> Ăn gì cũng 'dính' độc
> Nước uống đường phố Hà Nội nhiễm khuẩn
Không dám đọc báo, xem đài nữa, vì thấy “thập diện mai phục” thức ăn, đồ uống xung quanh mình đều chứa độc tố. Vừa phát hiện thêm sợi bún, phở, bánh canh, bánh cuốn “phát sáng”. Nghe cứ như tác phẩm tân hình thức về nghệ thuật ẩm thực!
Nhưng không ăn cũng chết. Thôi thì cứ “nhắm mắt đưa…mồm” vậy ! Mỗi năm cả nước có khoảng 1 vạn người nhập viện vì ngộ độc thức ăn, chừng 200 người tử vong. Còn con số âm thầm chết vì ngấm độc thì chả ai đếm được, đôi khi chỉ tính bằng đơn vị những “làng ung thư”.
Nhớ miếng “bánh đa” bằng đất sét trong ký sự “Làm no” (1938) của Ngô Tất Tố. Đói quay quắt, bác nông dân chiêm trũng thời ấy bèn lấy đất sét trắng đem phết mỏng vào mê rổ rồi hong trên bếp cho khô cong. Bẻ ăn nghe cũng “giòn khau kháu”.
Lại còn nghĩ ra cách thái đất sét ra như miếng như bánh dầy, phơi khô cho vào nồi kho với một tí cá tép, nước tương. Dùng mùi cá, vị tương để lừa “đưa” cục đất xuống dạ dày! Nghệ thuật làm no của dân đói xứ mình thật thâm hậu. Nên cái câu “cạp đất mà ăn à” của cô nàng sâu-bít nọ xem ra khó còn dọa được ai.
Đời sống bây giờ dân tình ít ai còn sợ đói. Thế nhưng người ta lại sợ ăn, vì trúng độc. Cứ ăn đất như xưa có khi lại chả sao, giờ sơn hào hải vị vào dễ tong lắm. Miếng ăn thực sự là “miếng tồi tàn” của một thời đại tồi tàn. Loài người biến thái và sẽ nhanh chóng biến mất, vì “phải ăn”, chứ chưa phải do chiến tranh hay đói khát.
Lão Zorba trong tiểu thuyết “Alexis Zorba - Con người hoan lạc” của Nikos Kazantzaki thèm ăn anh đào đến mức thành một “cực hình”. Lão tận diệt lạc thú ấy bằng cách ôm cả rổ anh đào chui xuống hố ăn cho đến khi ói mửa, sau thấy là hãi. Nam Cao thì có truyện ngắn “Một bữa no” kể thảm cảnh chết vì được một bữa no của bà cụ nghèo. Giá như đời người chỉ phải xơi một bữa rồi thôi luôn như lão Zorba. Chứ cứ ăn vào để chết mòn thế này, còn tệ hơn một bữa no rồi chết.