> Chạy chức, chạy quyền cản đường người giỏi
Thời nay, câu chuyện trọng dụng nhân tài cũng tốn không ít giấy mực và đã nâng lên thành chiến lược quốc gia. Nhưng vì sao vẫn có cảm giác: “Nhân tài như lá mùa thu”?
Cách đây chưa lâu, các địa phương rầm rộ trải thảm đỏ mời nhân tài về làm việc. Nhưng giờ nhìn lại bỗng thấy sau những ồn ào, nhân tài cứ thưa vắng dần.
Thực ra cái quan trọng không là thảm đỏ, mà cái quan trọng là thảm đỏ sẽ dẫn nhân tài tới đâu. Nếu trải thảm đỏ chỉ để dẫn nhân tài tới một môi trường làm việc đầy những thủ tục hành chính ràng buộc, những quan liêu và bệnh thành tích, thì coi như bị sa vào vũng lầy không thể nào “cất cánh” được.
Cũng không cần những hô hào sáo rỗng kiểu “chiêu hiền đãi sỹ”, mà cần cái thực tâm trọng thị, trọng đãi, trọng dụng nhân tài.
Trọng dụng, trọng đãi, trọng thị có liên quan với nhau rất chặt. Đã trọng thị, cần trọng dụng, đã trọng dụng cần trọng đãi.
Khi lập quốc, chính phủ Singapore đã xác định: “Nhân tài là men ủ của sự trỗi dậy quốc gia”. Nhưng để có những “men ủ” ấy đảo quốc sử tử đã đề ra một chiến lược đào tạo những cá nhân xuất sắc về làm việc cho khu vực công, áp dụng tiêu chuẩn thị trường trong đãi ngộ nhân tài. Đồng thời, Chính phủ Singapore cũng mạnh tay đào thải những cá nhân lỗi nhịp trong bộ máy. Lúc đó, cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu đã tuyên bố: “Không để sự trì trệ nằm trong dòng chảy của mình”.
Ở Việt Nam, đây đó, có những sự trì trệ trong dòng chảy đã kìm hãm sự phát triển của nhân tài. Nhân tài không những khó sống với mức thu nhập bằng lương theo kiểu ngạch bậc thông thường, mà còn khó thăng hoa khi có những sự níu kéo của đủ thứ ràng buộc, và bị “định giá” sai. Trong cơ chế thị trường, cái gì cũng có giá, nhân tài càng có giá. Nhân tài cần những ông chủ biết “chọn giá đúng” và biết đặt họ đúng vị trí để phát huy tối đa giá trị của mình.
Xưa nay, con đường đi của nhân tài thường không theo những lối mòn vạch sẵn. Làm sao để thu hút được nhân tài trong cõi nhân quần rộng lớn này là trăn trở của nhiều bậc đế vương.
Hôm nay, chúng ta không thiếu những “chiếu hiền tài”, nhưng lại thiếu đi tấm lòng chân thành, quý chuộng, tin cậy “nguyên khí quốc gia”, lại đặt ra những rào cản hành chính, bằng cấp khiến nhân tài khó tiến thân. Người ta đánh đồng bằng cấp với nhân tài, học vị tiến sỹ chưa thời nào nhiều như bây giờ, nhưng thực tài lại không song hành với tỷ lệ đó.
Hội thảo “Nhân tài với thịnh suy của đất nước” của những học giả bàn về sử dụng nhân tài thắp tiếp hy vọng về những kế sách làm sao nguyên khí quốc gia ngày càng vượng. Đáng để hy vọng vì những học giả, trí thức đã từng nếm trải, ngụp lặn trong cơ chế nên hiểu rõ các mặt ưu khuyết về chính sách trọng dụng nhân tài.
Hy vọng sẽ không phải nghe những tiếng lòng thổn thức một thuở “Tôi khóc những chân trời không có người bay/ Lại khóc cho những người bay không có chân trời”. (Trần Dần). Nhân tài không cần thảm đỏ, mà cần những đường băng để cất cánh.