Trong lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Tổng Công ty vận tải Hà Nội - Transerco tại Nhà hát lớn vừa qua, có một góc trưng bày nhỏ nhưng ai nấy đều quan tâm, chăm chú. Đó chính là chiếc chuông tàu điện, xinh xinh, khiêm nhường, khi đánh vào tạo tiếng leng keng như reo vào ký ức Hà Nội cả chiều dài thế kỷ. Hôm đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội đứng ngắm chiếc chuông màu đen, chứ không phải vàng như cái chuông thường thấy, đoạn ông hỏi: “Hà Nội còn mấy cái chuông như vậy?”. Tổng Giám đốc Transerco Nguyễn Phi Thường thưa rằng, chỉ còn một thưa Bí thư!
Từ tàu điện leng keng
Giám đốc xí nghiệp Xe điện Nguyễn Hữu Hồng hẳn phải là người có tâm lắm, say mê lắm nên ông đã quyết định “viết sử” bằng văn. Số là năm 2010 đúng dịp 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Nhà xuất bản Hội nhà văn cho ra cuốn sách “Leng keng tàu điện”. Cái cuốn sách nghe lạ, sự leng keng cứ như réo rắt trong lòng người đọc. Không hẳn bởi cuốn sách khá đủ đầy về một chủ đề mà bởi cái tiếng leng keng xuyên suốt cuốn sách như lần giở những trang ký ức của người Hà Nội.
Nói về xuất xứ cuốn sách, ông Hồng tủm tỉm, tôi yêu thích tàu điện một thời Hà Nội vì vậy cuốn sách giúp lưu lại lịch sử ngành vận tải công cộng. Chân dung một Hà Nội rộn tiếng leng keng vì vậy được ông chọn các nhà văn tên tuổi vẽ lại. Nào là Tô Hoài, Đỗ Chu, Vũ Quần Phương, Trung Trung Đỉnh… Một Hà Nội với những lát cắt sinh động, có cả vị ngọt ngào đan xen những nỗi buồn nhung nhớ . Nhà văn Tô Hoài với tác phẩm “Chuyến tàu điện tuổi thơ”, nhà văn Đỗ Chu với “Hai người đàn bà”, Hoàng Minh Tường với “Mối tình tàu điện”…
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị chăm chú nghe TGĐ Transerco Nguyễn Phi Thường giới thiệu về chiếc chuông tàu điện duy nhất còn lại của Hà Nội. Ảnh: Như Ý
Nhà thơ Vũ Quần Phương trong “Kí ức xe điện” dường như đọc ra lịch sử ngành mà chẳng mấy ai còn biết đến. Công ty xe điện Đông Dương khánh thành tuyến xe điện đầu tiên của Hà Nội, chạy Bờ Hồ - Thụy Khuê vào ngày 13 tháng 9 năm 1900 (đến năm 1908 tuyến này mới kéo thêm đoạn Thuỵ Khuê lên Bưởi). Tuyến thứ hai, 1901, từ Bờ Hồ đi Thái Hà ấp, nhưng ban đầu không đi qua phố Hàng Đẫy (Nguyễn Thái Học bây giờ) mà từ Hàng Bông chạy vào phố Sinh Từ (Nguyễn Khuyến), vòng trước Văn Miếu mà ra Hàng Bột (Tôn Đức Thắng bây giờ).
Hai năm sau mới đổi lộ trình, từ Hàng Bông, chạy vào Hàng Đẫy rồi rẽ Hàng Bột. Và phải đến năm 1915 mới kéo nốt đoạn từ Thái Hà ấp đến Hà Đông. Tuyến thứ ba, 1906: Bờ Hồ - Chợ Mơ. Rồi đến tuyến Yên Phụ - Đồng Lầm, năm 1929 và đến năm 1943 mới kéo nốt đoạn ngắn Đồng Lầm đến trước cửa nhà thương Cống Vọng (bệnh viện Bạch Mai)…
“ Tàu điện Hà Nội đã đi vào thơ ca, nhạc họa, phim ảnh và trở thành một trong những trang lưu niệm sâu sắc và nên thơ với biết bao người. “Leng keng tàu điện” chính là cách người Hà Nội, các nhà thơ, nhà văn Hà Nội nói về kỷ niệm đáng yêu ấy theo cách của mình - rất riêng và rất Hà Nội…”.
Doanh thu xe điện không cao vì giá rẻ, vé bán ngay trên tàu. Ban đầu chỉ có hai xu, vé hạng hai. Tàu điện khi đó có vé hạng nhất, phòng riêng, ghế mềm kê dọc; vé hạng hai, ghế cứng kê ngang. Giá trị đồng tiền thay đổi, giá thay đổi theo. Nhưng thay đổi thế nào thì thì xe điện cũng là rẻ nhất…
Người nghèo cũng có thể đi xe điện. Mà nghèo quá, không mua nổi vé, đi lậu vé, thì người soát vé cũng không nỡ đuổi ai xuống ngang đường như ở tàu hỏa, có lẽ vì một suất vé chẳng đáng là bao và lộ trình xe cũng chỉ trong một thành phố… Ngót một thế kỷ, đúng ra là 85 năm, bao nhiêu giá trị đã đổi thay mà cái xe điện vẫn lầm lũi như tự bao giờ, cứ khiêm nhường, cần mẫn từ sáng sớm đến tối mịt, đỡ đần những người vất vả, đầu tắt, mặt tối nhất của thành phố.
Đến “Xe buýt Hà Nội”
Có lẽ cái sự dềnh dang, đủng đỉnh của những chiếc tàu điện đã trở nên lỗi nhịp. Hà Nội cần hơn những chuyến xe ăm ắp khách, hối hả đêm ngày. Chỉ sau khi tiếp quản Thủ đô 4 năm, năm 1960 những doanh nghiệp vận tải công cộng bằng ô tô đầu tiên đã được thai nghén, hình thành. Tuy nhiên, xe buýt Hà Nội vẫn tự phát và luẩn quẩn trong vòng kim cô của cơ chế.
Ông Nguyễn Phi thường chia sẻ: “Dù còn nhiều hạn chế, nhưng sự hình thành phương tiện vận tải công cộng - xe buýt tại Hà Nội là tiền đề quan trọng cho “cuộc cách mạng” của xe buýt sau này”. Những vốn liếng phát triển nhiều thập kỷ để lại là một đội ngũ cán bộ lành nghề, tâm huyết. Ngặt nỗi điều đó thôi chưa đủ, xe buýt cần có một con đường không chỉ trải nhựa phẳng lỳ mà bằng một hành lang pháp lý đủ an toàn, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của buýt.
Xe buýt của Transerco là phương tiện vận tải hành khách công cộng quan trọng, góp phần giảm ùn tắc giao thôn. Ảnh: Như Ý
Nói về “cuộc cách mạng” của xe buýt, dấu mốc quan trọng chính là việc thí điểm tuyến buýt chất lượng cao đầu tiên của Hà Nội năm 2002, tuyến số 32 Nhổn - Giáp Bát. Nghe có vẻ vô duyên, thế cả chục tuyến buýt còn lại là “chất lượng không cao”?
Thực tế, quan điểm về phát triển xe buýt đã bị va đập qua nhiều thế hệ. Vào những năm 90 của thế kỷ XX, cánh cửa hội nhập mở bung, người dân giàu lên, phương tiện cá nhân tăng chóng mặt. Trong khi đó, buýt già yếu với chất lượng dịch vụ phập phù. Để thuyết phục cho buýt “chất lượng cao”, một lãnh đạo của Transerco khi đó đặt câu hỏi: “Đi xe buýt có lợi gì so với đi xe máy và xe đạp”. Và cũng tự trả lời: “Xe buýt tiện nghi, an toàn hơn xe máy và đi nhanh hơn xe đạp”. Đôi khi sự hay - dở chỉ bắt đầu từ những khái niệm thật đơn giản. Xe mới, có điều hoà, chạy đúng giờ, dừng đỗ đúng chỗ, lái xe ăn mặc lịch sự… thế là “chất lượng cao”. Có lẽ, cái lý của những người tâm huyết và dũng cảm đã thắng. Khách hàng là một đáp số khách quan.
Theo một số chuyên gia giao thông, sự xuất hiện buýt chất lượng cao tạo ra một cú hích lớn trong phát triển vận tải công cộng. Vượt lên trên những con số về sản lượng khách đó là tư duy mới về phát triển đô thị với vận tải công cộng là chủ đạo. Làn sóng gia tăng thái quá của xe máy đã được kiềm chế. Tính đến hết năm 2013, mạng lưới xe buýt đã lên đến 86 tuyến với sản lượng khách trên 500 triệu lượt. Xe luôn đông, nhưng vui, hành khách coi xe buýt như điểm sinh hoạt văn hóa, xa là thấy nhớ. Khác với tàu điện hôm nào chỉ vươn xa tới Hà Đông, xe buýt hôm nay đã vươn đến Ba Vì, Mỹ Đức, Phú Xuyên… và kết nối đến các tỉnh lân cận… So với tất cả các tỉnh thành có xe buýt thì xe buýt Hà Nội đã tạo ra sự cách biệt lớn về chất lượng phục vụ, một thương hiệu riêng có.
Xe mới và sạch, đi đúng giờ, chạy đúng tuyến và hơn thế là những nụ cười, cử chỉ của nhà xe thân thương, gần gũi mà mới hôm nào điều đó còn là “xa xỉ”. Tổng giám đốc Nguyễn Phi Thường tỏ ra quyết đoán khi truyền thông điệp đến cán bộ công nhân viên. Ông bảo, khách hàng là người nuôi chúng ta, cớ sao lại không phục vụ khách hàng cho tốt và nếu ai đó đối xử tệ với hành khách thì có nghĩa họ tự loại mình ra khỏi đội ngũ.
Hiện xe buýt Hà Nội đang đứng trước một vận hội mới để tiếp tục vươn lên. Không lâu nữa, Hà Nội sẽ có tuyến đường sắt đô thị, xe buýt nhanh, tàu điện ngầm… nhưng xe buýt không vì thế mà mất đi vị thế. Sự cần mẫn, chăm chỉ, thân thiện gần gũi và tiết kiệm là lợi thế của xe buýt, đó chính là nền tảng quan trọng, là cầu nối để các loại hình vận tải công cộng khối lượng lớn phát triển.