Những người ít gặp tại liên hoan phim

TP - Có một bộ phim đoạt giải Bông sen Vàng tên là 'Những người đã gặp'. Còn ở các kỳ LHP, nhiều nghệ sĩ “long lanh một thời” song ít xuất hiện, nay bỗng hội ngộ về Phú Yên.

> Tụ hội nhiều gương mặt điện ảnh tiêu biểu

Các NSƯT (từ trái qua) Minh Đức, Chánh Tín và Thùy Liên. Ảnh: H&H.

NSƯT Nguyễn Chánh Tín lần thứ ba đặt chân đến LHP trong mấy chục năm sự nghiệp. Lần đầu tiên anh có mặt là LHP lần thứ 8 ở Hà Nội, nhận Bông sen Vàng diễn xuất với vai Nguyễn Thành Luân trong Trời xanh qua kẽ lá (tập 5 của sêri Ván bài lật ngửa).

Lần tiếp theo- LHP lần 10, anh dự với phim Bản tình ca cuối cùng trên tư cách đạo diễn. Ngắt quãng cho tới bây giờ vì bận làm phim. Chánh Tín xuất hiện ở Phú Yên khá phong độ, ăn vận đẹp trong đêm thảm đỏ.

Anh cho biết, gần đây mải mê với vai trò đạo diễn và sản xuất, làm MC truyền hình rồi kịch nói, nên không có thời gian đầu tư cho vai điện ảnh truyền hình nào lớn. Tự nhận vào một số vai không tốt lắm thời gian gần đây, nhưng Dòng máu anh hùng của hãng phim Chánh Phương do anh làm chủ khiến nhiều người mừng cho dòng phim hành động nước nhà.

“Về độ hoành tráng, LHP kỳ này bình thường, nhưng có chiều sâu. BTC nhắc lại những người ra đi có đóng góp cho điện ảnh Việt Nam khiến tôi xúc động, việc này nên làm thường xuyên ở các kỳ LHP sau. Vinh danh người còn sống cũng khiến diễn viên cảm thấy vinh dự, được nhớ tới chứ không bị lãng quên”, Nguyễn Chánh Tín tâm sự.

Cùng cảm xúc về không khí vinh danh nghệ sĩ ấn tượng ở đêm khai mạc, bóng hồng điện ảnh Việt Nam một thời- NSƯT Minh Đức- xuất hiện ở LHP 17, sau nhiều năm vắng mặt vì lí do bận làm phim. Minh Đức được đồng nghiệp cùng thời coi là một trong số bám trụ với nghề lâu nhất, và trẻ lâu. Chị cũng thường xuyên xuất hiện trên màn ảnh nhỏ, phim gần đây là Vật chứng mong manh đóng cùng chồng- NSƯT Lân Bích.

Nhắc tới NSƯT Minh Đức, nhiều thế hệ khán giả nhớ vai diễn ấn tượng trong Người chiến sĩ trẻ (đạo diễn Hải Ninh), Đường về quê mẹ (đạo diễn Bùi Đình Hạc). “Đó là hai phim tôi ấn tượng nhất với nhân vật và đoàn làm phim. Còn vai ưng ý nhất có lẽ còn ở phía trước, tôi nghĩ diễn viên nào cũng vậy”.

Minh Đức nhớ lại: thời trước đóng phim làm gì có cát xê, diễn viên chỉ nhận lương, cứ có việc là làm, không nề hà khó khăn. Nữ diễn viên Đường về quê mẹ kể, sinh con đầu lòng mới 8 tháng đã phải vào tận Tĩnh Gia (Thanh Hóa) làm phim, ở nhà bà ngoại phải bế cháu đi xin sữa hàng xóm.

Còn làm Đường về quê mẹ đặc biệt vất vả, nhờ đơn vị bộ đội đến đóng quần chúng, họ kêu lên không ngờ diễn viên vất vả hơn bộ đội. Cả đoàn phim đi bộ mấy cây số vào tận trong núi, từ đạo diễn đến diễn viên phải mang vác cần trục, đạo cụ nặng.

Nói điện ảnh nội thua kém thời xưa về độ quan tâm của khán giả, Minh Đức cho rằng phải nhìn nhận thực tế- đó là nhà nhà làm phim. “Trong khi đó diễn viên lại thiếu, trường lớp đào tạo không kịp, nhiều diễn viên tay ngang và nhiều phim về nghệ thuật không sâu sắc cho lắm. Diễn viên chuyên nghiệp có khi cũng không có thời gian đào sâu, còn diễn viên không chuyên thì phải lo cho nghề chính trước tiên”.

Nữ diễn viên Mùa gió chướng, Tình đất Củ Chi- NSƯT Thùy Liên- hồi tưởng: “LHP lần thứ 5 có thể được xem là hoàng kim, không khí ấm cúng và vô cùng sang trọng. Phim dự thi ngang nhau, đều hay cả. Hai phim tôi tham gia- Mùa gió chướng, Tình đất Củ Chi đều thắng Bông sen Vàng. Những bộ phim thời đó chiếu ở rạp Hà Nội, khán giả đến xem phim và giao lưu đông. Bây giờ ngày càng thưa bớt những phim dự giải ngang cơ nhau. Nhưng tôi cũng hy vọng điện ảnh khởi sắc, bởi thế hệ trẻ bây giờ cũng tài năng lắm”.

Đến Phú Yên dự LHP lần thứ 17, Thùy Liên luôn sát cánh với NSƯT Kim Chi, tíu tít chuyện trò với lớp diễn viên cùng thời, bùi ngùi nhắc đến bạn diễn đã đi xa. “Mấy em sau này ai cũng xinh xắn dễ thương, và chắc chắn đi quay phim sướng hơn tụi tôi ngày xưa nhiều. Còn nhớ Mùa gió chướng phải quay sông nước mấy tháng trời, không nhìn thấy mặt đất, còn Tình đất Củ Chi quay dưới địa đạo khổ cực. Nếu nói về khổ cực, đóng được các phim này rồi, các phim sau đâu có đáng kể gì”.

Theo Báo giấy