Những ca ghép tim đặc biệt

TP - “Thay tim”, hai từ đó bà nghe như sét đánh ngang tai, bởi xưa nay bà đâu đã nghe đến. Hơn nữa, tim người chứ đâu phải tim lợn, tim bò đâu mà sẵn lấy thay. Dù vậy, bà vẫn đăng ký cho con thay tim.
Bà Huỳnh Thị Ánh và con xúc động kể lại câu chuyện

Ký liều để con được mổ

Sau 5 tháng kể từ ngày được ghép tim, Phạm Văn Cơ (15 tuổi, ở Đà Nẵng) đã tăng 10 kg và khỏe mạnh. Ít ai biết rằng, trước đó Cơ xanh xao, ốm yếu, chỉ nặng hơn 40kg, sự sống chỉ còn đếm bằng ngày. Tuy nhiên, nhờ được nhận được trái tim từ người khác, cuộc sống mới đã hồi sinh với Cơ.

Cuộc gặp gỡ giữa anh Trần Tuấn và chị Hằng rất xúc động

Nói về con, bà Huỳnh Thị Ánh, mẹ Cơ liên tục cảm ơn gia đình người hiến và các y bác sĩ. Bà bảo, vợ chồng có 4 người con. Cuộc sống gia đình tuy khó khăn, nhưng vợ chồng tần tảo sớm khuya nên cũng đủ chi tiêu, nuôi con ăn học. Thế nhưng, vài năm trước, sóng gió đổ xuống gia đình khi chồng bà phát hiện ung thư giai đoạn cuối rồi mất. Sau đó ít lâu, anh trai Cơ được phát hiện bị giãn mạch tim cũng qua đời. Vì vậy, khi Cơ được phát hiện cũng bị giãn mạch tim, bà đã khóc hết nước mắt. “Chồng tôi qua đời vì ung thư, rồi con trai cũng bị bệnh tim qua đời nên khi nghe Cơ lại mắc căn bệnh này, tôi không thiết sống nữa”, bà Ánh kể lại.

Không muốn mất thêm đứa con trai yêu quý, bà đi vay mượn khắp nơi để đưa con vào TPHCM chữa bệnh. Tại đây, Cơ được đặt máy tạo nhịp tim với chi phí hơn 200 triệu đồng. Thế nhưng, bệnh của con nặng, cùng với chi phí đắt đỏ gia đình không thể kham được nên xin về Bệnh viện T.Ư Huế điều trị.

Lúc này Cơ bị suy tim giai đoạn cuối, trái tim giãn to gấp 3 lần bình thường khiến lồng ngực cũng bị nhô cao, thời gian sống chỉ tính được từng ngày. Bác sĩ cho biết, bệnh của Cơ không chữa được, chỉ thay tim thì mới có cơ hội sống.

Ngày 12/6, bà Ánh nhận được điện thoại từ Bệnh viện T.Ư Huế thông báo, đã có người hiến tim phù hợp để ghép cho Cơ. Bệnh viện cũng cho biết, gia đình chuẩn bị 300 triệu đồng để phẫu thuật. “Nghe tin ấy, tôi mừng lắm bởi Cơ có cơ hội sống tiếp. Thế nhưng, 300 triệu đồng với gia đình tôi là con số khổng lồ, biết đào đâu ra. Tôi chạy vạy khắp nơi mới vay được vài chục triệu đồng. Ra đến bệnh viện, tôi bảo gấp quá gia đình mới xoay được chừng này, chúng tôi sẽ đóng đủ, xin hãy cứu con tôi”, bà Ánh kể.

Chia sẻ về ca ghép này, ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia cho biết, thông thường trước khi ghép tạng, mẫu máu của người nhận phải chuyển đến nơi có bệnh nhân hiến tạng để đọ chéo. Tuy nhiên, với trường hợp của Cơ, do thời gian quá gấp nên trung tâm đã cử nhân viên mang mẫu máu của người hiến vào Huế trước để đọ chéo. “Đây là tình huống rủi ro bởi nếu kết quả xét nghiệm không tương thích, xem như quả tim được hiến vô nghĩa vì không đủ thời gian chuyển cho người khác”, ông Phúc nói.

Bác sĩ Phúc nói tiếp, khi nhận được thông tin từ Trung tâm, GS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện T.Ư Huế xin tạm không tham gia họp Quốc hội, đến thẳng đến Bệnh viện Việt Đức để tham gia lấy tạng. Sau đó, GS Hiệp cùng các chuyên gia trực tiếp vận chuyển vào Đà Nẵng bằng máy bay, rồi di chuyển ra BV T.Ư Huế. Hơn nữa, trước khi ghép tim, bệnh nhân Phạm Văn Cơ đã 3 lần ngừng tim, bác sĩ phải cấp cứu để hồi sức tim, nếu không kịp ghép bệnh nhân sẽ chết.

Đêm ngày 13/6, ca ghép tim được thực hiện. Đến 4h ngày 14/6, ca mổ thành công. Sau 5 tiếng sau phẫu thuật, Cơ tỉnh lại và cảm nhận trái tim khỏe mạnh đập trong lồng ngực của mình.

Cuộc đoàn tụ đặc biệt!

Cách đây 2 năm, anh Trần Tuấn (ở Lạng Sơn) bị suy tim giai đoạn cuối, chân tay run, thở khó. Anh bảo, đã chuẩn bị sẵn sàng cho sự ra đi bởi muốn kéo dài sự sống chỉ có cách duy nhất là ghép tim. Đến giờ, anh Tuấn vẫn sống khỏe mạnh, cũng nhờ anh đã nhận được trái tim của người chết não.

Theo hồ sơ bệnh án, ngày 16/5/2018, anh Nguyễn Ngọc K. (30 tuổi, xã Hùng Dũng, huyện Hưng Hà, Thái Bình) bị tai nạn giao thông chết não.

Chị Nguyễn Thị Thu H., vợ anh K. bảo rằng, chồng qua đời là mất mát quá lớn với gia đình. Sau khi nghe bác sĩ tư vấn về chuyện hiến tạng, chị thấy nếu hiến sẽ có nhiều người bệnh khác được cứu nên đồng ý. Chị gọi cho mẹ chồng, cuộc gọi ngắn ngủi nhưng bà cũng hiểu ý nghĩa của hiến tạng nên đã đồng ý. Ca phẫu thuật được tiến hành. Tạng của anh K. được bệnh viện ghép cho nhiều người, trong đó có anh Tuấn.

 Sau khi được gia đình đồng ý hiến tạng, trái tim đã được ghép cho anh Tuấn. Các bác sĩ bảo, ca ghép của anh Tuấn cũng rất đặc biệt, bởi các chỉ số phù hợp giữa tạng người cho và người nhận là rất ít. Thế nhưng, ca ghép vẫn  thành công. “Trái tim anh K. đã sống trong tôi. Anh K. ra đi và trái tim anh K. đã dành tặng cho tôi”, anh Tuấn chia sẻ.

Sau khi chôn cất cho chồng, chị Hằng lao vào làm việc để lo cho gia đình 5 miệng ăn trong đó có 2 con thơ. Nhiều lúc, chị cũng mong muốn được gặp lại người nhận tạng của chồng, để được nhìn thấy đôi mắt, nhịp đập của người chồng quá cố. Ước mơ của chị H. đã được thực hiện vào ngày 28/11, khi chị được gặp anh Tuấn, người đã nhận trái tim của chồng. Chị Hằng kể: “Lúc gặp anh Tuấn, tôi xúc động lắm. Bởi dù là người xa lạ, chưa từng gặp nhưng tôi thấy dường như có cái gì đó rất thân quen. Có lẽ, cũng bởi trong lồng ngực ấy có nhịp đập của chồng tôi”.

Sau khi trò chuyện, anh xin địa chỉ gia đình và cho biết trong ít ngày tới sẽ cùng gia đình ra Thái Bình thắp nén hương cho anh K. Anh cũng bảo, bản thân giờ sống không chỉ cho mình mà còn cho 2 người nên cũng muốn chia sẻ với gia đình chị Hằng.

Theo GS Trịnh Hồng Sơn, dù đã tuyên truyền nhưng người dân vẫn còn e dè với hiến tạng. Đã có trường hợp người bị nạn chết não và 9/10 thành viên đồng ý hiến, tuy nhiên, anh trai người bị nạn không đồng ý nên dù các kíp phẫu thuật đã sẵn sàng cũng phải dừng lại.

Theo thống kê của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, đến nay đã có 19.300 người đăng ký hiến tặng mô/tạng sau khi chết/chết não; có 3.378 ca ghép các tạng, trong đó có 3.223 ca ghép thận; 125 ca ghép gan; 26 ca ghép tim; một ca ghép khối thận - tụy; một ca ghép khối tim - phổi và hai ca ghép phổi.