Nhập viện tâm thần vì nghiện mạng xã hội

TP - Nhiều bạn trẻ hiện dành quá nhiều thời gian “ôm” điện thoại thông minh, sử dụng mạng xã hội đến mức bị “nghiện”. Gần đây xuất hiện nhiều trường hợp bị thay đổi tâm lý dẫn đến trầm cảm nặng phải vào bệnh viện tâm thần chữa trị.
Bà Hiền đang chăm sóc con bị trầm cảm vì sử dụng điện thoại, lướt Facebook quá nhiều. Ảnh: Bình Minh.

Bài 1: Con ngoan trở thành “con nghiện” 

Chỉ cắm mặt vào điện thoại, ít tiếp xúc với mọi người là hình ảnh thường thấy ở nhiều bạn trẻ hiện nay. Nhiều bậc phụ huynh ít quan tâm, chỉ khi thấy con mình có những biểu hiện khác thường mới té ngửa.

Phải dùng thuốc mê để đưa con đi viện

Có mặt tại phòng khám ngoại trú, Bệnh viện Tâm thần T.Ư I, chúng tôi bắt gặp gương mặt thất thần của vợ chồng ông Nguyễn Văn Thành (ở Thanh Trì, Hà Nội). “H. là cháu nội tôi, năm nay mới 12 tuổi nhưng nó đã nghiện điện thoại. Suốt ngày tôi thấy nó cứ ôm lấy điện thoại, vào Facebook. Vừa rồi phát hiện cháu có những biểu hiện không bình thường, gia đình quyết định đưa cháu vào bệnh viện khám chữa.Hôm nay vợ chồng tôi đến làm thủ tục cho cháu vào viện điều trị”, ông Thành thở dài.

Người mẹ trẻ N.T.T.T (26 tuổi, ở Hà Nội) nghiện điện thoại, Facebook đến nỗi quên cả cho con bú. Ảnh: Bình Minh.

Ông Thành cho biết, từ khi được gia đình sắm cho điện thoại thông minh, H. lúc nào cũng cắm cúi vào nó. Bố mẹ H. đi làm tối ngày nên ít thời gian bên con. Gần đây, ông phát hiện H. thay đổi tính cách, lười học, hay khùng và thường xuyên nói tục.

Bị bố thu điện thoại, H. liền trộm tiền của bố mẹ đi ra quán internet. “Chúng tôi quyết liệt cấm đoán H. dùng điện thoại, máy tính, thậm chí nhờ cả những người lạ đến dọa cháu nhưng không hiệu quả. Cháu trở nên lầm lì và thường xuyên la hét. Qua triệu chứng của H., bác sỹ (BS) chẩn đoán cháu đã bị nghiện mạng xã hội và có dấu hiệu trầm cảm”, ông Thành kể.

Hiện ở Bệnh viện Tâm thần T.Ư I, trường hợp của H. không phải là duy nhất. Theo BS Tô Thanh Phương, Trưởng khoa Cấp tính nữ - Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần T.Ư I cho biết, cơ sở y tế này đang điều trị cho 3 bạn nữ nghiện điện thoại, Facebook. Đặc biệt, có một nữ sinh lớp 12 bị chứng nghiện điện thoại, Facebook rất nặng. Để đưa bệnh nhân tới viện, cha mẹ nữ sinh phải dùng tới thuốc mê.

Đó là H.T.L. (sinh năm 2000, ở Hà Nội). Từng là con ngoan của gia đình, thành tích học tập của L. luôn xếp loại giỏi ở trường. Kể từ khi được gia đình mua cho chiếc điện thoại thông minh, L. học hành sa sút. Cô sống khép kín với bạn bè và gia đình. Trừ những lúc ngủ, phần lớn thời gian L. sử dụng điện thoại.

Anh Long (cha của L.) cho biết: Hai vợ chồng phát hiện con gái có biểu hiện bất thường từ ngày 20/11, khi các bạn đến nhà rủ đến nhà cô giáo chủ nhiệm chơi. Cháu nhất định không đi, chỉ nhốt mình ở trong phòng để xem điện thoại. Đến giữa tháng 12, cháu L. thường xuyên nghỉ học. Khi bố hỏi, L. luôn bảo được nhà trường cho nghỉ. “Khi gọi điện cho cô giáo chủ nhiệm tôi mới biết con mình hay trốn học. Đến lớp cũng chỉ chơi điện thoại. Sau đó, gia đình thu điện thoại cháu tỏ ra chống đối, cáu gắt”, anh Long kể.

Từ khi gia đình anh Long cắt mạng internet, L. bắt đầu bộc lộ những biểu hiện bất thường như phản ứng gay gắt, sẵn sàng đập phá đồ đạc trong nhà, chửi tục, thậm chí có hành động chống trả bố mẹ. Cuối cùng gia đình phải dùng thuốc mê, chuyển con xuống Bệnh viện Tâm thần T.Ư I để điều trị. “Giờ cháu nhà đã tiến triển tốt hơn, không quậy như trước nữa. Nếu ổn, mấy ngày tới BS sẽ cho xuất viện và điều trị thuốc ở nhà”, anh Long nói.

Cùng nằm điều trị trong khoa với L. là học sinh L.H.T (sinh năm 2000, học lớp 12 ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc). Theo các BS ở đây, T. bị trầm cảm nặng do sử dụng điện thoại và Facebook quá nhiều. “Cháu đã điều trị ở viện được 25 ngày, cũng may tình hình tiến triển tốt nên gia đình đỡ lo lắng”, bà Hiền, mẹ T. nói và cho biết, cách đây 2 năm T. từng đi làm thêm ở gần nhà để kiếm tiền mua điện thoại thông minh. Khi có điện thoại, T. sử dụng tối ngày, hết xem phim, nghe nhạc lại lướt Facebook.

Ngoài giờ ở trường, về nhà, T. chủ yếu ở trong phòng của mình, đóng kín cửa với chiếc điện thoại cầm tay, ít tiếp xúc với mọi người. Gia đình nhiều lần góp ý nhưng không hiệu quả. “Giữa tháng trước, khi lên phòng thấy T. lên cơn co giật rồi ngất xỉu. Gia đình đưa đi viện tỉnh và được chuyển xuống Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Sau đó, cháu được chuyển về đây điều trị bệnh trầm cảm”, bà Hiền nói.

Lướt Facebook quên cả cho con bú

Đó là câu chuyện của bà mẹ trẻ N.T.T.T (26 tuổi, ở Hà Nội). Theo như lời gia đình kể, thời gian T. nghỉ việc ở nhà dưỡng thai, cô lấy chiếc điện thoại thông minh làm bầu bạn.

Hạ sinh, T. được gia đình nhà chồng chăm sóc chu đáo, nhưng bà mẹ trẻ này vẫn không rời được chiếc điện thoại, suốt ngày vùi đầu vào Facebook, thậm chí có những thái độ kỳ lạ như bỏ bê trông con, quên cho con bú. T. ngày càng teo tóp đi (từ 60kg xuống còn 37kg - PV) nên gia đình đã đưa T. đi viện khám. Các BS cho biết T. bị trầm cảm nặng và phải điều trị.

Theo các BS ở Bệnh viện Tâm thần T.Ư I, khi mới vào viện, bệnh nhân T. phải ăn qua đường xông, nằm bất động. Các nhân viên y tế và người nhà vô cùng vất vả trong việc chăm sóc. Nay T. có những chuyển biến tích cực và bắt đầu ăn được không cần qua đường xông… Tuy nhiên, để khỏi bệnh sẽ phải mất nhiều thời gian.

Không chỉ ở Bệnh viện Tâm thần T.Ư I, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai mới đây điều trị cho một trường hợp 14 tuổi nghiện Facebook nặng. Cậu bé 14 tuổi được gia đình đưa vào viện trong tình trạng co giật. Bố mẹ bệnh nhân cho biết, con trai cứ đi học về là lao vào điện thoại, nằm trong phòng lướt Facebook. Ngay cả lúc ăn hay đi vệ sinh cũng ôm điện thoại theo để nhắn tin, mỗi ngày hơn 10 tiếng.

BS Tô Thanh Phương, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần T.Ư I, cho biết: Ngày càng có nhiều bệnh nhân nhập viện vì mạng xã hội (Facebook). Phần lớn họ mắc chứng trầm cảm nặng. Những ca bệnh này thường dễ biến chứng nguy hiểm và khó điều trị hơn so với bệnh trầm cảm thông thường.

“Tần suất thể hiện bệnh từ thấp lên cao. Ban đầu người bệnh chỉ thích chơi duy nhất chiếc điện thoại, thích sống ảo trên mạng Facebook, xa lánh thế giới bên ngoài. Người bệnh ở giai đoạn cấp tính, điều trị cần ít nhất sáu tháng. Nếu để nghiện lâu trên sáu tháng, bệnh sẽ chuyển sang mãn tính và thời gian điều trị có thể kéo dài 3-5 năm”, BS Phương nhấn mạnh.

(Còn nữa)

“Ban đầu người bệnh chỉ thích chơi duy nhất chiếc điện thoại, thích sống ảo trên mạng Facebook, xa lánh thế giới bên ngoài. Người bệnh ở giai đoạn cấp tính, điều trị cần ít nhất sáu tháng. Nếu để nghiện lâu trên sáu tháng, bệnh sẽ chuyển sang mãn tính và thời gian điều trị có thể kéo dài 3-5 năm”.

                BS Tô Thanh Phương, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần T.Ư I