Ẩn chứa điều gì nơi Pơ lang?
Chị Phạm Thị Thu Hằng (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) cho rằng, đam mê điều gì phải theo đuổi đến cùng, thất bại không được từ bỏ, bản thân luôn ở tâm thế học hỏi. Chị và cộng sự là anh Đinh Huy Thắng thành lập công ty có tên Pơ lang, bước đầu đưa ra thị trường những sản phẩm làm đẹp từ quả bơ phù hợp với thị hiếu khách hàng.
Tại cuộc thi Khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tỉnh Đắk Lắk năm 2022, dự án của chị đoạt giải 3. Năm 2020, dự án Pơ lang sản xuất các sản phẩm chế biến chuyên sâu từ quả bơ tươi và thảo dược Đắk Lắk lọt vào vòng chung kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn của Trung ương Đoàn. Tên Pơ lang không giấu được tình yêu của chị với mảnh đất Tây Nguyên. “Nói đến Pơ lang người ta nghĩ ngay đến mảnh đất Tây Nguyên. Là loài hoa đẹp, cho cảm giác nhẹ nhàng, thanh thoát nên tôi quyết định lấy làm thương hiệu của mình”, chị lý giải.
Nhớ lại năm 2019, đang có công việc ổn định là giáo viên Sinh học tại một trường THPT huyện Krông Pắk, chị Hằng quyết định nghỉ dạy. Chuyển hướng kinh doanh, chị chọn quả bơ để thử. Chị tìm đọc các đề tài nghiên cứu khoa học về chế biến bơ, liên hệ với những người làm ra đề án đó. Sau đó, chị Hằng xuống tận nơi, được họ chỉ dẫn tận tình, thử nghiệm các quy trình.
“Kết quả thử nghiệm cho ra bột bơ đắng ngắt; bơ sấy dẻo vừa đắng vừa hôi, chỉ có dầu bơ dùng được. Tôi bắt đầu nghiên cứu dầu bơ nhưng giá thành sản xuất rất đắt, khách hàng khó lòng chấp nhận”, chị Hằng nhớ lại. Trong quá trình nghiên cứu, chị nhận thấy bơ không chỉ ăn mà có thể dùng ngoài da rất tốt. Bơ có nhiều chất dinh dưỡng, đặc biệt nhiều vitamin B5 nên chị Hằng chuyển hướng qua mỹ phẩm. Chị nghĩ, phụ nữ sẽ chấp nhận được sản phẩm làm đẹp có giá đắt nhưng phải chất lượng. Chị tham gia khóa học sản xuất mỹ phẩm; lớp học về kinh doanh, bắt đầu nghiên cứu tìm ra công thức riêng của mình. Chị tham gia nhiều hội, nhóm, cuộc thi khởi nghiệp; chương trình hội nghị kết nối giao thương trong và ngoài tỉnh để tiếp cận khách hàng, lan tỏa thương hiệu.
Kể từ ngày khởi nghiệp đến nay, 2 lần công ty chị Hằng phải đóng cửa. Lần đầu ngưng vì chị “bán cái mình có mà không bán cái khách hàng cần”. Lần đóng cửa thứ 2 do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất chị dùng phương pháp cấp đông. “Cấp đông không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Trái bơ ăn tươi sẽ ngon và tốt hơn bơ cấp đông, nhưng trong chế biến, việc rút dầu ra gần như không ảnh hưởng gì, vị dầu không thay đổi. Vậy nên, trong mùa bơ, chúng tôi cũng phải trữ đông, đảm bảo đủ nguyên liệu sản xuất”, chị Hằng cho biết.
Trong quá trình nghiên cứu, chị bắt buộc phải bỏ một số sản phẩm như: Bột bơ, xà phòng thảo dược… “Mặc dù người sản xuất không dễ dàng để cho ra đời một sản phẩm. Nhưng sản phẩm làm ra thị trường không chấp nhận mình phải bỏ”, chị Hằng nói. Hiện tại, 7 dòng sản phẩm của Pơ lang gồm son, kem chống nắng, sữa tắm, dầu rửa mặt, dầu dưỡng, xà bông, mặt nạ ngủ đều được chiết xuất từ dòng bơ booth, loại bơ có độ dẻo và hàm lượng tinh dầu cao. Tuy nhiên, công đoạn chăm sóc bơ booth vất vả nên chị Hằng định hướng sẽ mở rộng làm sản phẩm từ bơ nội địa. Đến nay công ty chị có 80 đại lý ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Doanh thu một năm khoảng 1,5 tỷ.
“Năm 2023, chúng tôi cố gắng đưa dầu bơ, bột bơ vào thực phẩm. Giá thị trường chấp nhận được hay không thì tôi vẫn thử”, chị cho biết.
Chăm sóc vườn cây bằng thiết bị thông minh
Từ những đêm bị mùi thuốc sâu hôi nồng ám ảnh, anh Tô Linh Bình (huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum) chuyển từ phương thức sản xuất cũ sang ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số vào sản xuất sầu riêng và cà phê, cây ăn trái theo hướng bán hữu cơ.
Đến vườn cà phê xen cây ăn quả của Bình, cỏ mọc quanh bờ lô và gốc cây. “Sản xuất theo công nghệ sinh học không nên diệt cỏ. Cỏ góp phần giữ ẩm cho đất vào mùa khô, chống xói mòn vào mùa mưa. Cỏ tốt, tôi dùng máy cắt, bỏ cỏ vào gốc cây, dùng men vi sinh phân hủy làm phân bón cho cây trồng”, anh Bình cho biết.
Nhớ lại những ngày đầu, Bình cho hay, sau khi nghỉ học, anh về chăm sóc vườn cà phê cùng gia đình. Thời điểm này, vườn cây bị sâu bệnh phải phun thuốc hóa học. Ngôi nhà của gia đình nằm giữa vườn, đêm về mùi thuốc sâu xộc vào mũi khiến anh bị ám ảnh và lo lắng cho sức khỏe. Bình tìm hiểu và mua hàng trăm các sản phẩm khác nhau về thử nghiệm. May mắn, anh được sự hỗ trợ từ một người có kinh nghiệm gần 20 năm nghiên cứu sản xuất hữu cơ.
Hệ thống phun thuốc sinh học trong vườn được lắp đặt bằng hệ thống đường ống và dây dẫn gắn vòi cầm tay phun sương lên lá, ngọn cây. “Việc chăm sóc cây trồng theo hình thức này giảm công lao động. Tăng độ phì của đất và sự đa dạng sinh vật đất nhờ không dùng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học…”, anh Bình thông tin.
Chỉ với thao tác mở, tắt từ điện thoại, anh Bình cũng có thể tưới nước và bón phân cho vườn cây. “Việc tưới nước và bón phân cho cây thực hiện ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số. Phân bón hòa trong nước được kết nối với thiết bị điều khiển tự động bằng điện thoại thông minh”, anh Bình nói.
Với diện tích 4ha cà phê trồng xen sầu riêng, chôm chôm, cam quýt... Tuy chưa bước vào chu kỳ kinh doanh chính, nhưng mô hình cà phê xen cây ăn quả sản xuất hữu cơ này cho thu trên 1 tỷ đồng/năm, lãi ròng 450 triệu đồng/năm. Năm 2022, Tô Linh Bình cùng các thành viên trong và ngoài tỉnh thành lập HTX nông nghiệp công nghệ cao liên minh Farm.
Anh Tô Linh Bình là 1 trong 32 gương thanh niên được nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2022. Mới đây, anh được nhận bằng khen gương mặt trẻ tiêu biểu của tỉnh Kon Tum.
Anh Tô Linh Bình, Chủ tịch hội đồng quản trị HTX nông nghiệp công nghệ cao liên minh Farm cho biết, HTX chuyển giao công nghệ sinh học (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cây giống) cho các thành viên với giá ưu đãi, đảm bảo đầu vào và vùng nguyên liệu sản xuất được đồng bộ. Mục tiêu sẽ huy động vốn mở rộng xưởng sơ chế đóng gói; làm mã vùng trồng cho xã viên, ký hợp đồng bán sản phẩm trực tiếp cho các nhà máy chế biến, các siêu thị và các công ty xuất nhập khẩu để đưa sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của HTX ra thị trường nước ngoài.