Nhờ ai em có mặt trên đời?
Sáng nay, khi lướt một vòng Facebook, tôi vô tình thấy được dòng status của các em. Không biết vì sao, các em lại chửi bà ngoại, chửi mẹ mình...
Tôi thực sự thấy khó khăn khi phải viết ra động từ mạnh ấy, vì tôi không có thói quen nhìn thấy nó xuất hiện trước những đại từ như "ông bà", "cha mẹ". Em viết rất dài, emoticons rất nhiều cảm xúc. Em khóc vì ức, em bực vì bà, vì mẹ không làm em vừa mắt. Vậy là em chửi. Tôi không nghĩ liệu mình, trong lúc bực tức và thiếu kiềm chế nhất, có thể thốt ra những lời đó với một bà hàng tôm hàng cá nào đó ngoài chợ, hay với bạn mình hay không? Vậy mà em nghĩ, và viết nó trơn tru. Em muốn giải tỏa ức chế? Em muốn người ta chú ý đến em? Em muốn những con người đang trong cùng trạng thái "căm phẫn phụ huynh" sẽ vào tung hê em ư? Nếu nghĩ vậy, là em đã nhầm.
Tôi sợ rằng, một ngày nào đó, nếu em chỉ biết sống một cách ích kỷ, không biết hàm ơn như vậy, phần "con" trong em sẽ lấn át hết phần "người". Cô đơn không đáng sợ, nhưng cô độc là một cảm giác khiến con người ta thấy cuộc đời này chẳng còn gì luyến tiếc. Khi đó, em sẽ không còn sống một cách đúng nghĩa, mà chỉ tồn tại, vật vờ như cái bóng của chính mình.
Để tôi kể em nghe một câu chuyện. Mẹ bạn tôi trong một lần trời mưa đã bị điện giật. Và từ đó, bà bị tâm thần. Từ một người mẹ tần tảo hết lòng vì hai đứa con, giờ bà chỉ biết ngồi ở nhà, khóc cười vô cớ. Một lần bạn tôi đang ngủ, bà đã lấy kéo và cắt nham nhở mái tóc rất dài và đẹp của con. Sau lần ấy, bạn tôi đã ra tiệm cắt tóc, và trở về với mái đầu tém còn ngắn hơn cả tóc con trai. Tôi hỏi bạn có buồn không. Cô ấy cười, nói rằng vui lắm. Vì khi bạn tôi tỉnh dậy, mẹ cô đã vừa cười vừa nói "Tóc con dài rồi, để mẹ cắt cho". Và cô ấy chỉ biết ôm mẹ khóc nức nở. Ngày xưa khi còn bé, nhà nghèo, bà vẫn thường tự tay cắt tóc cho cô...
Một người bạn khác của tôi, bà cô ấy bị mắc chứng Alzheimer (chứng bệnh mất trí của người già). Bà chẳng thể nhớ nổi mình có mấy đứa con, thậm chí cho bà ăn rồi bà vẫn nói là chưa ăn. Mỗi lần về nhà, là mỗi lần bạn tôi được thay tên đổi họ. Bà không nhận ra cô ấy, bà mắng chửi khi "có con bé lạ hoắc cứ đòi ôm tao". Nhưng cô ấy vẫn không ghét, không giận bà. Vì với bạn tôi, bà mãi là bà tiên hiền từ đã dạy dỗ, đã giúp cô ấy lớn lên với những câu chuyện cổ tích xa xưa, với lời ru êm đềm sớm tối.
Ai đó đã kể cho tôi một câu chuyện cảm động, mà tôi vẫn nhớ mãi đến tận bây giờ. Khi người mẹ sai con mình làm việc này việc nọ, đứa con đã viết ra cả một danh sách: Lau nhà (10K), dọn phòng (50K), nấu cơm (30K), đấm lưng cho mẹ (40K)... và đưa cho mẹ mình, mẹ đồng ý trả tiền thì mới chịu làm. Thế là người mẹ im lặng ngồi viết. Bà viết dài thật dài, kín đến vài trang giấy. Và khi đưa cho con đọc, đứa con đã òa khóc: Mang con bên mình trong suốt 9 tháng (miễn phí), đẻ và chăm bẵm con từng ngày (miễn phí), cho con ăn (miễn phí), tắm cho con (miễn phí), chăm con ốm (miễn phí)... Có lẽ em còn quá nhỏ để hiểu được câu ca dao "Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể/ Con nuôi cha mẹ, con kể từng ngày". Bố mẹ yêu em như thế, hy sinh cả cuộc đời cho em như thế? Em đã làm gì để báo đáp được cha mẹ? Hay chỉ biết trách cha mẹ mình bằng cách thiếu suy nghĩ và hàm hồ nhất trên đời?
Có lẽ em chưa từng đến trại trẻ mồ côi hay những ngôi chùa nhận nuôi trẻ em lang thang, cơ nhỡ. Ánh mắt của chúng sẽ lấp lánh như sao nếu như em cho chúng một gói kẹo; và chúng sẽ bám dính lấy em không rời nếu như em hát cho chúng nghe, yêu thương và quan tâm đến chúng. Những đứa trẻ ấy, không có bố mẹ đâu. Sẽ rất khó để chúng được ai đó tốt bụng nhận nuôi, và có cơ hội được bật ra tiếng gọi bố, gọi mẹ. Em thực sự rất may mắn và hạnh phúc. Nhưng đáng tiếc, em lại từ chối nó...
Tôi chưa cần em phải hiểu và tin vào luật Nhân - Quả. Nhưng em thử một lần trả lời câu hỏi này xem: Em sẽ thấy sao khi sau này, con em cũng sẽ nghĩ và viết về em như thế?
Bố mẹ, ông bà chẳng ở với em mãi. Liệu em đã bao giờ nghĩ đến, và thấy sợ hãi, khi một ngày kia, họ không còn bên em nữa? Tôi thì thực sự rất, rất sợ. Em à, nhờ ai em có mặt trên đời?
Theo Summer Breeze
Hoa học trò