> Tàu hải giám Trung Quốc tuần tra gần Vịnh Bắc Bộ
> Biển Đông 2013: giấc mơ, nguyên trạng hay... 'tận thế'?
Bài báo viết: “Trước việc tàu thuyền Trung Quốc liên tiếp xâm phạm, lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản làm nhiệm vụ giám sát vùng biển quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và phụ cận trở nên quá sức. Cục phòng vệ bờ biển (Cảnh sát biển) đã xem xét việc sử dụng các tàu tuần tra cũ và trưng dụng những lính thuỷ đã xuất ngũ.
Tàu “Hải giám 137” 3.000 tấn của Trung Quốc đã bắt đầu đưa vào sử dụng từ tháng 11-2012. Trước những thông tin về việc Trung Quốc sẽ cho xuất ngũ một số tàu chiến để hoán cải thành tàu hải giám và đang đóng thêm các tàu hải giám kiểu mới, một quan chức cao cấp của Cục phòng vệ bờ biển Nhật Bản bày tỏ lo ngại, trong vài năm tới, số lượng tàu tuần tra cỡ lớn của Trung Quốc sẽ vượt qua Nhật Bản.
Cục phòng vệ bờ biển Nhật Bản sẽ yêu cầu tăng thêm 150 nhân viên trong năm tài chính 2013 và có kế hoạch sử dụng nguồn vốn dự trữ để đóng thêm 4 tàu tuần tra. Tuy nhiên, một quan chức khác nói, do việc đào tạo nhân viên phải cần từ 1 đến 5 năm, việc đóng thêm tàu cũng cần 3-4 năm, nên “hiện nay chúng ta cần có biện pháp linh hoạt”.
Hiện nay Cục phòng vệ bờ biển Nhật Bản dự định sử dụng 10 tàu tuần tra đã quá niên hạn phục vụ; khi nào tàu mới đóng hạ thuỷ, những tàu tuần tra cũ sẽ bị thải loại. Do mỗi tàu tuần tra cỡ 1.000 tấn cần có 30-40 nhân viên, nên Cục phòng vệ bờ biển Nhật Bản đã tính đến chuyện tái trưng dụng những thuỷ thủ đã xuất ngũ.
Cục phòng vệ bờ biển Nhật Bản thậm chí cũng nghĩ đến việc sử dụng những khu trục hạm dự trữ của hải quân, nhưng do việc điều động khu trục hạm cần phải có căn cứ pháp luật mới nên ý định này đã phải từ bỏ.
Cùng ngày 3-1, trang web tạp chí “Nhà ngoại giao” của Nhật cũng đăng bài “Đội tàu hải giám Trung Quốc tăng cường sức mạnh”.
Bài báo viết: “Lập trường của Trung Quốc đối với việc tranh chấp lãnh thổ đang ngày càng cứng rắn. Gần đây có tin, hải quân Trung Quốc đã cho xuất ngũ và chuyển giao cho lực lượng hải giám 11 tàu chiến. Các tàu chiến được xuất ngũ này bao gồm 2 khu trục hạm, nhiều tàu đo đạc, tàu kéo và tàu phá băng. Sau khi sửa lại, những hạm tàu này đã được giao cho bên hải giám sử dụng để “giải quyết vấn đề thiếu tàu làm nhiệm vụ duy trì quyền lợi biển”.
Hai khu trục hạm có tải trọng 3.250 tấn có tốc độ lớn nhất tới 32 hải lý/giờ sẽ được bố trí ở biển Hoa Đông và Biển Đông.
Từ năm 2000 đến nay, đã có tổng cộng 13 hạm tàu mới đóng được đưa vào biên chế của lực lượng hải giám Trung Quốc. Hành động hoán đổi những hạm tàu lớn hơn lần này cho thấy họ ý thức được việc Cục phòng vệ bờ biển Nhật Bản sử dụng những con tàu lớn hơn.
“Kế hoạch 5 năm lần thứ 12” đề ra yêu cầu đến trước năm 2015, lực lượng hải giám Trung Quốc sẽ có thêm 36 con tàu các cỡ 600, 1.000 và 1.500 tấn.
Trung tâm chỉ huy ngư chính thuộc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cũng liên tục phái các tàu ra hoạt động ở vùng biển phụ cận các quần đảo Spartly (tức Hoàng Sa), Paracel (Trường Sa) và Senkaku. Được biết mấy năm gần đây, Trung tâm ngư chính cũng bổ sung vào đội tàu của họ nhiều tàu chiến đã xuất ngũ.
Một số nhà quan sát nhận thấy, việc tàu dân sự được cải tạo thành tàu chiến và đưa vào biên chế có thể là dấu hiệu quân sự hoá. Đặc biệt, hiện nay những dấu hiệu đó cho thấy Trung Quốc đang mất đi sự kiên nhẫn và chuẩn bị chuyển sang giai đoạn hiếu chiến hơn tại các vùng lãnh thổ tranh chấp.
Gần đây, Trung Quốc liên tục đưa tàu thuyền, máy bay xâm phạm vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku mà Nhật Bản coi là lãnh hải của mình.
Với việc chính phủ mới của Đảng Dân chủ tự do do ông Shinzo Abe lãnh đạo tuyên bố gia tăng ngân sách quốc phòng và thề quyết không nhượng bộ trong vấn đề đảo Senkaku, có thể thấy rằng, tình thế căng thẳng ở biển Hoa Đông leo thang đang có chiều hướng gia tăng.
ở Biển Đông, năm 2012 đã xuất hiện tình thế căng thẳng chưa từng có trong lịch sử. Nếu xu thế này cứ tiếp diễn, sẽ xảy ra tình thế nguy hiểm gấp bội trong năm 2013.
Thu Thủy
Theo Xinhuanet