Đánh giá về công tác thoát nước mùa mưa năm 2024, ông Trịnh Ngọc Sơn, Phó Tổng Giám đốc Cty Thoát nước Hà Nội cho biết, Cty đang chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ lưu vực sông Tô Lịch (thuộc các quận trung tâm) và phần khu vực Hà Đông, Nam Bắc Từ Liêm và quận Long Biên.
“Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, nên năm nay thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với tình hình nắng nóng gay gắt, kèm theo đó là những trận mưa lớn bất thường, khốc liệt không theo quy luật, thậm chí là xảy ra cả mưa đá”, ông Sơn nói.
Với hạ tầng thoát nước tại các quận trung tâm, ông Sơn cho biết, về cơ bản hạ tầng thoát nước khu vực trung tâm đã được đầu tư cải tạo theo dự án thoát nước giai đoạn 1 và 2, tuy nhiên đến nay sau nhiều năm đưa vào sử dụng và sự thay đổi của thời tiết, hệ thống hạ tầng thoát nước hiện chỉ đáp ứng được các trận mưa có cường độ 50mm/h.
Với các trận mưa có lượng mưa 50-70mm/h, hạ tầng thành phố sẽ quá tải và xuất hiện 11 điểm úng ngập; trận mưa có lượng mưa trên 70mm/h hoặc mưa có cường độ cao, tập trung trong thời gian ngắn địa bàn thành phố có 30 điểm ngập úng.
Công trường thi công cản trở thoát nước
Theo ông Sơn, hiện nay, công tác thoát nước, phòng chống úng ngập của thành phố còn nhiều khó khăn do những thay đổi bất thường, tiêu cực của thời tiết. Cùng với đó, hệ thống hạ tầng thoát nước thành phố mới có lưu vực sông Tô Lịch được cải tạo cơ bản, đáp ứng lượng mưa 310mm/2 ngày (50mm/h); còn lại các lưu vực khác chưa được cải tạo, xây dựng theo quy hoạch, nhất là thiếu các trạm bơm đầu mối nên việc thoát nước hầu hết là tự chảy, gây áp lực lớn cho hạ tầng thoát nước.
Từ thực tế này, ông Sơn cho biết, Cty đã xây dựng kế hoạch trong đó có đưa ra một số giải pháp để giảm úng ngập, hạn chế ảnh hưởng đến cuộc sống, đi lại của người dân.
Cụ thể, Cty đang tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, theo dõi tình hình thời tiết, xây dựng kịch bản với các tình huống cụ thể; thực hiện duy trì thường xuyên hệ thống cống, rãnh mương, sông, hồ điều hòa đồng bộ theo lưu vực gắn với các trọng điểm úng ngập; triển khai thực hiện các công trình cải tạo, sửa chữa, chống úng ngập cục bộ và khắc phục các tồn tại, sự cố trên đường.
Trả lời ý kiến của PV Tiền Phong về nguyên nhân ngập nặng và thường kéo dài hơn các khu vực khác như tại quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, ông Sơn cho biết, hiện các khu vực này nằm ở phía Tây Nam thành phố và dự án thoát nước giai đoạn 1 và 2 chưa vươn đến được.
“Để giảm úng ngập cho các khu vực này hiện thành phố đang thực hiện các dự án thoát nước bổ sung như xây dựng trạm bơm Yên Nghĩa, nâng cấp trạm bơm Đồng Bông 1, Đồng Bông 2...” – ông Sơn nói.
Cùng với đó Sơn cũng cho biết, nguyên nhân ngập tại các khu vực trên, còn có nguyên nhân nhiều dự án hạ tầng lớn đang thi công chậm tiến độ, việc này đã gây ảnh hưởng đến dòng chảy, công suất thoát nước của mương cống và gây ngập.