Khoảng 15g40 ngày 28-12, bà Nguyễn Thị Hải, trú tại phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội đang ở nhà trông cháu thì có một đôi nam nữ đi xe máy tấp vào cửa và giới thiệu là nhân viên của trạm y tế phường đến ghi tên các cháu ở lứa tuổi tiêm chủng để tiến hành tiêm vào buổi sáng mai. Nghe vậy, bà Hải mở cửa mời “nhân viên y tế” này vào nhà.
Người nữ xuống xe, bước vào nhà một mình và bảo có quen biết với con dâu bà Hải và xin bà Hải cho số điện thoại người con dâu này vì chị ta “thay máy”. Nhìn thấy điện thoại của bà Hải để gần đó, chị này cầm lên, tìm số và gọi điện thoại, sau đó quay lại bảo bà Hải là chị con dâu nhờ bà đóng lệ phí tiêm phòng cho cháu là 1.760.000 đồng. “Chị ấy nói tối về sẽ gửi lại bà ạ”. Nghĩ rằng chị “nhân viên” làm ở trạm y tế, lại quen với con dâu mình; hơn nữa đóng tiền tiêm cho cháu nên bà Hải đi lấy tiền nộp cho chị “nhân viên”. Lúc này, điện thoại của bà Hải rung lên, vị khách vội chộp lấy và nói: “Nhờ bà đóng cho đứa lớn nữa hả em?- Ừ, để chị bảo?”. Thông điệp này được chuyển đến cho bà Hải, bà lại lập cập lấy 1.760.000 đồng nữa đưa cho “nhân viên y tế”.
“Phiếu tiêm” bà Hải nhận được của “nhân viên” lừa đảo. Ảnh: Linh Anh
Cầm tiền trên tay, người này vội chào bà Hải để còn đi “ghi tên cho những cháu khác” và không quên đưa cho bà Hải một “phiếu tiêm”. Bà Hải nhận tờ phiếu này mà không đọc, cũng chẳng nghi ngờ gì, cho đến khi vị khách đi rồi bà mới chợt nhớ rồi mở tờ giấy này ra thì thấy nội dung tờ giấy rất vô nghĩa, không liên quan gì đến việc sẽ tiêm phòng cho cháu. Lúc này bà Hải mới ngã ngửa vì biết mình bị lừa quá dễ dàng, số tiền bị mất là 3.520.000 đồng…
“Lúc đó, tôi không nghĩ được gì. Thấy cô ta nói gì, tôi tin nấy. Đầu óc không tư duy, không đặt ra câu hỏi và cứ lấy tiền đưa thôi. Tại sao lúc đó tôi ngớ ngẩn đến thế, lẽ nào bị thôi miên hay đánh thuốc mê?”- bà Hải cho biết.
Cũng dịp cuối năm, chị Nguyễn Thị Yến, nhân viên một cửa hàng Răng- hàm- mặt đóng trên địa bàn phường Phú La, quận Hà Đông đang ngồi tại cửa hàng thì có hai người đến nhận mình là cán bộ của “bên môi trường” đến thu tiền vệ sinh cuối năm vì “năm nay thanh, kiểm tra rất nhiều, các sếp làm rất chặt…”. Nghe vậy, chị Yến không hỏi han gì mà đi lấy 400.000 đồng nộp theo yêu cầu và rồi biết mình bị lừa chỉ sau khi hai người “bên môi trường” đi khỏi.
Còn một số mánh khóe lừa đảo khác như bán vải, bán thuốc… xảy ra tại một số khu dân cư trên địa bàn TP Hà Nội thời gian qua; tuy nhiên rất ít nạn nhận gửi đơn trình báo CQCA vì xấu hổ, ngại thủ tục và nghĩ rằng món tiền bị mất không quá lớn. Chính vì vậy, những loại tội phạm này có nhiều đất để sống….
Đại úy Luyện Huy Hoàng, đội phó đội CSHS, CA quận Thanh Xuân cho biết: “Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo rất tinh vi và thay đổi liên tục, vì vậy mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác hơn nữa để đề phòng những tình huống xấu xảy ra… Điều quan trọng là hãy đến CQCA trình báo nếu là nạn nhân hoặc biết có vụ việc lừa đảo xảy ra gần khu vực mình cư trú….”.
Theo Linh Anh