Theo Daily Mail, Gary Andrews – họa sĩ vẽ tranh minh họa kiêm nhà làm phim hoạt hình sống ở thị trấn Horley, Surrey, Anh – bắt đầu “nhật ký vẽ nguệch ngoạc” vào 5 năm trước, vào đúng sinh nhật lần thứ 54 của ông. Khi đó, ông là người chồng, người cha hạnh phúc. Những bức vẽ đơn giản nhưng tinh tế của ông chứa đầy sự hài hước nhẹ nhàng và niềm vui bởi sự may mắn mà ông đang có.
Tuy nhiên, niềm hạnh phúc đó kéo dài không lâu. Năm 2017, vợ của ông, Joy, qua đời ở tuổi 41 do nhiễm trùng huyết. Những trang nhật ký lúc bấy giờ trở thành nơi để an ủi, giúp ông ghi lại nỗi đau, cuộc đấu tranh với chính bản thân trong vai trò mới – người cha đơn thân.
Hai năm trước, Andrews lần đầu chia sẻ với Daily Mail về những bức vẽ nguệch ngoạc nhưng ẩn chứa nội dung sâu sắc, gần gũi và dường như có linh hồn về “cuộc du hành” đau lòng của ông. Tháng trước, ông chính chính thức xuất bản cuốn sách có tựa đề “Finding Joy” (tạm dịch: Đi tìm niềm vui. Joy vừa có nghĩa là “niềm vui”, vừa là tên của vợ Andrews).
Ở tuổi 59, Andrews vẫn tiếp tục ghi lại hành trình cuộc sống của gia đình trong suốt quá trình cách ly xã hội – từ việc ôm hai con Lily (13 tuổi) và Ben (10 tuổi) trên ghế sofa, đến việc học tại nhà của những đứa trẻ.
Như suốt 5 năm qua, hình ảnh người vợ quá cố của ông vẫn liên tục xuất hiện trong các bức vẽ. Dưới sự tưởng tượng của Andrews, Joy luôn hiện diện trong tổ ấm của họ, đóng vai trò dẫn dắt để cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của ba bố con đi đúng guồng.
Trong một bức vẽ, Joy đứng bên cạnh Andrews khi ông nhìn con gái Lily nướng bánh. "Con bé ngày càng giống em hơn mỗi ngày. Con bé thật xinh đẹp. Cảm ơn em vì món quà quý giá”, tác giả chú thích.
Chia sẻ về loạt tranh mới, lấy chủ đề cuộc sống giữa đại dịch COVID-19, ông Andrews cho biết, nỗi cô đơn vì không có vợ bên cạnh càng lớn hơn bao giờ hết, trước đó nó gần như bị lãng quên trước bộn bề cuộc sống. “Cô ấy vẫn xuất hiện trong các bức vẽ của tôi, dù không nhiều như những ngày trước, khi mọi thứ diễn ra lần đầu tiên, nhưng cô ấy sẽ không bao giờ biến mất”, ông nói.
“Khi mọi chuyện mới xảy ra, cảm giác đau buồn bao trùm tất cả. Các chết đột ngột của cô ấy là cú sốc lớn đối với tôi. Nó hoàn toàn nuốt chửng tôi. Bạn không bao giờ tự mình vượt qua nỗi đau đó được, nhưng bạn học cách sống chung với nó và đặt nó vào vị trí có thể kiểm soát được và bạn có thể kiểm soát nó. Bây giờ, nó ở yên trong một góc nhỏ. Nó không thể hiện tôi là ai, nhưng là một phần quan trọng của con người tôi.
Trở thành cha đơn thân vốn dĩ đã đủ khó. Sự khó khăn đó càng tăng lên gấp nhiều lần khi đại dịch và sự bế tắc tấn công cuộc sống. Dù tôi biết, nhiều người còn khó khăn hơn nữa. Thật tuyệt khi có Joy ở đây để đưa ra những ý tưởng, chia sẻ gánh nặng, để cười đùa, gắn kết nhóm nghiên cứu tại nhà và chỉ để ngồi trên ghế sofa vào buổi tối”, vị họa sĩ trải lòng.
Gary Andrews mất đi “người bạn tâm giao” 19 năm khi Joy đổ bệnh vào tháng 10/2017. Khi đó, hai vợ chồng đều nghĩ đó là cảm cúm thông thường. Do đó, Andrews vẫn an tâm thực hiện chuyến công tác một tuần tới Vancouver, Canada. Không may, 4 ngày sau đó, Joy nhập viện và qua đời vì suy đa tạng do nhiễm trùng huyết. Lúc đó, Andrews đang ngồi trên chuyến bay khẩn cấp về nhà gặp vợ lần cuối nhưng không kịp.
Đêm hôm đó, khi dỗ được các con ngủ, ông nhặt cuốn nhật ký của mình lên và tiếp tục vẽ với trái tim tan vỡ, cùng những giọt nước mắt không thể lau khô. Đó là bức vẽ đầu tiên trong số 700 tác phẩm nguệch ngoạc mô tả cuộc đấu tranh của ông để lấp đầy khoảng trống mà Joy để lại. Ông bắt đầu với sự cô đơn, nhưng thành quả thu được lại đầy cảm hứng và chạm đến thứ gì đó gần hơn với hạnh phúc. Giờ đây, những nét vẽ cho thấy rằng, dù gia đình sẽ luôn nhớ Joy, nhưng họ đang sống rất tốt.
Andrews duy trì thói quen vẽ nhật ký mỗi buổi tối trước khi đi ngủ. Ông coi chúng là cách để giữ cho người phụ nữ mà ông kết hôn năm 2004 sống mãi.
“Tiêu đề sách có vẻ đơn giản. Nhưng tên cô ấy là một món quà. Ngay từ đầu, cô ấy đã có một cái tên rất hoàn hảo, vì cô ấy là người rất vui vẻ. Cô ấy mang lại cảm giác đó cho bất kỳ ai biết cô ấy. Mọi người nói với tôi, cuốn sách giúp họ điều hướng hành trình đau buồn của họ. Người ta nói với tôi, họ đã mua sách cho vợ/chồng của họ. Nó khiêm tốn và đẹp đẽ đến không ngờ”, ông trải lòng.
Với cuốn sách, Andrews hy vọng Joy sẽ tự hào về cách ông vượt qua thử thách khi một mình nuôi dạy hai con. Ông nói thêm, 5 năm sau khi vợ mất, ông chưa có ý định tìm kiếm một phụ nữ khác.
“Tôi tin vào cách mọi người gặp gỡ nhau theo kiểu cũ. Mới đầu, họ có thể là bạn của nhau và rồi đột nhiên nhận ra tình cảm đó còn nhiều hơn thế. Đó cũng là cách tôi và Joy đến với nhau. Cô ấy trước tiên là người bạn tốt nhất của tôi, sau đó mới trở thành người vợ xinh đẹp của tôi”, ông nói lý do từ chối tìm đối tượng qua phần mềm hẹn hò.