Là một trong những quốc gia thường xuyên đối mặt với các thảm họa thiên nhiên như động đất, sóng thần, Nhật Bản luôn chú trọng vào việc dạy kỹ năng sinh tồn cho người dân để giảm thiểu tối đa thiệt hại về người.
Mỗi năm, đất nước mặt trời mọc tiến hành cuộc diễn tập phòng chống thảm họa trên toàn quốc theo truyền thống vào ngày 1/9, tưởng nhớ ít nhất 100.000 nạn nhân thiệt mạng trong trận động đất lịch sử ở Kanto, Tokyo, vào năm 1923.
“Để cứu thêm một mạng sống, chúng ta sẽ tăng cường các biện pháp phòng ngừa để xử lý các tình huống thiên tai khác nhau. Và một kế hoạch đối phó thiên tai hoàn thiện cần phải dựa vào khả năng tự lực của từng người, sự hỗ trợ của cộng đồng và tinh thần hợp tác chung”, Reuters dẫn tuyên bố của Thủ tướng Shinzo Abe trong cuộc diễn tập năm nay.
Đặc biệt, sự kiện toàn Nhật Bản phòng chống thảm họa năm nay, các thành phố phía bắc bổ sung thêm một nội dung mới: Cách đối phó khi tên lửa của Triều Tiên đến gần.
Đây là quyết định mang tính thời sự sau khi hàng triệu người dân khu vực này nhận được cảnh báo khẩn cấp hôm 29/8 do Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo vượt qua lãnh thổ Nhật Bản lần đầu tiên sau hơn 20 năm.
Cụ thể, trong cuộc diễn tập ở Takikawa vào ngày 1/9, thuộc hòn đảo chính phía bắc Hokkaido – nơi tên lửa của Bình Nhưỡng bay qua trước khi rơi xuống Thái Bình Dương, người dân tìm chỗ trú dưới hầm hoặc trong các tòa nhà vững chãi khi chuông cảnh báo từ chính quyền vang lên.
“Mối đe dọa thực sự xảy ra trước cuộc diễn tập. Vì vậy, mọi người đều ý thức được sự khẩn cấp”, một cư dân chia sẻ.
Có thể thấy, người Nhật hoàn toàn không dám lơ là trước mối đe dọa tên lửa và hạt nhân từ Bình Nhưỡng.
Hôm 29/8, Thủ tướng Shinzo Abe đánh giá, việc chính quyền Kim Jong-un phóng tên lửa qua Nhật Bản đã gây ra mối đe dọa chưa từng có đối với an ninh quốc gia.
Trong cuộc điện đàm sau đó với Tổng thống Mỹ Donald Trump, lãnh đạo hai nước cũng thống nhất tăng áp lực lên Triều Tiên để kiềm chế chương trình tên lửa và hạt nhân của nước này.
Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đưa ra yêu cầu tương tự tại cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cùng ngày.
Đồng thời, chính quyền Tokyo thúc giục Trung Quốc và Nga có các động thái tích cực đối phó với vấn đề Triều Tiên.
Hôm 31/8, Bộ Quốc phòng Nhật Bản thông báo đang đề xuất tăng chi phí quốc phòng lên 5,26 ngàn tỷ yen (tương đương 48 tỷ USD) trong năm tài chính 2018 để sắm thêm hệ thống phòng thủ tên lửa, radar và bom lượn để ngăn chặn mối đe dọa từ Triều Tiên.
Nếu được Quốc hội thông qua, đây sẽ là lần tăng thứ sáu liên tục (tăng 2,5%) dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe. Ông cũng là người đã chấm dứt một thập kỷ cắt giảm ngân sách quốc phòng.