Càng chống càng ngập
Mới bắt đầu vào mùa mưa cùng những cơn mưa chuyển mùa có vũ lượng không lớn nhưng người dân TPHCM đã phải gánh chịu không ít những trận ngập kinh hoàng. Trong đó, tuyến đường Nguyễn Văn Quá (quận 12) từ đầu tháng 5 đến nay đã có ít nhất 3 đợt ngập lụt kéo dài trong nhiều giờ dù con đường mới được đầu tư hơn 160 tỷ đồng để nâng cấp chống ngập.
Chị Huỳnh Thị Ngọc Thúy (ngụ phường Đông Hưng Thuận, quận 12) nhớ lại, trận mưa chiều tối 27/5 dù chỉ kéo dài khoảng 30 phút nhưng đường Nguyễn Văn Quá, đoạn từ giao lộ Song Hành đến gần đường Quang Trung dài khoảng 2 km, bị ngập có nơi lút bánh xe. Nước từ dưới cống tràn lên mặt đường làm hàng loạt phương tiện chết máy. Người dân khổ sở, bì bõm dắt xe trong dòng nước đen ngòm về nhà sau một ngày làm việc mệt mỏi.
“Không chỉ ngập dưới đường. Nước tràn lên vỉa hè gây khuất tầm nhìn, nhiều người đi xe máy không phân định được lòng đường, vỉa hè, hố ga… nên bị sụp hố, trượt ngã sóng soài giữa đường. Nước bẩn tràn vào nhà gây hư hỏng nhiều đồ đạc. Đồ điện tử như tủ lạnh, quạt máy… của các gia đình ở khu vực này phải kê lên cao để tránh nước tràn vào gây chạm chập điện. Hàng quán, cơ sở kinh doanh buôn bán ế ẩm vì nước ngập lênh láng khắp nơi, không ai dám vào”, chị Thúy nói.
Theo một số người dân địa phương, trước khi được nâng cấp, thay cống hộp, tuyến đường Nguyễn Văn Quá cũng bị ngập nhưng tạnh mưa là nước rút hết, không còn ngập. Sau khi nâng đường, thay cống, nước càng ngập sâu, thời gian ngập kéo dài hơn. Người dân nhiều lần phản ánh nhưng chính quyền địa phương bất lực, không giải quyết được. Cùng chung số phận là hàng nghìn hộ dân sống hai bên đường Huỳnh Tấn Phát nối quận 7 và huyện Nhà Bè. Tuyến đường này vừa được đầu tư nâng cấp nhưng mỗi khi mưa là nước từ ngoài đường lại tràn vào nhà dân.
Bà Bé Năm (ngụ phường Phú Mỹ, quận 7) cho hay, đường Huỳnh Tấn Phát ngày trước thường xuyên ngập do mưa và triều cường. Sau khi được sửa chữa, nâng đường, tuyến đường không hết ngập mà hàng loạt nhà dân hai bên đường biến thành hầm chứa nước mỗi khi mưa và triều cường. Nước từ mặt đường Huỳnh Tấn Phát tràn vào các con hẻm hai bên đường. Mỗi khi xe ô tô chạy qua, những con sóng lớn lại hình thành và tràn vào nhà dân như thác.
“Trước khi con đường được nâng cấp, nước rút rất nhanh. Nhà của chúng tôi còn ra cái nhà. Nâng đường thì đẹp mặt đường, đường đỡ ngập hơn nhưng nhà dân chúng tôi biến thành cái hầm chứa nước. Khi dự án nâng đường được triển khai nhiều người hy vọng tình trạng ngập sẽ được cải thiện. Người dân chưa kịp vui thì đã thất vọng và phải học cách sống chung với ngập lụt”, bà Bé Năm nói.
Tương tự, tại đường Võ Văn Ngân, quận Thủ Đức, dù được xây dựng thí điểm hồ điều tiết với dung tích hơn 100 m3, nhưng mỗi khi trời mưa lớn, đoạn đường ngay vị trí hồ điều tiết vẫn bị ngập nặng. Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, các tuyến đường Ung Văn Khiêm, Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh), Lương Văn Can (quận 8), Tân Hương (quận Tân Phú)... dù đã được đầu tư nâng cấp nhưng vẫn liên tục bị ngập nặng mỗi khi mưa lớn.
Thiệt đơn thiệt kép
Được kỳ vọng sẽ kiểm soát ngập do triều cường cho vùng diện tích 750 km2 với khoảng 6,5 triệu dân khu trung tâm và bờ hữu sông Sài Gòn (trong đó có tuyến đường Huỳnh Tấn Phát), nhưng dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến biến đổi khí hậu - giai đoạn 1” với kinh phí đầu tư gần 10 nghìn tỷ đồng đã “đắp chiếu” gần 2 năm qua. Theo kế hoạch ban đầu, dự án này sẽ hoàn thành vào dịp 30/4/2018 nhưng đến nay mới đạt 78% khối lượng thi công do gặp nhiều vướng mắc về thủ tục giải ngân vốn và giải phóng mặt bằng.
Để chống ngập cho một khu vực rộng lớn, dự án xây dựng 6 cống ngăn triều lớn tại các cửa sông, kênh rạch, gồm: Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định với quy mô bề rộng cống 40-160 m. 3 trạm bơm được thiết kế tại cống Bến Nghé (công suất 12 m3/giây), cống Tân Thuận (công suất 24 m3/giây) và cống Phú Định (công suất 18 m3/giây) nhằm ngăn triều (khi triều cường dâng cao), hạ mực nước trên các kênh rạch làm tăng khả năng tiêu thoát nước mưa từ các cống... Hiện nay, công trình còn 20 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng thi công.
Theo ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam (nhà đầu tư), nếu các địa phương bàn giao mặt bằng vào đầu tháng 6 này, nhà đầu tư sẽ đẩy nhanh tiến độ bằng việc thi công 3 ca liên tục và kịp hoàn thành công trình trong tháng 10. “Dự án này cũng như một căn nhà có 10 cửa. Làm được 9 nhưng còn 1 cửa chưa làm cũng không thể phát huy tác dụng bảo vệ. Thi công dự án phải có tính liên hoàn, đồng bộ hoàn thiện tất cả các hạng mục mới đạt được hiệu quả chống ngập”, ông Tiến nói.
Tuy nhiên, đại diện nhà đầu tư cũng lưu ý mục tiêu được duyệt của công trình này khi đi vào hoạt động là chỉ giải quyết ngập do triều cường (kể cả khi ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu trong tương lai) và chỉ hỗ trợ thoát nước từ các cống ra kênh rạch, chứ không giải quyết tình trạng ngập nước do mưa. Nếu hệ thống cống thoát nước bị nghẹt, nước mưa không kịp thu gom xuống các cống để đổ ra kênh rạch thì máy bơm mất
tác dụng.
Vừa qua, lãnh đạo UBND TPHCM liên tiếp đi kiểm tra các vị trí lấn chiếm hệ thống thoát nước ở nhiều quận, huyện. Thực tế cho thấy, nhiều công trình xây dựng lấn chiếm hệ thống kênh rạch, miệng cửa xả, hố ga và tình trạng xả rác xuống cống, kênh, rạch còn phổ biến, dẫn đến hệ thống thoát nước bị thu hẹp dòng chảy, ảnh hưởng rất lớn đến khả năng thoát nước, gây ngập cục bộ ở một số vị trí và gây khó khăn cho công tác nạo vét, duy tu.
8 giải pháp
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, TPHCM sẽ tập trung thực hiện 8 giải pháp chống ngập. Thứ nhất, rà soát lại toàn bộ quy hoạch 1/2.000 để điều chỉnh cốt nền phù hợp thực tế. Thứ hai, quản lý việc san lấp kênh rạch. Thứ ba, xử lý hành lang lấn chiếm các cửa xả, rác thải, bịt miệng cống thoát nước. Tình trạng này diễn ra rất nhiều và TPHCM vừa qua phát động phong trào người dân không xả rác xuống cống, kênh rạch. Thứ tư, duy tu, nạo vét cống thoát nước bởi nhiều địa bàn tốc độ đô thị hóa quá nhanh, nhiều con đường không có cống thoát nước, như quận 2, quận 9… nên xảy ra ngập úng khi mưa lớn. Thứ năm, quản lý mốc bờ cao hành lang bảo vệ kênh rạch. Thứ sáu, tăng cường không gian trữ nước, hồ điều tiết. Thứ bảy, giải quyết vướng mắc dự án chống ngập do triều. Thứ tám, đưa vào sử dụng các công trình chống ngập.