Tưởng niệm 18 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1/4/2001)

Những người bị nhạc Trịnh 'bỏ bùa'

TP - Không phải những danh ca đình đám mà chính họ, những nghệ sỹ bị nhạc Trịnh “bỏ bùa”, mới là những người âm thầm nuôi dưỡng dòng nhạc đặc biệt này ở thủ đô, qua từng năm tháng. Có thể họ mưu sinh bằng nhạc Trịnh song không bao giờ lấy lợi nhuận làm thước đo.
Gã Du ca Trịnh Sơn Truyền

Đừng dùng từ “cạnh tranh”

Hỏi tên thật, gã đưa hẳn thẻ căn cước cho xem: Trịnh Văn Truyền, sinh năm 1969. Nhưng trên trang cá nhân gã ghi “Trịnh Sơn Truyền” và tự nhận là “gã Du ca”. Gã giới thiệu vài dòng khiêm tốn: Rửa bát, quét nhà tại Du Ca, một quán cà phê chuyên dòng nhạc Trịnh nổi tiếng ở thủ đô. Ít ai biết, trước đây gã Du ca có một khoảng thời gian dài làm ngành du lịch. Ngành này giúp gã được đi nhiều nơi, trải nghiệm nhiều vùng văn hóa, tích lũy nhiều kinh nghiệm ứng xử… Nhưng một ngày kia, gã rũ bỏ tất cả, tự nguyện giam mình trong không gian Du ca. Quán của gã được biết đến không phải vì sức hấp dẫn của đồ uống mà nó níu chân người qua bởi âm nhạc với những tên tuổi lớn như Phạm Duy, Ngô Thụy Miên, đặc biệt là Trịnh Công Sơn.

Du ca có thể nói cả ngày không chán về nhạc Trịnh, gã khẳng định: Nhạc Trịnh không bao giờ lo bị những dòng nhạc, dòng văn hóa khác lấn át. Bởi gã tin rằng, “nhạc anh Sơn không đơn giản là lãng mạn, đằng sau đó là một thông điệp, một triết lí đời sống, có bóng dáng tôn giáo”. Gã nói về trải nghiệm của mình với nhạc Trịnh: Từ ngày “giác ngộ” Trịnh, gã yêu đời hơn, yêu người hơn, thiện tâm hơn. Gã miêu tả, nhạc Trịnh giống như dòng suối chảy trong tâm hồn con người. Song để cảm nhận dòng suối ấy trong tâm hồn mình, người thưởng thức cũng cần thời gian nghiền ngẫm hay nói cách khác, cần  “tu tập”.

Gương mặt quen thuộc ở những quán cà phê chuyên nhạc Trịnh: Nghệ sỹ Thanh Hương

Đến nay quán Du ca đã tồn tại 7 năm trên đất Hà thành: “Tôi nhận ra mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm tôi đón những lượt khách mới”. Gã tự tin, phần lớn khách đến quán của gã đều sẽ quay lại, chỉ con số rất nhỏ đến và đi mất hút. Trịnh Sơn Truyền có biệt tài gì? Có người nói, gã thậm chí còn từ chối khéo những vị khách uống rượu say sưa rồi mò đến quán của gã. Hình như gã chẳng sợ mất khách? Trịnh Sơn Truyền thẳng thắn: “Tiền không phải tất cả, mà văn hóa quán mới là tất cả. Và niềm tin vào sự lương thiện của tôi rất mạnh. Tôi đủ kỹ năng xử lý các tình huống. Với cái tâm sáng tôi không sợ không bán được hàng”. Nhưng gã cũng vô cùng chiều khán giả trẻ. Khi cảm thấy những bạn trẻ lần đầu đến quán chưa thực sự “ngấm” Trịnh, gã bỏ qua những ca khúc da vàng, những ca khúc nói về thân phận, lập tức chuyển qua hát “Hạ trắng”, “Diễm xưa”, “Còn tuổi nào cho em”... làm các “thượng đế” hào hứng ngay. Lần sau, họ trở lại quán, gã Du ca mới dẫn dụ họ vào một thế giới khác của Trịnh, tăng suy tư, giảm diễm tình.

Hỏi Trịnh Sơn Truyền: Hiện nay ở Hà Nội, có bao nhiêu quán cạnh tranh với Du ca? Gã phản ứng: “Trong kinh doanh thì cạnh tranh là tốt nhưng nói về nhạc Trịnh dùng từ cạnh tranh không được hay lắm. Tôi cho rằng, không có quán thứ hai như quán của tôi”. Vậy Du ca kiếm được gì từ việc làm chủ quán kiêm nghệ sỹ biểu diễn ở một quán cà phê chuyên dòng nhạc Trịnh? “Tôi không giàu được. Nhiều tiền thì tôi không đạt tới. Song tôi đủ tiền tiêu. Tôi hạnh phúc vì điều đó, thích đi đâu thì đi, thích làm gì thì làm”. Những ngày này, Trịnh Sơn Truyền đang bận Nam tiến. Gã đến viếng mộ Trịnh Công Sơn, gã tụ tập những người cùng chung đam mê với mình làm một đêm gặp gỡ và giao lưu âm nhạc tại một quán cà phê trên mảnh đất mà khi xưa Trịnh hỏi: “Em còn nhớ hay em đã quên”.

Không đủ trang trải vẫn thừa đam mê

Thanh Hương, người đàn bà đã vào tuổi ngũ tuần, đêm nào cũng đi hát ở những quán cà phê chuyên dòng nhạc Trịnh tâm sự: Thu nhập từ công việc này không đủ để chị trang trải quần áo, xăng xe, son phấn… song chị vẫn đam mê. Đêm nào cũng hát nhưng cảm xúc vẫn đong đầy. “Càng hát càng thích dòng nhạc này, ca từ của Trịnh rất hay”, chị Hương chia sẻ lí do gắn bó với nhạc Trịnh.

Trước đây, nghệ sỹ Thanh Hương học ở trường nghệ thuật Hà Nội, hệ trung cấp, rồi đầu quân về đoàn ca múa nhạc Thăng Long. Vì những lí do khác nhau, chị bỏ nghề một thời gian dài. Cơ duyên đến với nhạc Trịnh của chị Hương hết sức tình cờ, trong khi giữ ý nghĩ không bao giờ đi hát trở lại, chị vô tình biết được một đêm nhạc Trịnh với ý nghĩa từ thiện của một số nghệ sỹ trẻ sắp được tổ chức. Thấy chương trình thiết thực chị tham gia. Không những mua bức ảnh về đời sống vùng cao qua đấu giá chị còn góp vui bằng bài “Ru ta ngậm ngùi”.

Kẻ dạo chơi trịnh trọng trong khu vườn âm nhạc Trịnh: Giang Trang

Những nghệ sỹ trẻ tổ chức đêm nhạc Trịnh ngỡ ngàng với giọng ca của Thanh Hương liền xin số điện thoại của chị, từ đó họ mời chị tham gia những buổi từ thiện do họ tổ chức. Qua đó, quan hệ của chị được mở rộng, nỗi nhớ nghề hát ngày một tăng. Một chàng nhạc công thấy tiềm năng ở Thanh Hương đã mời chị đi hát ở các quán cà phê. Đến nay, chị gắn bó với nhạc Trịnh đã trên chục năm, là gương mặt ăn khách ở những tụ điểm nhạc Trịnh quen thuộc của thủ đô.

Một tuần nghệ sỹ Thanh Hương đi hát 5 buổi, bắt đầu từ đêm thứ Tư. Cát xê từ hát nhạc Trịnh hay nhạc xưa không xông xênh, trước đây chị được trả mỗi đêm khoảng 3-4 trăm ngàn đồng, nay nhỉnh hơn, khoảng 5 trăm ngàn đồng, cũng có khi là 6 trăm ngàn đến 7 trăm ngàn đồng. Trước đây, có những đêm một mình chị hát xuyên suốt khoảng 2 tiếng đồng hồ. Một công việc thấm đấm mồ hôi nhưng nữ nghệ sỹ vẫn thấy vui, qua nhiều năm chị đã có những khán giả trung thành với mình. Thanh Hương thuộc lời vài chục ca khúc của Trịnh, chị có thể hát nhạc Trịnh một cách đa dạng, từ tình khúc được giới trẻ ưa thích đến ca khúc da vàng, kén khán giả hơn: “Nhạc Trịnh hát sai lời rất khổ, hỏng hết bài hát, không như những dòng nhạc khác nên ngoài vài chục bài đã thuộc lời, còn lại tôi vẫn phải nhìn lời để hát”.

Hiện tại, theo quan sát của nghệ sỹ Thanh Hương lượng khán giả đến với nhạc Trịnh ở những quán cà phê có phần lắng lại: “Ngày trước lượng khán giả lớn, những quán mình cộng tác, khán giả đông vô cùng. Mỗi dịp sinh nhật Trịnh hay giỗ Trịnh, những đêm nhạc ấy không có chỗ để ngồi. Có khi khán giả ngồi tràn ra ngoài đường, khách bỏ về nhiều vì không còn chỗ. Đó là những năm 2010-2013. Còn bây giờ, nhiều quán mọc lên, thời buổi kinh tế khó khăn, quán không có phụ thu thì lỗ vốn, vì tiền thuê mặt bằng đắt đỏ cùng nhiều thứ khác chi phối… Mỗi đêm nhạc ngoài tiền nước, phụ thu khoảng 100 ngàn đồng cũng đã khiến quán vắng khách hơn. Các quán cà phê chuyên dòng nhạc Trịnh cũng phải nỗ lực để tồn tại”.

Một cuộc chơi cần trịnh trọng

Chia sẻ của Giang Trang: “Âm nhạc Trịnh Công Sơn vốn đã lớn mạnh, ngay từ đầu (trước 1975)- tôi không có ý định làm âm nhạc Trịnh Công Sơn lớn mạnh thêm, vì không cần làm thêm điều đó”. Vậy mục đích của Giang Trang trong nhạc Trịnh là gì? Cô nói: “Tôi muốn chia sẻ phát hiện thú vị của mình với ca khúc của ông, ở đó tôi thấy có năng lượng bình yên, không hẳn là buồn lụy, và đủ chất liệu để thử nghiệm một lối chơi tích cực, một văn hóa cá thể Trịnh Công Sơn- người nghệ sỹ vốn duy mỹ, yêu thân phận, gắn bó với quê hương đất nước. Qua âm nhạc Trịnh Công Sơn tôi muốn mình chia sẻ những tinh thần nhẹ nhõm tới thế hệ đi sau mình (là những sinh viên đã tham dự các buổi chơi nhạc của tôi tại L’Espace), từ đó các bạn thấy yêu tiếng Việt, yêu tinh thần hòa ái qua ca khúc Trịnh Công Sơn”.

Từ năm 2001, Giang Trang bắt đầu cuộc dạo chơi trong khu vườn ca từ và giai điệu Trịnh. Cô thú nhận trước đây, không ấn tượng nhiều với ca khúc Trịnh hay những ca khúc bolero vì thấy “ca khúc Việt thường quá buồn”. Người đàn bà sinh năm 1981 tiếp cận và ấn tượng với ca khúc Trịnh qua chính những bản thu do tác giả hát. Từ hát chơi, hát vui ở Nhạc Tranh Student Cafe, Thái Thịnh, Hà Nội, một tụ điểm giao lưu của những nghệ sỹ guitar cổ điển và bạn bè âm nhạc, đến năm 2012 cô đã có một hành trình của riêng mình với âm nhạc Trịnh, khởi nguồn là Lênh đênh nhớ phố (2012) dưới sự hỗ trợ của Trung tâm văn hóa Pháp L’Espace.

Giang Trang tin tưởng, trước làn sóng bolero, nhạc Trịnh không bị ảnh hưởng “vốn dĩ, ca khúc Trịnh Công Sơn đã đứng một góc trang trọng, rất riêng, không lẫn vào bolero”. Giang Trang nói: “Tôi chơi nhạc, chứ không xác định trở thành ca sỹ và sống bằng nghề đi hát”. Cô tiết lộ: “Trước đến nay, thường thì các thu nhập từ âm nhạc Trịnh Công Sơn cũng là một khoản nhỏ bé hữu ích để tôi đóng góp trở lại cho các hoạt động từ thiện mà tôi quan tâm ví dụ, giúp đỡ một em bé mổ tim, giúp đỡ một người khó khăn hơn trong xã hội.

Các chương trình đã thực hiện với âm nhạc Trịnh Công Sơn từ trước tới nay về cơ bản là một cuộc chơi, giao lưu văn hóa, không nặng nề việc kiếm tiền”. Không gian nào Giang Trang thấy phù hợp với lối đi của mình cùng âm nhạc Trịnh Công Sơn thì cô đồng ý xuất hiện: “Với tôi , âm nhạc Trịnh Công Sơn là một cuộc chơi cần trịnh trọng”. Nhân ngày mất Trịnh Công Sơn năm nay, cô ra mắt đĩa than “Lênh đênh nhớ phố”, hoàn toàn là một mối duyên tình cờ, không sắp xếp: “Đây có lẽ, cũng là thêm một kỷ niệm đẹp để tưởng nhớ Trịnh Công Sơn”.