Hồi sinh sự sống
Sinh năm 1975, Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Thị Thuần là nhân viên điều dưỡng ở Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác. Trước thông tin về tình hình dịch bệnh ở miền Nam ngày một căng thẳng, chị chủ động gặp lãnh đạo khoa đề xuất nguyện vọng được tham gia lực lượng phòng chống dịch của đơn vị. Thiếu tá Thuần cùng đồng đội lên đường vào TPHCM, trực tiếp tham gia điều trị và chăm sóc bệnh nhân nhiễm COVID-19 mức độ nặng và rất nặng tại Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 5G.
Được thành lập vào đầu tháng 9/2021, Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 5G được biên chế 300 giường bệnh, trong đó có 50 giường hồi sức tích cực và sẵn sàng mở rộng lên 500 giường với 80 giường hồi sức tích cực để điều trị bệnh nhân COVID-19 mức độ nặng tại TPHCM, với 8 khoa lâm sàng, cận lâm sàng. Để có thể tự tin vào Nam “chia lửa” với đồng đội và đội ngũ y tế ở TPHCM, Thiếu tá Thuần tranh thủ tìm hiểu và tham khảo thêm các kiến thức mới về COVID-19 từ các thông tin y học và đồng nghiệp nhằm nâng cao các kỹ năng và bổ sung kiến thức cho bản thân.
“Trước khi lên đường, tôi không cảm thấy sợ nhưng có rất nhiều nỗi lo. Bố mẹ tôi đều đã trên 80 tuổi, quanh năm đau ốm, bệnh tật, lại chỉ có một người con duy nhất là tôi. Ngoài chồng, con thì trong nhà không có thêm người thân giúp chăm sóc cho cha mẹ. Thời điểm tôi đi chống dịch, con út của vợ chồng tôi chưa nhập học lớp 1. Hơn nữa, khi đó cả gia đình chỉ có mình tôi đã được tiêm vắc xin nên tôi rất lo cho mọi người lúc ở nhà nếu chẳng may họ nhiễm bệnh”, Thiếu tá Thuần chia sẻ.
Trong thời gian tham gia chăm sóc và điều trị bệnh nhân tại khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm 5G, có một bệnh nhân đã để lại ấn tượng sâu sắc về ý chí và nghị lực sống đối với Thiếu tá Thuần.
Chị kể: Đó là bác Phạm Văn Đãi, 63 tuổi, nhập viện trong tình trạng khó thở mức độ nặng, thể trạng béo phì, đái tháo đường và tăng huyết áp. Bệnh nhân được áp dụng liệu pháp thở oxy lưu lượng cao (HFNC) và lọc máu liên tục ngay từ ngày đầu nhập viện. Là bệnh nhân cao tuổi nhiễm COVID-19 mức độ nặng với nhiều bệnh nội khoa kết hợp, những ngày nằm viện điều trị đối với bác Đãi hay với tập thể nhân viên y tế ở khoa chúng tôi đều là những ký ức khó quên.
“Với bệnh nhân, đó là những ngày vật lộn, chống chọi cam go với bệnh tật để được sống. Còn với chúng tôi, chính là từng giây, từng phút giằng co với tử thần để hồi sinh sự sống. Sau gần 40 ngày điều trị, bác Đãi được chuyển khoa trong tình trạng sức khỏe ổn định hơn rất nhiều, nhìn tới ngày xuất viện không xa, bác ấy vui lắm, nắm chặt tay thầy thuốc, tươi cười rạng rỡ: “Cám ơn các bác sỹ, nhờ có các bác sĩ, tôi mới có hôm nay!”, Thiếu tá Thuần hồi tưởng lại.
Tình người trong đại dịch
Cùng chung hoàn cảnh bố mẹ già yếu, con nhỏ như nhiều đồng nghiệp khác trên hành trình vào Nam chống dịch, Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Thị Hương (Khoa điều trị bỏng trẻ em, Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác) chia sẻ: “ Bố mẹ tôi năm nay đã 80 tuổi. Chồng tôi cũng là bộ đội, chúng tôi có hai cháu nhỏ, cháu thứ hai mới hơn 2 tuổi nên rất cần sự chăm sóc của mẹ. Nhưng nhờ sự ủng hộ của gia đình và sự động viên rất lớn của cấp trên, những người vợ, người mẹ như tôi đã có thêm động lực và vơi bớt nỗi lo về hậu phương”.
“Bên lằn ranh sinh - tử, từng diễn biến tốt, xấu trong quá trình điều trị mỗi bệnh nhân đều đem lại rất nhiều cung bậc cảm xúc. Không còn khoảng cách giữa người chữa bệnh và người bệnh nữa, chúng tôi cùng nắm chắc tay nhau trên con đường mang tên “Sự sống”.Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp NGUYỄN THỊ THUẦN
Từ khi dịch COVID-19 bùng phát trong cộng đồng, Thiếu tá Hương chủ yếu tham gia nhiệm vụ tiêm phòng vắc xin cho người dân. Khi có lệnh điều động lực lượng quân y tăng cường vào Nam, chỉ trong một ngày, các bác sĩ, điều dưỡng ở đơn vị của chị đã sẵn sàng lên đường. Trước đó, để có thể tung lực lượng chi viện khẩn cấp theo yêu cầu của Bộ Quốc phòng, chị Hương và các đồng nghiệp đã được tập huấn về COVID-19 ngay từ khi có những ca nhiễm mới tại Việt Nam.
Thiếu tá Hương cho biết, tháng đầu tiên chị thực hiện nhiệm vụ ở miền Nam cũng là thời điểm số ca F0 cao nhất. Lúc đó nỗi lo của các nhân viên y tế cũng giống như nỗi lo chung của cộng đồng, họ chỉ mong dịch nhanh được kiểm soát để ít ảnh hưởng nhất đến sức khỏe người dân và cuộc sống mọi gia đình. Đó cũng là khoảng thời gian lực lượng chống dịch phải cố gắng tối đa về tâm trí và sức lực.
“Cảm xúc lớn nhất của tôi chính là tình người trong đại dịch và các hoạt động tích cực của các bạn tình nguyện viên. Những ngày đội cấp cứu rong ruổi trong bộ quần áo phòng hộ đến từng nhà hun hút trong các ngõ hẻm hay những buổi lấy mẫu test triển khai trên vỉa hè thì bất chợt trời chợt đổ mưa… là những kỷ niệm khiến tôi không thể nào quên. Động lực để tôi và đồng đội có thể hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ chính là trách nhiệm với cộng đồng, là tình quân dân thiêng liêng”, Thiếu tá Hương tâm sự.
Thiếu tá Đỗ Thị Mai Hoa, Trợ lý Phụ nữ - Công đoàn Học viện Quân y cho biết, hai năm qua, các nữ quân nhân ở Học viện đã có nhiều hoạt động, đóng góp tích cực trong cuộc chiến phòng, chống COVID-19. Điển hình như nghiên cứu bộ kit test SARS-CoV-2; tham gia tiêm thử nghiệm vắc xin Nanocovax; hàng trăm lượt nữ bác sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên, học viên của Học viện Quân y đã trực tiếp tham gia phòng, chống dịch hỗ trợ các địa phương như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, TPHCM, Bình Dương.
Theo Học viện Quân y, để tiếp sức, động viên các nữ quân nhân tại các tâm dịch, Học viện đã tạo mọi điều kiện tốt nhất để cán bộ, hội viên phụ nữ yên tâm, ổn định về tư tưởng, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nơi tuyến đầu. Phụ nữ các cấp trong toàn Học viện tích cực tổ chức các hoạt động hướng tới cán bộ, hội viên nơi tuyến đầu như tổ chức thăm hỏi gia đình các chị em có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức tặng quà cho các cháu là con gia đình các chị em đi chống dịch; kêu gọi ủng hộ khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế số lượng lớn và các vật dụng thiết yếu…