Tại hội thảo đóng góp ý kiến Dự thảo Luật BHXH tiếp cận dưới góc độ quyền của lao động nữ, do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức, đa số các đại biểu cho rằng, Luật BHXH (sửa đổi) cần tạo điều kiện hỗ trợ nữ giới, rút ngắn khoảng cách trong thụ hưởng BHXH giữa phụ nữ và nam giới; nâng mức hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con…
Công nhân nữ sau 40 tuổi khó bám trụ
Bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TBXH) - nhận định, hiện nay luật BHXH chưa theo kịp thực tiễn đời sống xã hội. Chính sách an sinh chưa bao phủ hết nhiều nhóm đối tượng lao động.
Bà Hương cho rằng, Luật BHXH phải nhìn xa trên 20 năm sau, vì vậy cần có thêm nhiều chế độ ngắn hạn (ốm đau, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, thai sản) để kịp thời giúp lao động nữ không rút BHXH một lần khi khó khăn.
"Thời gian qua lao động nữ rút BHXH một lần cao hơn lao động nam, do đó, nếu không hỗ trợ kịp thời thì sau này tỷ lệ lao động nữ hưởng lương hưu thấp hơn lao động nam" bà Hương trăn trở.
Chị Trúc Ly, đại diện cho người lao động tại TPHCM chia sẻ, công nhân, người lao động ai cũng muốn được hưởng chế độ phúc lợi tốt và có lương hưu khi về già. Tuy nhiên hiện nay nhiều người còn chưa thấy được quyền lợi của mình khi tham gia BHXH.
Đa số hiện nay những công nhân nữ chỉ làm việc đến 45, 50 tuổi đã rời nhà máy vì sức khỏe yếu, sản lượng công việc thấp… nên họ không thể bám trụ lại thành phố để tiếp tục làm việc và tham gia BHXH.
Do đó họ đều chọn rút BHXH một lần để về quê trang trải cuộc sống và kinh doanh nhỏ.
"Số đông đồng nghiệp của tôi cho rằng, họ không thể làm việc đến đủ tuổi để về hưu mà họ muốn về quê trước 50 tuổi. Ngoài ra, họ cũng chưa hiểu rõ về chính sách bảo hiểm, chưa thấy những quyền lợi của mình trong khi chỉ thấy thủ tục hành chính để hưởng các chế độ còn phức tạp", chị Ly cho hay.
Các đại biểu là chủ tịch các công đoàn cơ sở cũng cho rằng, do thu nhập quá thấp không có tích lũy nên nhiều lao động nữ chọn nghỉ việc để rút BHXH một lần.
Nới rộng chế độ thai sản để đảm bảo an sinh
Ông Đinh Sỹ Phúc - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TKG TaeKwang Vina (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP Biên Hòa) - cho biết, công ty hiện có hơn có 33.000 lao động, 86% là nữ.
Tuy nhiên, thời gian qua nhiều lao động nữ chỉ đóng BHXH được 4 hoặc 5 tháng trước khi sinh con nên theo luật thì họ không được hưởng các chế độ thai sản.
"Tôi kiến nghị lao động nữ đóng BHXH không đủ 6 tháng trước khi sinh con sẽ được hưởng chế độ thai sản theo số tháng đóng, như vậy mới hỗ trợ họ trong giai đoạn khó khăn", ông Phúc nêu ý kiến.
Ông Trần Văn Triều - Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật LĐLĐ TPHCM - cũng nêu rõ, Luật BHXH hiện nay đang còn bất cập trong quy định về vấn đề lao động nữ đi làm sớm hơn so với thời gian được nghỉ hưởng chế độ thai sản.
"Luật BHXH quy định lao động nữ được hưởng chế độ thai sản trong 6 tháng. Thời gian nghỉ thai sản được ghi nhận là thời gian tham gia BHXH. Nếu buộc lao động đóng BHXH từ 4 tháng tức là phát sinh thời gian đóng trùng BHXH vì vậy rất thiệt thòi cho lao động nữ", ông Triều dẫn chứng.
Link gốc: https://dantri.com.vn/an-sinh/nhieu-lao-dong-nu-muon-roi-nha-may-ve-que-truoc-50-tuoi-20240329234840770.htm