Nhất thể hóa giúp bộ máy tinh gọn, hiệu quả

TP - Ông Hoàng Đăng Quang, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình cho rằng, để đổi mới hệ thống chính trị, Bộ Chính trị, Ban Tổ chức Trung ương cần có đề án thực hiện nhất thể hóa một số chức danh của Đảng với Nhà nước, vốn có vị trí, chức năng nhiệm vụ khá tương đồng với nhau. Như thế, vừa giảm được biên chế, vừa xây dựng được bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả hơn.
Huyện Tiên Yên là một trong những đơn vị đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh thực hiện thí điểm Bí thư kiêm chủ tịch huyện; Trưởng Ban tổ chức kiêm Trưởng phòng Nội vụ; Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra kiêm Chánh thanh tra.

Nhất thể hóa để đổi mới hệ thống chính trị

Để tổ chức bộ máy thoát khỏi cảnh cồng kềnh, chức năng nhiệm vụ chồng chéo, nhiều ý kiến cho rằng cần thực hiện nhất thể hóa một số chức danh lãnh đạo ở cơ quan Đảng với chính quyền, ông nhìn nhận thế nào về vấn đề trên?

Đúng là hiện nay bộ máy của chúng ta còn rất cồng kềnh, đội ngũ biên chế còn phình ra. Vì thế, theo tôi Bộ Chính trị, Ban Tổ chức Trung ương (T.Ư) cần chỉ đạo quyết liệt, có đề án cụ thể về đổi mới hệ thống chính trị từ T.Ư đến cơ sở. Trong đó có những giải pháp mạnh mẽ như nhất thể hóa một số mô hình của cấp ủy Đảng với Nhà nước. Ví dụ như đồng chí Trưởng Ban Tổ chức cấp ủy nên kiêm luôn Giám đốc Sở Nội vụ; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy kiêm Chánh Thanh tra; Trưởng Ban Tuyên giáo kiêm Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc kiêm luôn Trưởng Ban Dân vận… Việc nhất thể hóa này là hoàn toàn phù hợp, bởi những tổ chức, cơ quan trên có chức năng, nhiệm vụ khá tương đồng với nhau. Khi thực hiện nhất thể hóa thì không những giải quyết được vấn đề cán bộ, mà còn quyết được những bất cập về bộ máy, biên chế theo hướng tinh gọn, hiệu quả hơn. Đây cũng là giải pháp quan trọng nâng cao sức chiến đấu của Đảng, góp phần đổi mới hệ thống chính trị.

Vậy việc thí điểm thực hiện nhất thể hóa ở Quảng Bình hiện nay như thế nào, tỉnh có dự định áp dụng một cách rộng rãi hơn không?

Hiện nay chúng tôi mới chỉ thực hiện thí điểm ở một vài địa phương, theo chủ trương của T.Ư như là Bí thư kiêm Chủ tịch UBND cấp xã. Còn thực hiện nhất thể hóa Bí thư kiêm Chủ tịch huyện, hoặc trưởng Ban Đảng kiêm giám đốc Sở… như Quảng Ninh thì chúng tôi chưa thực hiện. Tuy nhiên, thông qua bài học của Quảng Ninh sắp tới chúng tôi sẽ thực hiện thí điểm ở một vài địa phương nữa. Thực tế qua thí điểm ở một vài cấp xã chúng tôi thấy rất thuận lợi. Tôi cho rằng đây là mô hình cần được phát huy và nhân rộng. Đồng chí Bí thư nếu kiêm thêm chức Chủ tịch UBND thì sẽ giải quyết kịp thời công việc hơn; đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống nhanh và hiệu quả hơn.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Hoàng Đăng Quang.

Rõ trách nhiệm của người đứng đầu

Vừa qua, Quảng Bình đã thực hiện cụ thể hóa quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, vậy theo ông ở cấp T.Ư có nên ban hành quy định tương tự để đại biểu có thể dễ dàng quy trách nhiệm cho các bộ trưởng, trưởng ngành và người đứng đầu khi để xảy ra những vụ việc phức tạp trong quản lý?

Để tiếp tục đổi mới công tác cán bộ theo tôi cần phải có những quy định cụ thể, chế định cụ thể về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cũng như cấp phó của người đứng đầu trong quá trình thực thi chính sách, nhiệm vụ được giao. Đây là một vấn đề hết sức quan trọng nhằm cụ thể hóa đường lối lãnh đạo của Đảng ta, đồng thời siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong đội ngũ lãnh đạo.

“Thực tế qua thí điểm ở một vài cấp xã chúng tôi thấy rất thuận lợi. Tôi cho rằng đây là mô hình cần được phát huy và nhân rộng”. 

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Hoàng Đăng Quang

Thực tiễn quá trình ban hành và thực hiện quy định trên ở Quảng Bình cho thấy, đây là một thể chế quan trọng. Nó không chỉ tạo thuận lợi cho cá nhân người đứng đầu tỉnh ủy (bí thư tỉnh ủy), mà còn tạo thuận lợi cho cả tập thể ban thường vụ, nhất là trong việc xem xét, đánh giá và xử lý cán bộ khi có vi phạm.

Thực tế cho thấy, trước đây khi chúng tôi chưa ban hành quy định trên thì việc quy trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu là rất khó, vì những quy định xử lý trách nhiệm trong bộ máy, tổ chức rất chung chung. Nhưng với việc ban hành quy định cụ thể thì khi xảy ra vụ việc nào là chúng tôi xử lý được ngay, chứ không còn gặp vướng mắc gì nữa.

Vì thế, theo tôi ngay từ đầu nhiệm kỳ này, Ban Tổ chức T.Ư cần tham mưu cho Bộ Chính trị để có đề án, hướng dẫn cụ thể về quy định trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu và cấp phó để thực hiện cả ở cấp T.Ư lẫn địa phương. Đây chính là biện pháp nhằm hướng đến mục tiêu đổi mới công tác cán bộ, góp phần đổi mới hệ thống chính trị mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã xác định.

Quy định về trách nhiệm người đứng đầu sẽ tạo thuận lợi gì cho các đại biểu QH trong việc đánh giá, cũng như đưa ra những quyết định đúng đắn trong việc bầu nhân sự, hay như lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do QH bầu và phê chuẩn, thưa ông?

Nếu T.Ư có quy định cụ thể về trách nhiệm cũng như xử lý trách nhiệm của người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu, thì việc củng cố kiện toàn nhân sự sẽ rất thuận tiện. Bởi với quy định đó thì trách nhiệm của người đứng đầu sẽ rõ ràng, cụ thể hơn, chứ không còn chung chung nữa. Cụ thể, sau một thời gian triển khai, đến nay chúng tôi đã xử lý một đồng chí Bí thư cấp xã, một đồng chí Trưởng phòng của một sở; một đồng chí Trưởng đại diện của Ban Quản lý khu kinh tế; cho thôi một phó ngành cấp tỉnh. Khi xử lý thì tình hình đội ngũ cán bộ làm việc nghiêm túc, trách nhiệm và hiệu quả cũng rõ ràng hơn. Đặc biệt qua thực hiện, tất cả cán bộ đều phải tự nhìn lại mình, soi lại mình để quyết tâm phấn đấu cao hơn, hoàn thành tốt công việc được giao.

Ngoài ra, quy định rõ về trách nhiệm của người đứng đầu cũng giúp QH, đại biểu QH nhận xét đánh giá người đứng đầu dễ hơn, thuận hơn. Thông qua đó sẽ giám sát một cách hiệu quả, cũng như đưa ra quyết định lựa chọn nhân sự đúng đắn. Bên cạnh đó, việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm cũng sẽ hiệu quả, chính xác hơn.

Cảm ơn ông.

Ủy viên Thường trực ủy ban Tư pháp Đỗ Văn Đương:

Không nên quá lo ngại độc đoán, chuyên quyền

Hiện biên chế Nhà nước đang quá nhiều. Muốn tinh giản được biên chế Nhà nước thì phải nhất thể hóa. Nếu không sẽ không có nguồn lực đủ chi cho bộ máy Nhà nước, khó mà phát triển được. Ví như bên Lào, người ta đã thực hiện nhất thể hóa và góp phần giảm bớt tầng lớp trung gian đi. Một ông chỉ đạo một ông thực hiện luôn, chứ một ông đứng ngoài sân chỉ đạo ông trọng tài là không được. Nhiều khi còn bị tuýt còi ngược lại khiến chính sách thực thi vào cuộc sống kéo dài, thậm chí còn tình trạng nói một đằng làm một nẻo.

Ngoài ra cũng không nên quá lo ngại việc nhất thể hóa khiến quyền lực tập trung quá vào một người dẫn đến độc đoán chuyên quyền. Vì tổ chức bộ máy nhà nước ta bao giờ cũng có sự kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan, rồi có sự kiểm soát giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp, chứ không phải một người mà muốn làm gì thì làm được đâu. Ví dụ phía UBND muốn làm gì bao giờ cũng phải nhìn sang Tư pháp, pháp luật xem có phản ứng gì không. Vì thế, cái đó không ngại, các nước đã làm rồi, vấn đề ở đây là bớt bộ phận trung gian đi, giúp cho bộ máy hoạt động tinh gọn, hiệu quả hơn.             

Dũng Nguyễn