Khởi nghiệp từ 1 triệu đồng
Gian hàng snack dế đóng hộp, dế chiên giòn của anh La Văn Quý (26 tuổi, dân tộc Thái) luôn gây sự tò mò của khách hàng. Đứng bên gian hàng, Quý xởi lởi mời khách dùng thử đặc sản dế, tư vấn thêm các nguyên liệu kết hợp để món ăn hoàn hảo.
Quý ở bản Phiêng Nèn (Sơn La), tốt nghiệp Đại học Tây Bắc. Ra trường, anh làm việc ở một số công ty nhưng luôn nung nấu ý định lập nghiệp. Và rồi, anh gắn bó với con dế lúc nào không hay. “Trước mình cũng có nhiều người bán các sản phẩm từ dế nhưng không đảm bảo an toàn vệ sinh. Thế nên mình muốn tự nuôi, tự sản xuất sản phẩm đảm bảo sức khỏe cho khách hàng. Hơn nữa, mình chọn dế vì chi phí đầu tư thấp, hợp với hoàn cảnh khó khăn của mình” - Quý bộc bạch.
Cuối năm 2017, với số tiền dành dụm được gần 1 triệu đồng, Quý bắt đầu khởi nghiệp với 5 khay trứng dế giống. May mắn, ngay từ lứa dế nuôi đầu tiên đã thu 20 kg dế thành phẩm, anh rao bán trên facebook với giá 150.000 đồng/kg. Từ thành công ban đầu, Quý nghĩ ngay phải mở rộng quy mô sản xuất. Anh mạnh dạn thuê khu vực thí nghiệm của trường Đại học Tây Bắc để lập trại, vay vốn đầu tư nuôi 20 ô dế, mua thêm 10 khay trứng giống.
Không chỉ bán dế thương phẩm, Quý còn nghiên cứu chế biến các sản phẩm khô dế ăn liền, khẩu xén vị dế, phồng tôm vị dế, bánh dế... kết hợp với nguyên liệu, gia vị đặc trưng của đồng bào Thái như nước măng chua, lá chanh, hạt mắc khén… tạo hương vị mới lạ cho món dế. Thành công nhưng không giấu nghề, Quý chia sẻ kỹ thuật cho nhiều hộ dân có nhu cầu nuôi dế trên địa bàn tỉnh. Hiện mỗi tháng Quý xuất bán hơn 100 kg dế thương phẩm và dế sơ chế đông lạnh với giá từ 130.000-150.000 đồng/kg; trứng dế giống 200.000 đồng/khay...
“Dự kiến 3 năm tới, doanh thu của trại đạt 4 tỷ đồng, lợi nhuận 1,5 tỷ đồng từ nghề nuôi dế. Mình ấp ủ mở HTX, tạo nhiều việc làm cho đồng bào dân tộc” - Quý chia sẻ.
Tạo sản phẩm chất lượng cho người dùng
Giàng A Dạy (27 tuổi, dân tộc Mông) sang tận Israel học làm nông kiểu mới, trở về thuyết phục người dân bản cùng tham gia sản xuất nông nghiệp sạch. A Dạy xây dựng mô hình HTX Nông nghiệp xanh Amo chăn nuôi bò, đồng thời kêu gọi đoàn viên, thanh niên trong bản tham gia. Ai có tiền hùn tiền, ai có bò góp bò, cùng chăn nuôi, chế biến và đưa ra thị trường theo mô hình khép kín. “Với những điều kiện lý tưởng từ tài nguyên bản địa ở bản Rừng Thông, từ đồng cỏ ở các thung lũng, việc chăn nuôi bò sẽ là lợi thế của đồng bào Mông ở Mai Sơn. Ngoài việc khai thác nguồn thịt sạch, HTX còn tận dụng nguồn phân thải chăn nuôi phục vụ trồng trọt” - A Dạy cho biết.
Hiện A Dạy và nhiều thanh niên trong bản tận dụng nguồn gỗ, tre ở địa phương, xây dựng trang trại bò với quy mô 200 con. Ngoài ăn cỏ, bò sẽ được cung cấp thức ăn bổ sung được ủ chua theo công nghệ tự nhiên, không sử dụng men vi sinh mà A Dạy học được từ Israel. “Ủ chua thức ăn là phương pháp truyền thống, có từ trước ở Việt Nam, nhưng ở dạng đơn giản nên lượng dinh dưỡng còn thấp và thời gian bảo quản không dài. Tuy nhiên, nếu kết hợp với các yếu tố công nghệ hiện đại thì nguồn thức ăn sẽ được bảo quản trong thời gian dài, nguồn dinh dưỡng được tăng lên”, A Dạy nói.
“Thanh niên vùng cao khởi nghiệp có nhiều lợi thế. Các bạn có bản sắc và khác biệt để chinh phục người trong nước và ngoài nước. Nếu các bạn khai thác du lịch càng tuyệt vời, bởi xu hướng bây giờ đề cao lối sống giản dị và tự nhiên. Bên cạnh đó, các bạn luôn có sự đồng hành của Ban Dân tộc, các chuyên gia luôn sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ. Điều quan trọng là sau khi ý tưởng khởi nghiệp đã thành hiện thực, nên chú trọng xây dựng thương hiệu, đó là yếu tố sống còn của doanh nghiệp”.
Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Cty Vinamit
Trong khi đó, Vù A Và (29 tuổi) lại ấp ủ ước mơ về dự án phát triển du lịch cộng đồng kết hợp lưu trú tại các làng bản ở thôn Nậm Cang, giúp du khách tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa ẩm thực dân tộc. “Là người dân tộc, tôi luôn trăn trở làm gì để phát triển bản làng mà vẫn giữ được núi rừng, tài nguyên. Do Nậm Cang cách Sa Pa hơn 40km, nên dù có nhiều cảnh đẹp, nhiều nông sản nhưng đời sống người dân còn rất khó khăn. Chúng tôi giới thiệu điểm du lịch mới. Hiện nhóm có gần 40 thanh niên cùng tham gia dự án” - A Và cho hay.
Còn chàng kỹ sư nông nghiệp Nông Kim Ngọc thì đang dồn hết tâm sức vào trang trại nông lâm nghiệp kết hợp theo hướng VietGap. Trang trại sẽ tự cung cấp các giống vật nuôi, phân bón, chiết dịch giun quế làm thuốc bảo vệ thực vật và phân bón qua lá, thuốc thú y thảo dược. “Tôi muốn tạo ra sản phẩm an toàn và chất lượng cho người dùng” - Ngọc khẳng định.