> Anh Thơ sẽ hát nhạc sến
> Trọng Tấn đã nhiều lần muốn bỏ nghề giáo
Mặc dù thất sủng hàng chục năm, nhưng nhạc vàng, nhạc sến không thôi tồn tại. Vài năm gần đây, nó trở lại rầm rộ và chính thống hơn trên sân khấu lớn. Các giọng ca chủ lực của dòng nhạc này như Tuấn Vũ, Chế Linh… cũng tìm đường về nước gây “náo loạn” sân khấu ca nhạc, cũng bởi còn nhiều người thích nghe nhạc sến quá.
Trong nước, ca sĩ thị trường như Đàm Vĩnh Hưng, Phương Thanh, Lệ Quyên khuếch trương những dự án hát lại nhạc sến. Rồi vài tên tuổi vẫn gắn với nhạc sang như Ánh Tuyết cũng ra đĩa nhạc sến riêng, còn gọi là bolero. Ánh Tuyết lý giải hướng đi “mới” của mình: “Tôi đi theo con đường âm nhạc một cách tự nhiên. Tức là thời cuộc và tâm hồn đẩy đến đâu, mình đi đến đó. Nói hát bolero vì bế tắc thì không đúng, mà không đủ sức làm hết những gì mình muốn làm thôi”. Nhạc sến xét về tính chất âm nhạc, đàng hoàng là một di sản trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, cũng cần người lưu giữ, tiếp nối chứ bộ!
Mới đây nhạc sến đang có cơ lây lan vào môi trường “hàn lâm” khi Anh Thơ tuyên bố sẽ hát nhạc này. Một số ca sĩ nổi ở phía Nam như Thùy Dương, Xuân Phú, Quang Minh… từ lâu đã ra đĩa trộn giữa tiền chiến và sến. Điều dễ hiểu là sau khi nhạc tiền chiến (được mặc định là sang hơn) đã được tái sử dụng, khai thác tới mức bão hòa, thì trên đà hoài cổ, nhạc sến sẽ là cái đích tiếp theo ca sĩ nhắm tới. Hơn ai hết, họ phải là bộ phận đi đầu trong việc thăm dò thị hiếu khán giả. Họ cũng sẽ đủ nhạy bén để lựa chọn, kế thừa “tinh hoa” của nhạc sến cho phù hợp với đời sống hôm nay.
Không biết có phải vì sự trở lại có vẻ đầy đe dọa của nhạc sến khiến một số nhạc sĩ đại diện cho tân nhạc hiện đại như Quốc Trung, Huy Tuấn tự dưng đăng đàn về nhạc sến, để rồi bị cộng đồng phản ứng rầm rộ. Quốc Trung nói rõ hơn quan điểm của mình, vẫn lối phát ngôn đầy kịch tính, tạo căng thẳng: “Tôi đâu có phán xét các dòng nhạc đó mà chỉ nói lên sự dễ dãi, lười sáng tạo, chộp giật hay có thể nói là trào lưu ăn bám vào quá khứ nhân danh đẳng cấp, sang trọng hay ký gửi vào những tinh hoa của các lớp nghệ sĩ đi trước”. Lần này thì thay vì nhạc sến hoặc người nghe nó, dường như anh lại chĩa mũi dùi vào những người hát lại nhạc sến.
Hát nhạc gì nói chung vẫn là lựa chọn của tâm hồn người hát, khó có thể phán xét. Kể cả một số người hát nhạc sến không hay, không ra, thì cũng chẳng thể ngăn được họ. Hãy để cho một người sinh trưởng trong thời cực thịnh của dòng nhạc bolero lên tiếng. “Chất bolero phải tự nhiên, từ bản tính toát ra”, Ánh Tuyết nói. “Có người không hề thuộc dòng nhạc đó, chỉ vì thích mà cố hát, vô tình trở thành giễu, vô tình làm cho dòng nhạc đó bị rẻ tiền. Chứ âm nhạc không có chuyện rẻ hay mắc, không có sang hay sến, mà chỉ có đi vào tâm hồn con người đến đâu”.
Thực ra cho dù các thành phần trong giới nhạc có tranh luận đến đâu đi nữa thì đời sống âm nhạc vẫn có sự cân bằng tự thân. Có trào lưu hoài cổ thì có trào lưu vọng ngoại đối trọng. Những cuộc thi hát truyền hình đang đầy rẫy giọng hát Việt từ nhí đến “nhớn” biểu diễn thành thạo các dòng nhạc Anh - Mỹ, đến độ phát âm tiếng Việt thành không rõ. Những ca sĩ hát được nhạc sến thì nhiều khả năng không bao giờ mon men lại gần âm nhạc kiểu của Quốc Trung và ngược lại. Ai có miếng bánh của người đấy trong thị trường.
Sự phát huy của nhạc sến từ việc nghe “lén lút” vài chục năm trước đến hát cho nhau nghe ở tụ điểm nhỏ, rồi được những giọng ca chính thống đưa lên sân khấu lớn… có thể nói sắp lên đến đỉnh của hình sin. Mà nhạc sến nói gì thì nói, dễ hát, dễ nghe, e rằng cũng sẽ dễ… thường. Có nghĩa là đồ thị hình sin sẽ nhanh chóng trở về vị trí cân bằng, sau khi nhạc sến đã được công khai hóa sự dự phần của mình vào đời sống âm nhạc.
Thực ra khán giả của dòng nhạc sến bấy lâu có phần chịu thiệt vì dòng nhạc họ yêu thích không được làm mới, không được vang lên ở khán phòng hoành tráng. Nay họ đã được thỏa nguyện. Những ai chưa có điều kiện tiếp cận nhiều với dòng nhạc này, mà toàn nghe điều tiếng về nó, cũng có cơ hội để mở mang tầm... tai. Đơn giản chỉ là những động thái cho thấy nhạc vàng, nhạc sến đang chính thức hòa vào dòng chảy chung của nhạc Việt. Một chuyện tưởng như rất bình thường, hóa ra lại ầm ĩ.