Xét xử đại án OceanBank:

Nhiều ngân hàng vi phạm, chỉ xử hình sự OceanBank?

TP - Các luật sư cho rằng, trong thông tư quy định trần lãi suất đã thể hiện rõ nếu vi phạm chỉ bị xử lý hành chính. Ngoài ra, có hàng chục ngân hàng khác cũng chi lãi ngoài nhưng chỉ riêng OceanBank bị xử lý hình sự về việc này.
Đại diện đoàn giám định NHNN tại tòa.

Chỉ là vi phạm hành chính

Ngày 16/9, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử đại án kinh tế - tham nhũng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank). Tại tòa, luật sư Hoàng Văn Được bào chữa cho nhóm bị cáo là cán bộ hội sở, chi nhánh OceanBank bị cáo trạng quy kết chi lãi ngoài, góp phần gây thiệt hại 1.576 tỷ đồng nêu quan điểm số tiền này không phải thiệt hại trong vụ án. Theo luật sư Được, kết quả giám định không thể hiện nội dung số tiền ngoài huy động có vi phạm hay không và nếu có thì gây thiệt hại cho OceanBank bao nhiêu. Trong khi đó, trưởng đoàn giám định Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trả lời tại tòa rằng: “Đoàn giám định không có chức năng giám định thiệt hại… Trước khi trưng cầu giám định thì CQĐT xác định thiệt hại trước rồi”. Ông Được cho rằng giám định trong vụ án đã vi phạm nghiêm trọng luật giám định nên con số 1.576 tỷ đồng VKSND cho là thiệt hại của OceanBank không đúng.

Tiếp đó, luật sư Được phân tích hành vi chi lãi ngoài của các bị cáo là vi phạm Thông tư 02 của NHNN. Đây là thông tư quy định trần lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam năm 2011 là 14% nhưng trái với quy định của Bộ luật Dân sự: “Không vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do NHNN công bố” (ứng với 13,5%). Cũng theo ông  Được, Thông tư 02 do nguyên Thống đốc Nguyễn Văn Bình ký năm 2011 và sau đó là văn bản yêu cầu thực hiện do nguyên Thống đốc Nguyễn Văn Giàu ban hành đều thể hiện nếu vi phạm chỉ bị xử lý hành chính.

Ngân hàng khác cũng chi lãi ngoài

Tiếp đến, luật sư Được phân tích chính NHNN đã chỉ ra hàng chục ngân hàng khác OceanBank cũng chi lãi ngoài nhưng không bị xử lý hoặc chỉ bị xử lý hành chính như Chi nhánh Ngân hàng Đông Á tại Tây Ninh. Vì vậy, nếu tòa xử lý hình sự hơn 40 bị cáo là cán bộ OceanBank về hành vi chi lãi ngoài là vi phạm nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Trên cơ sở đó, luật sư Được đề nghị HĐXX tuyên các thân chủ mình không phạm tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” như cáo trạng quy kết.

Tương tự, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Minh Đạo - nguyên GĐ chi nhánh Hà Nội, luật sư Nguyễn Hồng Bách cho rằng, tội của thân chủ mình là làm giám đốc. Theo luật sư Bách, quy kết tội cho 34 lãnh đạo chi nhánh/phòng giao dịch và các Giám đốc khối của OceanBank là sự bất bình đẳng bởi ngoài OceanBank còn nhiều tổ chức tín dụng khác cũng tham gia vào việc chi lãi ngoài. “Nếu không có tiền gửi của khách hàng thì lấy đâu ra tiền cho vay, lấy đâu ra lợi nhuận và các chi phí khác… Lợi nhuận đó không được xem xét, còn cái phải chi ra để đem về lợi nhuận lại đang bị xem xét, đang được coi là thiệt hại” - Luật sư Bách nói.

Luật sư Bách cho rằng: “Tội của Nguyễn Minh Đạo là tội làm giám đốc. Không có cách nào để chứng minh Nguyễn Minh Đạo có tội khác vì ông ấy không nhận tiền, không chi tiền”. Luật sư Bách nói nếu chỉ nhìn nhận hành vi của các bị cáo vi phạm quy định của Thông tư 02 và coi họ như tội phạm là không ổn bởi: “Chúng ta vẫn thường thấy hàng ngày các hoạt động khuyến mãi, chăm sóc khách hàng. Ngồi ở đây chúng ta có thể nhận những tin nhắn tặng 50% giá trị nạp tiền nếu nạp tiền vào tài khoản, thậm chí có những khuyến mãi tặng khách hàng những chuyến bay 0 đồng, vậy phải chăng các hoạt động chi khuyến mãi của các doanh nghiệp là sai?”.

Tòa tiếp tục làm việc vào sáng mai (18/9).