chúng ta sử dụng quá liều. Lượng độc tố trong mỹ phẩm tuy không đáng kể nhưng chúng ta lại tự tẩm độc mỗi ngày , chất độc thẩm thấu tích tụ tăng dần cho đến lúc bùng nổ phá hủy. Cái chết của Elizabeth đệ nhất là một ví dụ. Bà là một nạn nhân của mỹ phẩm độc hại ẩn nấp trong cơ thể sau nhiều năm tháng sử dụng.
Sốc thuốc nhuộm tóc
Thời nay có những trường hợp không cần đợi lâu đến thế. Cách đây không lâu, vợ của nhà hóa học Narinder Devi (ở Birmingham) đã chết vì sốc dị ứng sau khi ủ thuốc nhuộm tóc trong vòng 1 giờ. Các cơ quan luật pháp Anh đã vào cuộc điều tra phòng thí nghiệm Lab Garnier , nơi sản xuất sản phẩm nhuộm tóc trên. Đồng thời một loạt những sản phẩm nhuộm tóc khác đã bị đưa ra soát lại độ an toàn.
Trong sản phẩm nhuộm tóc của Lab Garnier có một một thành phần gây dị ứng cực mạnh. Đáng nhẽ ra những người sản xuất phải cảnh báo và khuyến cáo khách hàng làm một số test thử phản ứng trước khi sử dụng để không có những tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Đứng về phía khách hàng, thật thà mà nói, kể cả trên nhãn mác có ghi lời cảnh báo nói trên thì liệu có mấy người bỏ công đi thử phản ứng?. Thợ làm tóc lại càng không bao giờ giục giã khách công việc mà ai cũng ngại này. Mọi người chậc lưỡi nghĩ “ chỉ là nhuộm tóc ấy mà”. Thành ra người sử dụng mỹ phẩm vẫn luôn ở thế bấp bênh.
Khi dùng một loại mỹ phẩm mới, các khách hàng thường tự trấn an mình rằng để có được giấy phép nhà sản xuất chắc chắn đã thử trên hàng trăm người dùng thử rồi. Tuy nhiên họ lại không biết rằng các cuộc dùng thử chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Rất hiếm khi một hãng lại bỏ hẳn vài năm để theo dõi xem sản phẩm của mình thẩm thấu và gây hiệu ứng phụ dần dần thế nào với một nhóm đối tượng khách hàng.
Các nhà khoa học Đại học Nam California đã công bố “ thuốc nhuộm tóc có thể gây ung thư da”. Nhóm đã nghiên cứu trên 1500 trường hợp mắc bệnh và phát hiện ra rằng đa số bệnh nhân ung thư này thường xuyên nhuộm tóc. Những phụ nữ dùng thuốc nhuộm tóc 1lần/ tháng có nguy cơ mắc loại bệnh ung thư nói trên gấp hai lần so với người khác. Với những người sống thường xuyên 15 năm trở lên với thuốc nhuộm nguy cơ càng lớn. Những thợ làm tóc có hơn 10 năm tiếp xúc với thuốc nhuộm có nguy cơ ung thư lớn gấp 5 lần so với khách hàng của họ.
Cảnh báo ung thư phổi, buồng trứng
Có vẻ như giá của việc làm đẹp đắt hơn chúng ta nghĩ. Ví dụ, chất talc là độc tố thủ ác với phổi và chúng luôn được cảnh báo gây ung thư buồng trứng. Cơ thể chúng ta như một miếng mút bọt biển lớn có thể thấm hút tất cả những gì có trên da. Liệu chúng ta có nên miệt mài mỗi ngày quết lên má, môi, cổ một cocktail thập cẩm hóa chất?
Cũng vào dịp đầu năm nay, một số báo cáo y tế đã cho thấy trong một số loại nước hoa có chứa chất tương tác và ngăn chặn hormone sinh sản. Khá mỉa mai khi nước hoa đã từng được đánh giá là sản phẩm kích thích hormone sinh sản. Tổ chức môi trường thế giới đã kêu gọi một cuộc tổng kiểm tra tìm thành phần độc hại trong nước hoa nhưng các hãng vẫn khẳng định, độc tố trong cồn nước hoa quá nhỏ. Ủy ban châu Âu đã đưa ra một cuộc điều tra hoạt động của các "đại gia" nước hoa. Họ tìm thấy 2600 hóa chất trong nước hoa xong mọi việc chỉ dừng ở đó. Có vẻ như việc tố cáo chất độc giữa các hãng chỉ với mục đích dìm thương hiệu của nhau.
Đa số mỹ phẩm có thời hạn sử dụng trong khoảng 3 năm, để giữ cho không hỏng sản phẩm người ta phải dùng đến chất bảo quản mà thành phần chính là chất chống khuẩn. Khi các vi khuẩn bị tiêu diệt thì tế bào da của chúng ta cũng chết cùng. Tất cả các loại mỹ phẩm tác động qua da như phấn, kem, dầu gội, sữa tắm, lăn khử mùi… đều gây tác động kép cho người sử dụng. Mọi người vẫn bình chân như vại vì nghĩ rằng rủi ro không rơi vào mình. Đâu phải chỉ khi dị ứng tức thì trên da mới là biểu hiển của nhiễm độc. Các độc tố từ hóa chất trong mỹ phẩm cũng như một loại dược phẩm hiệu nghiệm, đem lại điều kỳ diệu nhưng vẫn là con dao hai lưỡi.