Những nhân vật kinh điển trong phim về đề tài chiến tranh, thống nhất đất nước

TPO - Nhắc tới những nhân vật kinh điển trong các tác phẩm đề tài chiến tranh, tinh thần 30/4 không thể không nhắc tới Biệt động Sài Gòn, Cánh đồng hoang, Nổi gió như những phim chiến tranh tiêu biểu nhất về thời kỳ này. 
Biệt động Sài Gòn 
Biệt động Sài Gòn là một trong những phim kinh điển nhất, thu hút khán giả nhiều thế hệ nhờ chất lượng nghệ thuật và dàn diễn viên hóa thân xuất sắc vào các nhân vật. Phim do đạo diễn Long Vân thực hiện, kịch bản do Lê Phương-Nguyễn Thanh chấp bút. Phim sản xuất năm 1986, dài bốn tập: Điểm hẹn, Tình lặng, Cơn giông và Trả lại tên cho em.
Không chỉ có những cảnh chiến đấu súng đạn khói lửa ngoài chiến trường, phim tập trung khai thác cuộc đấu trí căng thẳng của lực lượng biệt động trong lòng thành phố. Sở dĩ “Biệt động Sài Gòn” được coi là một trong những tác phẩm kinh điển, nổi bật nhất về ngày giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước nhờ vào những vai diễn ấn tượng.

TRÙM TÌNH BÁO TƯ CHUNG

Tư Chung do nghệ sỹ Quang Thái thủ diễn là Tư lệnh trưởng Biệt động Sài Gòn. Ban đầu vai diễn định nhắm cho Chánh Tín tuy nhiên do sức ảnh hưởng quá lớn của “Ván bài lật ngửa” nên đạo diễn Long Vân mời Quang Thái. Khi này ông cũng là một diễn viên sân khấu cứng ở miền Bắc.

Nhân vật Tư Chung được lấy cảm hứng từ nguyên mẫu ngoài đời là Nguyễn Đức Hùng tức Tư Chu-Tư lệnh Biệt động Sài Gòn-Gia Định. Đề tài tình báo vốn hấp dẫn, trong phim này các nhà làm phim đưa chuyện tình cảm vào để thêm thu hút.

Tư Chung và Huyền Trang (NSƯT Thanh Loan) vốn yêu nhau, nhưng vì sự nghiệp tình báo nên họ đành gác tình riêng để hoàn thành nhiệm vụ. Tư Chung và Ngọc Mai (Hà Xuyên) đóng một cặp yêu rồi cưới nhau để che mắt tướng tá Việt Nam cộng hòa.

Nhân vật Tư Chung của Quang Thái gây ấn tượng ở ngoại hình, gương mặt có phần lai Tây nhưng tư chất điềm đạm, giản dị và diễn xuất giàu kinh nghiệm của một nghệ sỹ sân khấu giàu kinh nghiệm.
Một trong những hình ảnh ấn tượng là cảnh Tư Chung ôm xác Ni cô Huyền Trang, ánh mắt đầy căm hờn và đau đớn, nước mắt chảy ra hết sức tự nhiên.

NI CÔ HUYỀN TRANG

Ni cô Huyền Trang lấy cảm hứng từ chiến sĩ tình báo Phạm Thị Bạch Liên tức ni cô Diệu Thông-đóng vai giao liên cho các trận đánh vào mục tiêu của đội biệt động. Tuy nhiên chuyện tình cảm giữa Ni cô Huyền Trang và trùm tình báo Tư Chung trong phim là hư cấu.
Ni cô Huyền Trang dù cải trang làm nhà sư nhưng vẫn bị chỉ điểm, bị bắt và tra tấn nhưng quyết không khai một lời, Huyền Trang được thả. Tuy nhiên ở phần cuối phim, Huyền Trang trở về chiến đấu cùng đồng đội nhưng lại trúng đạn và hi sinh.
Huyền Trang ban đầu được nhắm cho NSND Như Quỳnh, tuy nhiên nữ diễn viên lại có bầu, nên gần quay xong tập 1 đạo diễn vẫn chưa tìm được nữ diễn viên chính. NSƯT Thanh Loan khi này là diễn viên nghiệp dư, là phát thanh viên của truyền hình An ninh. Sau khi được giới thiệu, đạo diễn Long Vân quyết tin tưởng đặt vai diễn vào tay diễn viên Thanh Loan.
Như Quỳnh rất rõ chất thiền hợp vai nhà sư, tuy nhiên ý chí kiên cường và dũng cảm của một Huyền Trang khi trút bỏ bộ trang phục tu hành chưa chắc bằng Thanh Loan. Thanh Loan thành công với tạo hình đôi mắt u buồn của một ni cô Huyền Trang, nhưng vẫn toát lên tinh thần của nữ tình báo trong chiến đấu. Đặc biệt đây là nhân vật có nhiều đất diễn, với nhiều diễn biến phức tạp. Một trong số đó là khoảnh khắc nghẹn lại khi chứng kiến cảnh người mình yêu sống trong vỏ bọc ông chủ hãng sơn Đông Á cùng người vợ giả-chiến sỹ biệt động Ngọc Mai.

NGỌC MAI

Trần Thị Ngọc Mai là nhân vật trong phim, cháu gái ông chủ hãng sơn Đông Á, cũng là một chiến sĩ biệt động. Để che mắt tướng lĩnh quân đội Việt Nam Cộng hòa, Tư Chung giả làm người yêu Ngọc Mai. Sau này khi bị nghi ngờ, họ phải tổ chức đám cưới giả để tiếp tục có vỏ bọc tốt để hoạt động.

Ngọc Mai giả làm người yêu, làm vợ Tư Chung tuy nhiên trong lòng cô nảy sinh tình cảm thật. Tuy nhiên nhân vật này không lợi dụng hoàn cảnh để quyến rũ Tư Chung, cũng gạt tình riêng đặt tình cảm cá nhân xuống dưới nhiệm vụ.

Đạo diễn Long Vân từng nhắm vai Ngọc Mai cho người đẹp Mộng Tuyền, vốn là một đào chính cải lương nổi tiếng xinh đẹp tuy nhiên vì lí do hoàn cảnh riêng nên cuối cùng đạo diễn giao vai cho Hà Xuyên-xinh đẹp, sắc sảo hợp với vai xuất thân tư sản giàu có.
Hà Xuyên làm nên một Ngọc Mai không thể quên, nhân vật nằm trong mối quan hệ phức tạp với Tư Chung-Huyền Trang. Dù có tình cảm thật với Tư Chung, nhưng cô dằn lòng. Cảnh đêm tân hôn Tư Chung và Ngọc Mai người trên giường kẻ dưới đất suy nghĩ miên man, Ngọc Mai âm thầm chảy nước mắt để lại ấn tượng sâu sắc.

SÁU TÂM VÀ NGƯỜI YÊU

Dù là vai phụ, và hi sinh ngay tập 2 nhưng chiến sĩ tình báo Sáu Tâm (Thương Tín) thủ diễn và cô người yêu (Thúy An) để lại ấn tượng tốt đẹp cho người xem. Sáu Tâm là biệt động hoạt động trong lòng địch, quả cảm chiến đấu bị đồng đội Ba Cẩn phản bội và bị bắn chết. Người yêu của anh được cử đi xử tử Ba Cẩn-một trong những tình huống chân thực, phản ánh sự khốc liệt của cuộc chiến đấu.

Tình tiết Sáu Tâm “được chết sớm” ngoài dự tính ban đầu, bởi trong kịch bản người chiến sĩ ấy vẫn còn sống tới hết phim, tuy nhiên đạo diễn thay đổi để tăng thêm tính đời, chân thực của câu chuyện: Những chiến sĩ hoạt động trong lòng địch đầy hiểm nguy, tính mạng mong manh dù họ có mưu trí, gan dạ tới đâu cũng khó tránh mất mát và hi sinh.

Nổi gió
Dù được sản xuất khá sớm vào năm 1966, Nổi gió của đạo diễn Huy Thành được chuyển thể từ vở kịch cùng tên của Đào Hồng Cẩm. Phim cũng phản ánh một trong những đề tài thời sự thời bấy giờ.
Lấy bối cảnh chiến tranh ở miền Nam, phim xoay quanh hai chị em ruột Vân (Thụy Vân) và Phương (Thế Anh). Hai chị em mừng rỡ gặp lại nhau sau nhiều năm xa cách, nhưng Vân biết được sự thật em trai mình là trung úy Quận lực Việt Nam Cộng hòa, trong khi cô theo Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam.
Thế Anh trong "Nổi gió"
Vân được xây dựng như một trong những người phụ nữ miền Nam điển hình, với tinh thần kiên cường và khát vọng hòa bình. Hai mẹ con Vân bị bắt vào trại tập trung, hay tin con trai bị giết cô gần như hóa điên. Tuy nhiên với tinh thần của một người chiến sĩ cách mạng, Vân không từ bỏ nhiệm vụ khi nén đau thương hoạt động trong tù.

Chính tinh thần của của Vân lay động em trai Phương và nhiều người lính Việt Nam cộng hòa, đi tới hành động phá ấp chiến lược và giết cố vấn Mỹ. Tinh thần Nổi gió phản ánh khát vọng, sức mạnh của người Việt Nam trong quá trình giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước.

 

Cánh đồng hoang

VỢ CHỒNG BA ĐÔ

Lâm Tới và Thúy An làm nên cặp đôi ấn tượng trong phim chiến tranh “Cánh đồng hoang”. Phim do nhà văn Nguyễn Quang Sáng viết kịch bản, đạo diễn Nguyễn Hồng Sến thực hiện, công chiếu dịp 30/4 năm 1979.

Bối cảnh chính của phim là vùng Đồng Tháp Mười trong thời kỳ chiến tranh ác liệt ở miền Nam. Vợ chồng Ba Đô-Sáu Xoa và đứa con nhỏ được cách mạng giao nhiệm vụ giữ đường dây liên lạc cho bộ đội. Họ chính là những du kích kiên cường bám trụ mặt nước và cánh đồng ở vùng Đồng Tháp Mười, đối chọi với lính Mỹ với phương tiện và vũ khí hiện đại hơn.

Lâm Tới trước khi tham gia Cánh đồng hoang có kinh nghiệm diễn xuất trong loạt phim chiến tranh như Nổi gió, Hai người lĩnh, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Mùa gió chướng với vai Tám Quyện, cho nên vai Ba Đô trong Cánh đồng hoang không có gì quá khó với Lâm Tới.

Lâm Tới và Thuý An trong "Cánh đồng hoang"
Thúy An khi này còn khá trẻ, lại chưa qua trường lớp đào tạo tuy nhiên lại có lối diễn xuất hết sức tự nhiên và giản dị, phù hợp với hình ảnh người phụ nữ nông dân ở miền Đồng Tháp Mười. Thúy An cũng sở hữu vẻ đẹp đặc trưng của người phụ nữ Nam Bộ khỏe mạnh, hồn hậu.

Những nhân vật từ chiến sĩ tình báo, người nông dân trong những bộ phim chiến tranh kinh điển nêu trên thể hiện tinh thần 30/4 tiêu biểu. Đó cũng là những tác phẩm điện ảnh được nhắc nhớ nhiều nhất trong những ngày tháng 4 lịch sử này.