Nhiều nơi vẫn còn hóa chất siêu độc PCB

TP - Dự án Quản lý PCB Việt Nam của Bộ TN&MT hôm qua tổng kết dự án. Theo đó, nhiều nơi trên cả nước đang còn lưu giữ PCB - hóa chất siêu độc chỉ sau dioxin, có khả năng gây ung thư và nhiều bệnh nguy hiểm khác. Tại Nhà máy nước Thủ Đức (TPHCM), hàm lượng PCB trong dầu thải rất cao.
Một số lượng lớn dầu chứa PCB đang được lưu giữ tại Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Hoài

Các tỉnh phía Bắc có tỷ lệ mẫu nhiễm PCB cao

PCB là hóa chất được sử dụng nhiều trong các thiết bị điện như tụ điện, máy biến áp, có độc tính rất cao (độc chỉ kém 10 lần loại dioxin độc nhất), từng gây ra những thảm họa tràn hóa chất, đã bị cấm sử dụng trên thế giới. Việt Nam không sản xuất PCB nhưng nhập khẩu các thiết bị máy móc chứa PCB trong giai đoạn 1960-1990. Hiện hóa chất siêu độc này vẫn đang tồn tại ở nhiều nơi trên cả nước.

Theo kết quả kiểm kê mới nhất của Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường Công nghiệp (Bộ Công Thương) tại 63 tỉnh, thành, trong số 93.846 thiết bị như máy biến áp, tụ điện, dầu lưu kho, dầu thải có hơn 36 nghìn thiết bị nghi nhiễm PCB. Đơn vị thực hiện kiểm kê đã lấy hơn 9.000 mẫu dầu từ máy biến áp, thiết bị công nghiệp và dầu lưu kho thì có khoảng 427 mẫu có PCB hơn 5ppm (ngưỡng cho phép theo quy chuẩn Việt Nam 07:2009/BTNMT là dưới 5ppm), trong đó nhiều mẫu có hàm lượng PCB vượt mức 500 ppm.

Riêng tại nhà máy nước Thủ Đức, TPHCM - điểm nóng về PCB của cả nước, hàm lượng PCB trong dầu thải rất cao. 171/187 mẫu dầu thải của nhà máy có hàm lượng PCB trên 500ppm. Các phân tích trước đó của dự án quản lý PCB Việt Nam cũng cho thấy hàm lượng PCB trong dầu được lưu giữ tại Nhà máy nước Thủ Đức rất cao, số lượng dầu tồn lưu nhiều, cần phải được xử lý.

Cũng theo kết quả kiểm kê, các tỉnh, thành phía Bắc có tỷ lệ mẫu nhiễm PCB cao vượt trội hơn các khu vực khác, nhất là ở Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Bắc Giang do đây là các tỉnh, thành có ngành công nghiệp phát triển sớm và nhiều nhất trong cả nước. Ở TPHCM cũng có nhiều mẫu dầu nhiễm PCB nhưng hàm lượng không quá cao từ 5 đến 50ppm. Tỉnh Lâm Đồng là một trường hợp gây chú ý với những cán bộ kiểm kê, vì đây không phải là thành phố công nghiệp lâu đời nhưng lại có nhiều mẫu dầu nhiễm PCB cao.

Năm 2017 xử lý một phần PCB

Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường Công nghiệp, Bộ Công Thương đang dự thảo kế hoạch hành động quốc gia quản lý PCB. Theo kế hoạch, Việt Nam sẽ hoàn thiện khung pháp lý cũng như xây dựng nguồn lực quản lý PCB, thống nhất phương án lưu giữ, vận chuyển và xử lý PCB: Đến 2017 sẽ tiến hành xử lý PCB nồng độ từ 50mg/kg trở lên đang được lưu giữ trong 2016; Tiếp đó, sẽ thay thế và chấm dứt sử dụng thiết bị chứa PCB trên 50 mg/kg; Trước 31/12/2018 sẽ tổ chức lưu giữ, thu gom, vận chuyển, xử lý 100% dầu, vật liệu và chất thải chứa PCB có nồng độ 50mg/kg trở lên đồng thời tái chế và xử lý thiết bị nhiễm dầu PCB. Xử lý và làm sạch các điểm ô nhiễm PCB trên toàn quốc... Giải pháp trước mắt là tập trung lưu giữ tạm thời an toàn với số PCB đang tồn lưu.

Những sự cố PCB trên thế giới

Năm 1999 ở Bỉ, 25 lít dầu máy biến thế có chất PCB đã chảy ra ở một khu vực thu gom chất thải tái chế làm thức ăn cho gia súc. Nước này phải chi phí hơn một tỷ USD để giải quyết hậu quả.

Năm 1968 tại Nhật Bản, 14.000 người bị ngộ độc hóa chất sau khi ăn phải dầu ăn chiết xuất từ cám của hãng Kanemi Soko. Dầu ăn này đã bị phơi nhiễm PCB thông qua bộ phận trao đổi nhiệt của dây chuyền sản xuất. 1.853 người bị phơi nhiễm rất nặng, gây ra các chứng bệnh mãn tính suốt đời. Nhiều gia đình ở vùng Fukuoka và Nagasaki mang các triệu chứng kỳ quái tập thể như chân tay run rẩy, da nổi chàm.

Năm 1979, một vụ ngộ độc tương tự xảy ra ở Đài Loan khiến 2.000 người bị ngộ độc sau khi ăn phải dầu cám bị nhiễm PCB.