Trong ảnh là tóc giả, gồm nhiều bím tóc kết lại với sáp ong, khiến nó khá cứng. Những tài liệu đầu tiên về tóc giả được ghi chép trên đồ tạo tác của người Ai Cập cổ đại và tranh trên tường các khu lăng mộ cổ. Rất nhiều người Ai Cập cạo đầu để giữ cho đầu sạch sẽ, tránh chấy rận.
Tại thời điểm đó, trọc đầu không thẩm mỹ nên họ phát minh ra tóc giả. Tuy nhiên tu sĩ và người lao động không đội tóc giả.
Đồng hồ Mặt Trời do người Ai Cập cổ đại phát minh có dạng tháp. Dựa trên bóng của tháp di chuyển trên mặt đất, người Ai Cập chia ngày thành sáng và chiều. Họ xác định thời gian, ngày dài nhất và ngắn nhất trong năm cũng dựa trên đồng hồ Mặt Trời.
Đồng hồ nước là loại đồng hồ thứ hai do người Ai Cập phát minh. Các bằng chứng vật lý đầu tiên về đồng hồ nước cho thấy nó xuất hiện từ năm 1417 đến năm 1379 trước Công nguyên, khi pharaoh Amenhotep III đang trị vì Ai Cập. Thiết bị này từng được sử dụng trong Đền thờ Amen-Re ở Karnak.
Trong ảnh là dụng cụ phẫu thuật của người Ai Cập cổ đại. Tài liệu y khoa đầu tiên còn sót lại cho đến ngày nay là cuốn Edwin Smith Papyrus. Cuốn sách mô tả 48 trường hợp phẫu thuật thương tích phần đầu, cổ, vai, vú, ngực. Nó cũng liệt kê danh sách dụng cụ dùng trong quá trình phẫu thuật như xơ vải buộc vết thương, gạc, băng dán, kim, chỉ khâu phẫu thuật. Ngày nay, du khách tới bảo tàng Cairo có thể quan sát bộ sưu tập dụng cụ phẫu thuật của người Ai Cập bao gồm: dao, kéo, kim đồng, kẹp, thìa, lưỡi trích, móc, thiết bị thăm dò và kìm.
Kim tự tháp cổ nhất tính đến nay được xây dựng dành cho vua Zoser (triều đại thứ 3 của Ai Cập) vào năm 2750 trước Công nguyên. Kim tự tháp Ai Cập lớn nhất là Giza, diện tích chân đế của nó lên tới 52.600 m2.
Giấy làm bằng cói. Cây cói từng là cây trồng phổ biến nhất ở vùng đồng bằng sông Nile của Ai Cập. Người Ai Cập sử dụng phần ruột cây cói để tạo ra giấy, thuyền, chiếu, dép và rổ.
Người Ai Cập cổ đã phát minh ra chiếc bừa dùng sức bò kéo, mang lại cuộc cách mạng kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp ở Ai Cập. Nó giúp xới đất nhanh hơn, dễ dàng hơn so với khi làm bằng tay hoặc dùng sức người kéo cày.
Người Ai Cập đóng vai trò quan trọng đối với sự xuất hiện của dương lịch. Họ phát triển bộ lịch Mặt Trời, có 365 ngày trong 12 tháng (30 ngày trong mỗi tháng và cộng thêm 5 ngày cuối năm). Để điều chỉnh chính xác cách tính lịch trùng với chu kỳ quay của Trái Đất quanh Mặt Trời, vua Ptolemaios III Euergetes (Ai Cập) quyết định sau 4 năm cộng thêm một ngày vào 365 ngày.
Mực đen cũng là một trong những phát minh của người Ai Cập cổ. Để chế tạo mực đen, họ tạo ra hỗn hợp bao gồm muội than, thực vật và sáp ong. Nếu muốn mực có màu sắc khác nhau, họ thay thế muội than bằng những vật liệu hữu cơ khác, ví dụ như đất hoàng thổ.
Hệ thống chữ viết đầu tiên ở Ai Cập và Lưỡng Hà là chữ tượng hình, xuất hiện vào khoảng năm 6000 trước Công nguyên. Chữ tượng hình khắc họa từ ngữ, giúp người Ai Cập viết ra tên gọi, ý tưởng trừu tượng, chiến tranh, chính trị, văn hóa, thậm chí cả âm thanh.