Tại Bến Phú Định (quận 8), nước ngập lai láng trên đường, nhiều khu vực ngập sâu hơn nửa mét. Hàng loạt ô tô, xe hai bánh chết máy. Hàng trăm người bì bõm dắt xe dò dẫm giữa biển nước mênh mông, không còn phân biệt được đâu là đường, đâu là sông.
Nước sông dâng cao, tràn vào nhà dân hai bên đường. Nhiều hộ dân đắp bao cát trước cửa chắn nước nhưng vẫn không ngăn được những đợt sóng lớn phát sinh mỗi khi xe tải vọt qua.
Có hộ phải tát nước hoặc vận hành máy bơm hút nước ra khỏi nhà. Các công ty, xí nghiệp cũng phải kê hàng hóa lên cao để tránh bị thiệt hại do đợt mưa lớn này.
Vợ chồng tôi trực chiến từ chiều đến tối để tát nước. Tát ra hết thì nước lại tràn vào nhà. Cực hết biết
Ông Nguyễn Xuân Hải (54 tuổi, ngụ 361/23 Hồ Học Lãm, quận Bình Tân) nói: "Vợ chồng tôi trực chiến từ chiều tới giờ để tát nước. Tát ra hết thì nước lại tràn vào nhà. Cực hết biết".Các tuyến đường Lê Cơ (Q.Bình Tân), An Dương Vương (phường 16, Q.8)… nhiều đoạn bị ngập rất sâu.
Đặc biệt, đại lộ Võ Văn Kiệt (đoạn từ chân cầu Lò Gốm đến ngã tư Hồ Ngọc Lãm) vừa mới thông xe hơn một năm cũng bị ngập lênh láng khiến cuộc sống, sinh hoạt của các hộ dân bị đảo lộn.
Một số hộ dân bức xúc cho biết, tuyến đường An Dương Vương (thuộc phường 16, Q.8) dù mưa to hay nhỏ, có triều cường hay không vẫn bị ngập, đặc biệt là đoạn gần khu dân cư Lê Thành.
Đường bị ngập do không có hệ thống thoát nước, mặt đường lại quá thấp. Tiếp xúc cử tri, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cam kết sẽ thi công lắp đặt hệ thống thoát nước đường An Dương Vương nhưng hết năm này sang năm khác vẫn chưa thực hiện.
Trao đổi với Tiền Phong, đại diện Trung tâm chống ngập nước TPHCM cho biết một số tuyến đường trong lưu vực kênh Tân Hóa- Lò Gốm bị ngập nước thường xuyên khi có mưa.
Nguyên nhân là do dự án thành phần 4 “Cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm” đang triển khai thi công gói thầu xây lắp số 1, số 2 và số 3 đã cho lấp kênh, thay thế bằng cống hộp.
Tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm có nhiệm vụ thoát nước cho lưu vực khoảng 1.446 ha nhưng đơn vị thi công chỉ dẫn dòng thi công bằng cống tròn đường kính 1.200mm không đảm bảo thoát nước cho khu vực.
Vừa qua, UBND TPHCM đã có nhiều văn bản chỉ đạo chủ đầu tư và nhà thi công khắc phục song tình trạng ngập úng vẫn tiếp tục xảy ra.
Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, đỉnh triều cường đo tại trạm Phú An (sông Sài Gòn) vào tối 16-9 đạt 1,34m, xấp xỉ mức báo động II.
Trong những ngày tới, triều cường có khả năng dâng cao hơn. Đến ngày 18 -9, đỉnh triều sẽ lên mức 1,43m (trên mức báo động II).
Trong khi đó, thời tiết khu vực Nam bộ chịu ảnh hưởng bởi dải hội tụ nhiệt đới đi qua giữa Nam Trung bộ và Trung Trung bộ nối với vùng thấp ở giữa biển Đông và cơn bão Sanba.
Vì vậy, thời tiết khu vực này tiếp tục xấu, có mưa rào và dông, rải rác mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to. Nhiều khả năng triều cường ở TPHCM sẽ dâng cao hơn so với dự báo nếu xuất hiện mưa to, gió mạnh.
Các quận có địa hình thấp như 12, Bình Thạnh, Thủ Đức, Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn cần chủ động ứng phó triều cường.