Theo báo cáo mới công bố của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), năm 2021, TPHCM và 5 tỉnh Đông Nam bộ có thể tăng trưởng âm. Hai trung tâm sản xuất lớn của vùng và cả nước là TPHCM và Bình Dương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh. Hoạt động của khoảng 80% doanh nghiệp trong vùng bị ngưng trệ, tình trạng người thất nghiệp, người lao động di cư về các địa phương gia tăng.
Địa phương có cơ cấu kinh tế lớn phụ thuộc vào nhóm ngành dịch vụ như TPHCM gặp khó khăn do giãn cách xã hội kéo dài, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đóng băng. Ngày 17/9, đại diện Cục Thống kê TPHCM cho biết do bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn lũy kế 8 tháng năm 2021 là 255.687 tỷ đồng, đạt hơn 70% dự toán và tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Mới đây, UBND TPHCM kiến nghị Trung ương xem xét hỗ trợ cho ngân sách TPHCM gần 28 nghìn tỷ đồng để chăm lo cho gần 1,6 triệu hộ nghèo gặp khó khăn trong thời gian giãn cách xã hội. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng đề nghị TPHCM chủ động sắp xếp ngân sách địa phương và có các giải pháp huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ người dân.
Chia sẻ tại hội nghị trực tuyến vừa qua do Bộ KH&ĐT tổ chức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, tổng thu ngân sách năm 2021 của TPHCM dự báo khó đạt 100% dự toán. Tháng 8/2021, số thu ngân sách bình quân của thành phố chỉ đạt 800 tỷ đồng/ngày, và tiếp tục xu hướng giảm trong tháng 9/2021. Trong khi đó, trước dịch, TPHCM thu ngân sách bình quân 1.400 tỷ đồng/ ngày.
Ông Hoan cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, TPHCM tính tới phương án giảm chi đầu tư để ưu tiên vốn ngân sách cho công tác phòng chống dịch.
“TPHCM ước tính cần khoảng 8 tỷ USD và từ 6-9 tháng để phục hồi kinh tế”, ông Hoan nhấn mạnh. Lãnh đạo TPHCM đề xuất Chính phủ lập tổ công tác đặc biệt phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, không chỉ khu vực phía Nam, mà nhiều địa phương trên cả nước cũng khó đạt các chỉ tiêu kinh tế đề ra. Trong đó, có một số chỉ tiêu quan trọng như tốc độ tăng trưởng, tổng kim ngạch xuất khẩu, thu ngân sách...
Cũng là địa phương chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, Hà Nội dự kiến năm nay tăng trưởng khoảng 4,54% (kịch bản cơ sở). Năm 2021, thu ngân sách trên địa bàn Hà Nội dự kiến "hụt" hơn 11,5 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch 251 nghìn tỷ đồng đề ra.
Đại diện Sở Tài chính thành phố Hà Nội cho biết thêm, Sở đã tham mưu cho UBND thành phố kế hoạch phân bổ kinh phí hợp lý trên tinh thần cắt giảm, tiết kiệm chi thường xuyên theo Nghị quyết số 58/NQ-CP để bổ sung dự phòng ngân sách địa phương và tập trung cho công tác phòng chống dịch COVID-19. Tuy nhiên,"Về cơ bản thành phố đảm bảo nguồn thu và chi cho công tác chống dịch, đầu tư phát triển, các nhiệm vụ an ninh, quốc phòng và hoạt động quan trọng, cấp bách của thành phố", đại diện Sở Tài chính Hà Nội khẳng định.
Tại khu vực miền Trung, dịch bệnh cũng tác động tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng của nhiều địa phương. Tám tháng đầu năm 2021, Đà Nẵng, Khánh Hòa mới thu đạt 67% dự toán thu ngân sách năm 2021, thấp hơn bình quân cả nước (77%).