Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

TPO - Nhiều quy định về phục vụ hành khách bằng đường hàng không; điều kiện kinh doanh rượu, thuốc lá; quy định về trợ cấp cho quân nhân xuất ngũ, thanh niên xung phong… bắt đầu có hiệu lực trong tháng 11/2017.  
Ảnh minh họa.

1. Phục vụ ăn, nghỉ cho hành khách bị chậm chuyến bay

Đây là quy định tại Thông tư 27/2017/TT-BGTVT (có hiệu lực từ 1/11) về việc sửa đổi, bổ sung quy định về chất lượng dịch vụ hành khách của cảng hàng không và bồi thường ứng trước không hoàn lại trong vận chuyển hành khách bằng đường hàng không. Khoản 3, Điều 7 của Thông tư quy định:

Trường hợp hành khách đã được xác nhận chỗ trên chuyến bay nhưng việc vận chuyển bị chậm chuyến, gián đoạn, hủy chuyến, hãng hàng không có trách nhiệm phục vụ hành khách theo quy định như sau:

a) Thời gian chậm từ 02 giờ phải phục vụ nước uống;

b) Thời gian chậm từ 03 giờ trở lên phải phục vụ ăn;

c) Thời gian chậm từ 06 giờ trở lên (từ 07 giờ đến trước 22 giờ) phải bố trí nơi nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế của cảng hàng không;

d) Thời gian chậm 06 giờ trở lên (từ 22 giờ hôm trước đến trước 07 giờ ngày hôm sau) phải bố trí chỗ ngủ, nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương hoặc giải pháp thay thế nếu được sự đồng ý của hành khách;

đ) Chuyển đổi hành trình của hành khách trong phạm vi cung cấp dịch vụ của hãng hàng không để hành khách tới được điểm cuối của hành trình một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất.

2. Điều kiện về tuyển chọn quân nhân chuyên nghiệp

Thông tư 241/2017/TT-BQP (có hiệu lực từ 15/11) quy định các điều kiện tuyển chọn quân nhân chuyên nghiệp Quốc phòng gồm:

a. Quân đội nhân dân có nhu cầu biên chế.

b. Đang đảm nhiệm chức danh thuộc diện bố trí là quân nhân chuyên nghiệp hoặc vị trí việc làm là công nhân quốc phòng hoặc chức danh nghề nghiệp là viên chức quốc phòng.

c. Có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ phù hợp với chức danh của quân nhân chuyên nghiệp hoặc vị trí việc làm của công nhân quốc phòng hoặc chức danh nghề nghiệp của viên chức quốc phòng.

Ngoài ra, quân nhân chuyên nghiệp phải đảm bảo các tiêu chuẩn về sức khỏe, phẩm chất chính trị, tính kỷ luật…

Ảnh minh họa.

3.

Tăng trợ cấp cho quân nhân xuất ngũ

Từ ngày 20/11, Thông tư 242/2017/TT-BQP quy định mức trợ cấp hàng tháng cho quân nhân xuất ngũ, người làm công tác cơ yếu bắt đầu có hiệu lực. Theo đó, lương của các đối tượng được hưởng trợ cấp quy định trong thông tư sẽ tăng 7,44% so với mức trợ cấp hàng tháng của tháng 6/2017. Cụ thể:

- Từ đủ 15 năm đến dưới 16 năm, mức trợ cấp bằng 1.650.000 đồng/tháng;

- Từ đủ 16 năm đến dưới 17 năm, mức trợ cấp bằng 1.725.000 đồng/tháng;

- Từ đủ 17 năm đến dưới 18 năm, mức trợ cấp bằng 1.800.000 đồng/tháng;

- Từ đủ 18 năm đến dưới 19 năm, mức trợ cấp bằng 1.875.000 đồng/tháng;

- Từ đủ 19 năm đến dưới 20 năm, mức trợ cấp bằng 1.950.000 đồng/tháng.

4. Chính sách, chế độ dành cho thanh niên xung phong miền Nam

Theo Nghị định 112/2017/NĐ-CP (có hiệu lực từ 20/11), thanh niên xung phong ở cơ sở miền Nam tham gia kháng chiến trong giai đoạn 1965 -1975 nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo luật định sẽ được hưởng các chính sách sau đây:

Trợ cấp một lần tối đa 3,6 triệu đồng.

Trợ cấp hàng tháng 540.000 đồng/tháng.

Trợ cấp mai táng.

Hỗ trợ, ưu tiên vay vốn để sản xuất kinh doanh.

5. Điều kiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai

Theo Thông tư 13/2017/TT-NHNN, từ 15/11, Ngân hàng Nhà nước sẽ công khai danh sách các ngân hàng thương mại đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai.

Các ngân hàng này phải đáp ứng điều kiện gồm trong Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc tại văn bản sửa đổi, bổ sung Giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng thương mại có quy định nội dung hoạt động bảo lãnh ngân hàng; Không bị cấm thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai trong giai đoạn bị kiểm soát đặc biệt.

6. Quy định hành nghề của người dạy thực hành khám chữa bệnh

Nghị định 111/2017/NĐ-CP (có hiệu lực từ 20/11 quy định) người dạy thực hành khám chữa bệnh phải đáp ứng được các yêu cầu về thời gian ít nhất là 36 tháng đối với đào tạo trình độ sau đại học; ít nhất là 24 tháng đối với đào tạo trình độ đại học; ít nhất là 12 tháng đối với trình độ cao đẳng và trung cấp.

Tại cùng một thời điểm, người giảng dạy không được dạy quá 5 người thực hành với trình độ sau đại học; 10 người với trình độ đại học và 15 người với trình độ cao đẳng, trung cấp.

7. Bãi bỏ hàng loạt điều kiện về kinh doanh rượu

Nghị định 105/2017/NĐ-CP (có hiệu lực từ 1/11/2017)  quy định về hoạt động kinh doanh rượu với một số nội dung nổi bật như thực hiện bãi bỏ hàng loạt điều kiện đối với các đối tượng là thương nhân kinh doanh và sản xuất rượu; quy định các cơ sở bán rượu tiêu dùng tại chỗ phải có giấy phép kinh doanh rượu trong thời hạn 3 tháng…

Ảnh minh họa.

8. Sửa đổi bổ sung điều kiện về kinh doanh thuốc lá

Theo Nghị định 106/2017/NĐ-CP, từ ngày 01/11/2017, điều kiện cấp Giấy phép bán buôn sản phẩm thuốc lá được loại bỏ hợp đồng mua bán của nhà cung cấp sản phẩm thuốc lá, chỉ cần văn bản giới thiệu của nhà cung cấp hoặc thương nhân phân phối sản phẩm thuốc lá.

Nghị định 106 cũng bãi bỏ quy định về điều kiện phương tiện vận tải để bảo quản được chất lượng sản phẩm thuốc lá trong thời gian vận chuyển.

9. Bãi bỏ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm sữa dạng lỏng

Thông tư 36/2017/TT-BYT (có hiệu lực từ 1/11) quy định việc bãi bỏ toàn bộ nội dung Thông tư 03/2017/TT-BYT về việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 5 -1:2017/BYT đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng.

Tại Quy chuẩn QCVN 5-1:2017/BYT quy định các mức giới hạn an toàn và các yêu cầu quản lý đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng, bao gồm:

- Sữa tươi (sữa tươi nguyên chất thanh trùng/tiệt trùng, sữa tươi nguyên chất tách béo thanh trùng/tiệt trùng, sữa tươi thanh trùng/tiệt trùng, sữa tươi tách béo thanh trùng/tiệt trùng).

- Sữa hoàn nguyên thanh trùng/tiệt trùng.

- Sữa hỗn hợp thanh trùng/tiệt trùng.

- Sữa cô đặc và sữa đặc có đường (sữa cô đặc, sữa đặc có đường, sữa tách béo cô đặc bổ sung chất béo thực vật, sữa tách béo đặc có đường bổ sung chất béo thực vật).

Ảnh minh họa.

10. Quy định mới về xử phạt trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, đê điều

Nghị định 104/2017/NĐ-CP (có hiệu lực từ 1/11) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều với một số nội dung đáng chú ý như:

Phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi không chủ động cứu giúp hoặc không thông tin kịp thời để lực lượng khác đến ứng cứu người, phương tiện bị nạn trên biển, sông, suối, ao, hồ khi có điều kiện mà không thực.

Phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi sử dụng sai mục đích, làm thất thoát tiền, hàng cứu trợ và cứu trợ không đúng đối tượng…