Nhiều công trình chống ùn tắc nằm trên giấy: Hà Nội phải làm thay Bộ GTVT

TP - Để chống ùn tắc tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho Bộ GTVT triển khai nhiều dự án mang tính chất cấp bách trên địa bàn Thủ đô. Tuy nhiên, nhiều công trình đến nay vẫn nằm trên giấy. Nhằm tháo gỡ khó khăn này, Bộ GTVT vừa đồng ý để thành phố Hà Nội tìm nguồn vốn thực hiện một số dự án trên.
Nút giao thông Lê Văn Lương - Vành đai 3 ùn tắc như nêm, trong khi dự án hầm chui tại đây bị cắt vốn do triển khai chậm. Ảnh: Anh Trọng.

Chậm triển khai, dự án bị cắt vốn ODA

Là một trong những hạng mục của dự án đường vành đai 3, theo tiến độ hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3 lẽ ra đã hoàn thành, gỡ thêm một nút ùn tắc tại cửa ngõ phía Tây, tuy nhiên đến nay dự án vẫn nằm trên giấy. Được thực hiện bằng vốn ODA (vốn ưu đãi hoặc không lãi suất) của chính phủ Nhật Bản, đến nay đường vành đai 3 cả dưới thấp và trên cao đã đi vào hoạt động được gần 10 năm nhưng dự án nói trên vẫn án binh bất động. Theo tìm hiểu của chúng tôi, do triển khai chậm nên thời gian cấp vốn ODA cho công trình hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3 hết hiệu lực, dẫn đến dự án không còn kinh phí để triển khai.

Cùng với đó, theo danh sách các dự án thuộc nhóm cấp bách được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận để Bộ GTVT triển khai nhằm giảm ùn tắc giao thông cho Thủ đô còn có các công trình cầu Mễ Sở (vành đai 4), hoàn thiện nút giao Pháp Vân (nối vành đai 3 với cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ)... Tuy nhiên đến nay các dự án này cũng vẫn nằm trên giấy. Để tiếp tục thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ và giải quyết tình trạng ùn tắc trên địa bàn hiện nay, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội vừa đưa ra đề xuất, nếu Bộ GTVT chưa cân đối, bố trí được nguồn vốn thực hiện các dự án trên, thành phố đề nghị bộ thống nhất giao lại cho thành phố thực hiện.

Liên quan đến các nội dung trên, đại diện Bộ GTVT cũng vừa cho biết, đối với dự án hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3, Bộ GTVT vừa có văn bản gửi lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, đồng ý để thành phố đầu tư nút giao này bằng nguồn vốn tự huy động. Với dự án cầu Mễ Sở, đại diện Bộ GTVT cho rằng, bộ đã nghiên cứu đầu tư theo hình thức BOT với kinh phí khoảng 4.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, nhà đầu tư chưa thể triển khai nên chưa xác định tiến độ thời gian hoàn thành công trình. Tại nút giao Pháp Vân, đại diện Bộ GTVT cho biết, hiện dự án cải tạo, mở rộng tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đang được thực hiện theo hình thức BOT, Bộ cũng vừa nhận được đề nghị của Tổng cục Đường bộ cho phép ghép nút giao này với dự án cải tạo cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ để nhà đầu tư thực hiện cải tạo, mở rộng đồng bộ. Kinh phí đầu tư nút giao được huy động bằng cách cho nhà đầu tư kéo dài thời gian thu phí trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Đường vành đai 3 đi dưới thấp đoạn qua hồ Linh Đàm (đường mũi tên) được đề xuất xây cầu vượt.

Thêm hai cầu vượt, đường dẫn tiếp cận Vành đai 3

Để giải quyết ùn tắc tại khu vực Linh Đàm và nút giao Giải Phóng - Nguyễn Hữu Thọ, UBND thành phố Hà Nội cũng vừa có tờ trình thường trực Hội đồng nhân dân thành phố xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường nối tiếp vành đai 3 đi dưới thấp đoạn qua hồ Linh Đàm và nhánh kết nối tiếp cận với đường vành đai 3.

Lý giải đề xuất này, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, đường vành đai 3 là trục đô thị chính, có vai trò quan trọng trong phân phối giao thông Thủ đô từ khu vực phía Tây sang phía Nam và ngược lại. Hiện nay, tuyến đường còn đoạn dưới thấp qua hồ Linh Đàm có chiều dài khoảng 560m chưa được đầu tư để kết nối với đường Giải Phóng và nút giao Pháp Vân. Do vậy phương tiện từ phía Tây muốn sang cửa ngõ phía Nam và ngược lại phải đi vòng theo đường ven hồ Linh Đàm.

Đây là nguyên nhân dẫn đến đường nút giao thông Nguyễn Hữu Thọ - Giải Phóng và các tuyến đường dẫn vào khu vực Linh Đàm như Nguyễn Hữu Thọ, Linh Đường, Hoàng Liệt thường xuyên ùn tắc kéo dài. Cùng với đó, khu vực hồ Linh Đàm đang tập trung rất nhiều khu dân cư, khu đô thị nên nhu cầu đi lại, tiếp cận để lên xuống đường trên cao là rất lớn. Tuy nhiên, tại đây lại chưa có nhánh tiếp cận nên hiện nay phương tiện phải đi vòng ra nút giao thông Pháp Vân hoặc Thanh Xuân để lên xuống đường trên cao, khiến các nút này đã quá tải càng thêm quá tải.

Xuất phát từ thực tế trên, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội đề xuất xây dựng 2 cầu vượt hồ Linh Đàm đi dưới thấp, mỗi cầu rộng 13m, chiều dài khoảng 660m để nối với nút giao Pháp Vân. Cùng với đó bố trí 2 nhánh kết nối với đường trên cao vành đai 3 có chiều rộng 7m (1 nhánh lên theo hướng từ Thanh Xuân đi Pháp Vân và 1 nhánh xuống theo hướng từ Pháp Vân đi Thanh Xuân). Dự án có mức tổng đầu tư được dự toán hơn 480 tỷ đồng. Do có vai trò cấp bách nên lãnh đạo UBND thành phố đề xuất được thực hiện ngay từ nay đến năm 2018, bằng nguồn vốn ngân sách thành phố.