Nhiều nước trong khu vực phát triển đội tàu ngầm

TP - Hai yếu tố then chốt sẽ định hình các vấn đề an ninh tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương là việc Trung Quốc thay đổi chiến thuật tranh chấp biển tại biển Đông và nhiều quốc gia phát triển vững chắc đội tàu ngầm, Defense News (Mỹ) mới đây dẫn nhận định của cựu Tư lệnh Hải quân Nhật Bản Yoji Koda.
Tàu ngầm lớp Kilo đang thử nghiệm ở St. Petersburg, Nga - Ảnh: RIA Novosti

Vấn đề trọng yếu nằm ở chỗ các nước ASEAN (cả nước có yêu sách và nước không yêu sách chủ quyền trên biển Đông) sẽ điều chỉnh phản ứng ra sao trước chiến lược của Trung Quốc là tăng cường thay đổi hiện trạng trên biển, đồng thời gắn kết chặt chẽ hơn về kinh tế với Đông Nam Á. Phán quyết của tòa án trọng tài quốc tế về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc cũng sẽ tác động vấn đề.

Hãng xếp hạng tài chính Standard & Poor’s (Mỹ) nhận định, căng thẳng biển Đông và khủng hoảng Ukraine sẽ vẫn là những rủi ro địa chính trị lớn nhất trong năm 2015. Sức mạnh chính trị và kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc tiếp tục phủ bóng lên mối quan hệ quyền lực đang lên đối với một số nước láng giềng. Bắc Kinh có thể tiếp tục các hoạt động thăm dò phi pháp mới tại biển Đông; tranh chấp lãnh thổ trong khu vực có khả năng tiếp tục kéo dài quan hệ căng thẳng với một số nước láng giềng.

Theo cựu Tư lệnh Hải quân Nhật Koda, rõ ràng Trung Quốc tỏ ra ngày càng hung hăng trong 8 tháng đầu năm 2014. Nhưng sang tháng 9/2014, Bắc Kinh có vẻ thay đổi thái độ, từ bỏ chiến thuật nặng tay hơn. Một trong những lý do có thể là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn làm dịu căng thẳng tình hình biển Đông trước Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2015 sẽ được tổ chức tại Philippines.

Trung Quốc đã sử dụng các cuộc đàm phán xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) để làm dịu bớt sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế đối với nước này. Trong khi đó, mục tiêu thực sự của Trung Quốc vẫn không rõ ràng, cách tiếp cận mới của họ tiếp tục khuấy động biển Đông.

Có nhiều cách phản ứng khác nhau đối với hành động của Trung Quốc, nhưng một số chỉ báo cho thấy, nhờ những hành động mới đây của Trung Quốc trên biển Đông, các nước trong khu vực bắt đầu thu hẹp quan điểm khác biệt trong đàm phán COC, ông Koda nhận định.

Một yếu tố chuyển hướng chiến lược khác là phản ứng của khu vực trước tham vọng xây dựng hải quân của Trung Quốc. Nhiều chương trình phát triển đội tàu ngầm đang được tiến hành.

Indonesia vừa khởi động chương trình với 2 tàu ngầm Type-209 mua của Hàn Quốc và lên kế hoạch sắm thêm 12 tàu tới năm 2020.

Hải quân Malaysia đang vận hành hai tàu ngầm lớp Scorpene do Pháp và Tây Ban Nha chế tạo, trong khi Singapore sở hữu 6 tàu ngầm Thụy Điển sản xuất. Theo Defense News, những đội tàu ngầm của hải quân các nước trong khu vực sẽ tạo lực cản mạnh mẽ đối với lực lượng tàu mặt nước, nhất là kế hoạch triển khai nhóm tàu sân bay chiến đấu ở biển Đông trong tương lai.