Căn bệnh mang tên gọi của chúa Jesus hay còn gọi là bệnh rối loạn đông máu B, là một dạng rối loạn đông máu phổ biến thứ 2. Rối loạn này được phát hiện trong lịch sử y học lần đầu tiên vào năm 1952 ở bệnh nhân có tên Stephen Christmas và được đặt luôn theo tên của bệnh nhân này.
Ở những người mắc bệnh này, cơ thể không hoặc sản sinh rất ít nhân tố IX dẫn đến chảy máu kéo dài hoặc chảy máu tự phát. Lượng nhân tố IX càng ít thì bệnh càng nặng. Nếu không được điều trị, bệnh có thể gây tử vong.
Nếu một người bẩm sinh đã bị bệnh rối loạn đông máu thì rất khó chẩn đoán sớm. Ước tính 2/3 số người mắc bệnh là do di truyền. Những trường hợp khác là do lỗi ren tự phát không rõ nguyên nhân trong quá trình phát triển của bào thai. Bệnh cũng ít khi xảy ra ở nam giới.
Vì vậy nếu là phụ nữ và gia đình từng có người mắc bệnh rối loạn đông máu thì bạn có thể đi kiểm tra gien để xác định mình có bị lỗi gien hay không.
Các triệu chứng của bệnh rối loạn đông máu là: chảy máu kéo dài từ những tiểu phẫu như cắt bao quy đầu, nhổ răng, đứt tay, bị thương nhẹ…; bầm tím nặng không rõ nguyên nhân, chảy máu cam kéo dài, phân hoặc nước tiểu có lẫn máu do chảy máu đường ruột, chảy máu trong và đọng ở các khớp nối gây đau và sưng khớp.
Y học hiện chưa có phương pháp điều trị rối loạn đông máu mà mới chỉ điều trị được các triệu chứng, chẳng hạn như tiêm thêm nhân tố IX, tự nhiên hoặc nhân tạo, để phòng chảy máu và cầm máu. Nếu bị rối loạn đông máu thể nhẹ, bác sĩ có thể cho dùng thuốc có chứa desmopressin acetate để bôi vào vết thương nhỏ. Đối với những vết thương lớn thì cần phải đến bệnh viện.
Nếu bị rối loạn đông máu thể nặng, cần thực hiện những biện pháp phòng ngừa như truyền máu để tránh hoặc giảm chảy máu kéo dài, nhất là trẻ em. Tuy nhiên trước khi truyền máu cần tiêm phòng vắc xin viêm gan B để tránh bị viêm gan
Dù rất ít khi xảy ra nhưng những biến chứng có thể có của bệnh là chết vì mất máu quá nhiều, chảy máu não, trục trặc ở các khớp nối do chảy máu trong, nghẽn mạch máu bất thường. Những biến chứng khác có thể phòng ngừa nhờ kiểm tra máu thường xuyên, tránh uống aspirin và các loại thuốc làm ảnh hưởng đến tiểu cầu.
Cuộc sống của bản thân những người bị bệnh rối loạn đông máu và cả gia đình của người bệnh có thể sẽ khá căng thẳng, nhất là khi xảy ra chuyện gì gây chảy máu nhiều. Tốt hơn hết là nên trao đổi với bác sĩ để tìm ra các biện pháp phòng tránh hữu hiệu nhất.