Những người phụ nữ ngày ngày căng mắt đếm trâu, kiếm 200.000/ngày

TPO - Chăn trâu thuê, một nghề tưởng chừng như chơi nhưng nhiều người phụ nữ phải đánh đổi bằng mồ hôi, thậm chí là máu để kiếm 200.000 đồng mỗi ngày.

Chợ Ú (xã Đại Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) - đầu mối trâu bò thuộc diện lớn nhất cả nước, họp 6 phiên mỗi tháng. Chợ tập trung hàng ngàn con trâu bò từ khắp các địa phương về, biến làng quê trở nên tấp nập. Nhiều người dân nơi đây cũng nhờ vào chợ trâu bò mà có thêm nghề mưu sinh.

Không chỉ giúp nhiều người giàu lên nhanh chóng nhờ xuất ngoại buôn trâu bò, chợ Ú còn tạo nhiều công ăn việc làm cho nhiều người dân lân cận, trong đó có nhiều phụ nữ, trẻ em tìm đến mưu sinh bằng nghề “đòi trâu” - dắt trâu bò thuê.

Hơn chục năm gắn bó với nghề “đòi trâu”, bà Nguyễn Thị Phượng (58 tuổi, trú xã Đại Sơn) cho biết, trước kia họ chủ yếu chỉ đi “đòi trâu” xung quanh chợ Ú, công việc lúc bấy giờ là dắt trâu thuê từ chợ về nhà cho chủ, tiền công được tính trên đầu trâu (5.000 đồng/con).

Nhưng nay đã khác xưa nhiều, thương lái sắm xe ô tô cỡ lớn đến tận chợ mua bán nên công việc này dần bị lãng quên. Hiện công việc của họ là đi chăn trâu thuê cho thương lái. Phần lớn đây là trâu thịt do các thương lái trong vùng mua từ Lào, Campuchia, Thái Lan… về vỗ béo rồi bán đi các tỉnh phía Bắc, Trung Quốc.

Mỗi đàn trâu như vậy có khoảng từ 20 - 40 con, được giao cho 2 - 4 người trông coi. Tuỳ vào số lượng của đàn trâu, họ sẽ chọn cánh đồng phù hợp để chăn thả, rồi cứ thế mỗi người một góc trời riêng ngồi canh chừng đàn trâu.

“Công việc mỗi ngày chủ yếu là ngồi quan sát, đếm trâu… là chính. Thỉnh thoảng mới phải chạy rượt đưa trâu bỏ đàn quay về thôi, mình phải đảm bảo trâu không đi lạc, nhất là không để chúng vào phá ruộng, vườn của người dân”, bà Phượng nói.

Chị Nguyễn Thị Hồng (trú xã Đại Sơn) cho hay, ở cái vùng quê này, chẳng có nghề nào nhàn hạ như nghề chăn trâu thuê. Mỗi ngày như thế, họ được chủ trả công 200.000 đồng. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng sẵn việc. Họ phải chờ đợi các thương lái tìm săn trâu mang về, những đàn trâu nhỏ, gầy gò thì việc vỗ béo sẽ kéo dài hơn, ngược lại chỉ chừng nửa tháng sẽ xuất bán.

Vén chiếc áo khoác lên để lộ những vết sẹo vẫn còn rõ nét trên hông, bà Phượng vẫn chưa hết ám ảnh khi nhớ lại lần bị một con trâu Lào húc văng xuống mương nước 2 năm trước. “Sợ nhất là những đàn trâu mới về, chưa quen nên rất hung dữ. Nếu không cẩn thận là bị chúng húc ngay, có người gãy tay, gãy xương sườn, thậm chí là phải bỏ nghề”, bà Phượng chia sẻ.

Nhàn hạ là thế, song những người làm nghề “đòi trâu” này cho hay dường như cả ngày họ chẳng dám chợp mắt, ăn cơm cũng chẳng dám tụ tập một chỗ để giải khuây mà luôn hướng mắt về phía đàn trâu của mình, nhất là những đàn trâu mới về.

Bữa ăn trưa vội vã cạnh đàn trâu.

Bà Phương (55 tuổi, trú xã Đại Sơn) nói rằng đã không ít lần đàn trâu mới về đi lạc đường, bà phải huy động người thân đi tìm xuyên đêm. Không những mất thời gian nhưng bà Phương cùng "đồng nghiệp" sợ nhất chính là bị chủ bắt đền, sợ mang tiếng không chuyên nghiệp sẽ mất việc. Bởi vậy, bà bảo rằng dẫu có căng mắt cả trưa thì cũng phải ráng.