Nguồn tin của Tiền Phong cho biết, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm (C03) Bộ Công an vừa đề nghị cơ quan chức năng TP Hà Nội cung cấp tài liệu liên quan đến dấu hiệu sai phạm xảy ra tại Dự án đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch sông Đuống, thuộc Cty CP Nước mặt sông Đuống (Tập đoàn Aqua One). Được biết, Cty CP Nước mặt sông Đuống do bà Đỗ Thị Kim Liên làm Chủ tịch.
Ở dự án này, Sở Xây dựng Hà Nội từng kiểm tra, xử phạt Cty CP Nước mặt sông Đuống về một số hành vi vi phạm, với mức 25 triệu đồng và 45 triệu đồng. Ngoài ra, dự án từng gây xôn xao dư luận bởi giá nước được đưa ra mức tối đa 10.000 đồng/m3, trong khi giá nước sông Đà chỉ hơn 7.000 đồng/m3.
Đáng chú ý, trước khi khánh thành giai đoạn 1 Nhà máy nước mặt sông Đuống 4 ngày, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội đề nghị cân nhắc việc tổ chức khánh thành công trình, do chưa đủ điều kiện nghiệm thu để đưa vào khai thác, sử dụng.
Tuy vậy, ngày 5/9/2019, Nhà máy nước mặt sông Đuống vẫn được tổ chức khánh thành rầm rộ. Đến 13/10/2019, lãnh đạo UBND TP Hà Nội nhấn nút phát nước giai đoạn 1 của dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống và phát động khởi công xây dựng giai đoạn 2 của nhà máy.
Ngoài Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống, Tập đoàn Aqua One do bà Đỗ Thị Kim Liên làm Chủ tịch còn thi công Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nước Xuân Mai (Kỳ Sơn, Hòa Bình) khi chưa có quyết định chuyển mục đích sử dụng đất, quyết định giao đất, giấy phép xây dựng…
Cụ thể, ngày 6/6/2018, UBND TP Hà Nội có quyết định chủ trương đầu tư cho Tập đoàn Aqua One thực hiện Dự án đầu tư xây dựng nhà máy nước Xuân Mai công suất 120.000 m3/ngày. Tiếp đó, ngày 24/1/2019, UBND tỉnh Hòa Bình ban hành Quyết định số 07 điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án này; quy mô đầu tư được điều chỉnh lên 600.000 m3 nước sạch/ngày, trong đó giai đoạn 1 là 300.000 m3/ngày, giai đoạn 2 là 300.000m3/ngày.
Dự án được triển khai trên diện tích 52,4ha, trong đó, công trình thu và trạm bơm khoảng 3,4ha (xã Trung Minh, TP Hòa Bình); nhà máy xử lý nước khoảng 45,5ha (xã Mông Hóa, huyện Kỳ Sơn); bể chứa nước trung gian khoảng 3,5ha (xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn).
Nghiêm trọng hơn, dù UBND tỉnh Hoà Bình và UBND TP Hà Nội mới có quyết định về mặt chủ trương, chưa có quyết định chuyển mục đích sử dụng đất, quyết định giao đất, giấy phép xây dựng, nhưng chủ đầu tư đã tổ chức thi công san gạt nền, hạ cốt đồi, hoạt động đầu tư xây dựng dự án Nhà máy nước Xuân Mai.
Được biết, hiện Dự án nhà máy nước sạch Xuân Mai chưa nằm trong quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội. Trong đó, TP Hà Nội đang điều chỉnh quy hoạch cấp nước Thủ đô, chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt… Đến nay, hồ sơ thủ tục của dự án cũng chưa trình lên Bộ Xây dựng thẩm định.
Tháng 3/2020, UBND xã Mông Hoá, huyện Kỳ Sơn tiến hành kiểm tra; ra quyết định xử phạt chủ đầu tư 3,5 triệu đồng liên quan đến việc thi công khi chưa có quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa có giấy phép xây dựng…
Quyết định số 499/QĐ-TTg ngày 21/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có 3 nhà máy nước gồm: Nhà máy nước Sông Đà, Nhà máy nước Sông Hồng và Nhà máy nước Sông Đuống (phần cấp cho Hà Nội) với tổng công suất các nhà máy nước mặt đến năm 2020 là 1.140.000m3/ngày và dự kiến đến năm 2030 là 2.125.000 m3/ngày.