Nhạc trưởng khu công nghiệp

TP - Hai năm trước Lê Quốc Vương từng giành giải Chỉ huy xuất sắc nhất tại Hội Thi Hợp Xướng quốc tế (Hội An). Năm nay anh đưa đội SDV –Đồng Vọng ngoạn mục vào chung kết. Ca sĩ của đội được tuyển từ 2 khu công nghiệp khác nhau ở Bắc Ninh.

Năm 2011 Lê Quốc Vương lần đầu dự thi Hợp xướng Quốc tế Hội An ở vị trí ca sĩ - hợp xướng viên trong đoàn của trường Đại học sư phạm Nghệ thuật Trung Ương (ĐHSPNTT.Ư). Năm 2017 anh trở lại Hội thi nhưng với vai trò nhạc trưởng tranh tài cùng bảng với thày giáo của anh là Nguyễn Thiếu Hoa. Nhạc trưởng thày dẫn đội ca sĩ từ một khu công nghiệp của Thái Nguyên, nhạc trưởng trò dẫn đội từ khu công nghiệp Bắc Ninh. Đội Bắc Ninh đoạt Huy chương Vàng, Lê Quốc Vương nhận giải Chỉ huy xuất sắc. Tài năng sáng tác chỉ huy được ghi nhận, năm 2018 ban giám đốc một khu công nghiệp mới toanh thành lập ở Bắc Ninh mời Vương gây dựng cho họ một đội hợp xướng (HX).


Từ phân xưởng đến sân khấu quốc tế

Vương chia sẻ, từ khi chọn công việc sáng tác chỉ huy HX làm sự nghiệp, anh may mắn khi lọt tầm ngắm của những ban giám đốc quan tâm và đam mê HX. Khu công nghiệp 40.000 công nhân viên có 200 câu lạc bộ sinh hoạt ngoại khóa  gồm hát, nhảy, thể thao, ngoại ngữ, nhiều môn kỹ năng… nhưng chỉ riêng người học HX được tính giờ học hát vào công lao động. Đăng thông tin tuyển ca sĩ HX trên trang của Khu công nghiệp 40.000 người  chỉ chọn được 50 người cho đội SDV- Đồng Vọng. Không một ai biết nhạc lý hoặc có khái niệm gì về thể loại hát mà họ đang tham gia. Nhạc trưởng Vương dạy họ nhạc lý theo kiểu “bán xướng âm, bán chuyên”. Song song với luyện thanh, tập hát, tập bè anh cho họ nghe những bản HX kinh điển, cùng phân tích, thưởng thức sự bay bổng của từng đoạn nhạc. Những buổi đầu vỡ bài, nhiều người nản vì “chả thấy hay, nghe cứ như hát sai”. Trình độ cao dần lên, gu nhạc cũng nâng dần, mọi người thích hơn, rồi yêu. Các bạn nữ trẻ tuổi từ 20-25 tiếp thu nhanh, tiến bộ nhanh, còn hội nam tuổi 32-37 giọng trầm có phần chậm hơn. Nhạc trưởng cười hạnh phúc khi kể về những ca sĩ già “ngoài đời các anh ấy là quản lý, điều hành nghiêm khắc thế nhưng lúc học hát “là la lá” vẫn chăm chú, căng thẳng như trẻ con trả bài”.

Mang đội HX mới thành lập 8 tháng và luyện tập thực sự có 3 tháng đi thi, nhạc trưởng 29 tuổi và đội SDV của anh chỉ mong có dịp được học hỏi “không dám mơ lấy giải”. Lãnh đạo Khu công nghiệp ngỡ ngàng khi SDV xin đi thi “Thi tỉnh thì được chứ đi thi quốc tế thì bằng cách nào?”. Trước hội thi nhiều hợp xướng viên rời đội do áp lực nên chỉ lại 36 người. Đa số thành viên lần đầu đứng trên sân khấu, trước đó nghe các đoàn nước bạn hát, cả đội càng run vì “họ hát điêu luyện, phong thái quá chuyên nghiệp”. Ba bài dự thi của SDV không ngờ lọt top nhất bảng B1 (HX hỗn hợp). SDV là đội duy nhất trong 6 đội Việt Nam vào chung kết. Cũng là lần đầu trong lịch sử thi HX một đội mới học hát 8 tháng làm được điều này. Buổi chiều được thông báo kết quả, nhạc trưởng Vương và cả đoàn sốc vì bất ngờ. Đại diện ban giám khảo nói với Vương “Chúng tôi đã không nhầm khi 2 năm trước trao giải “Chỉ huy xuất sắc cho bạn”. Giám khảo Đặng Châu Anh nói với phóng viên “SDV-Đồng Vọng là niềm tự hào của Việt Nam năm nay. Các bạn ấy có những quãng nhạc rất bay và đẹp. Lê Quốc Vương là một chỉ huy tài năng”. Giám đốc nghệ thuật, TS. Ralf Eisenbeiß (Đức) đặc biệt thích bản phối “Hồ trên núi” (sáng tác Phó Đức Phương) của Lê Quốc Vương, ông nói với anh: “Bạn hãy tiếp tục viết (phối) nhạc, đừng dừng lại!”.

Đáng nói ở chỗ, trong 4/5 đội HX Việt Nam còn lại là những giọng ca được đào tạo. Ở lần thứ hai đi thi này, Lê Quốc Vương lại đứng cùng sân chơi với người thày dạy HX đầu tiên - TS, nhạc trưởng Lê Vinh Hưng. Đội HX của ĐHSPNTT.Ư cùng chỉ huy Lê Vinh Hưng đã dừng chân ở vòng ngoài.

Hát chèo đuối nhất nhà

Sinh ra trong gia đình có ba thế hệ biết đàn sáo, hát chèo tại làng chèo Hậu Trạch (Ba Vì), lúc nhỏ Vương bị bố chê “ít năng khiếu chèo nhất trong nhà”. Ông nội Vương ngày xưa bị mù, làm nghề kéo nhị hát xẩm rong hay có tiếng quanh vùng. Ông nội không biết nhạc tây nhưng đặt tên bốn người con theo nốt nhạc Son, Đô, Pha, Mi. Hai con trai ông, trong đó có bố của Vương cũng có tài đàn hát. Thời trẻ hai anh em thi đỗ nhạc viện Hà Nội môn nhạc cụ dân tộc nhưng gia đình không đủ điều kiện nên đành bỏ.

Cấp 1 Vương được bố cho đi học thổi sáo, kéo nhị, cấp 2 cho học piano, thanh nhạc nhưng cậu con trai chưa để tâm. Có thời bố còn để Vương phụ việc vác đá rộp tay vì nghĩ dạy con thành thợ cũng chẳng thừa. Lên lớp 9 Vương bắt đầu thích nhạc hiện đại, bố bảo “giữa xe đạp điện và piano thì con chọn cái nào?”. “Piano!”. Hai bố con đèo nhau từ Ba Vì lên Tràng Tiền Plaza chọn mua piano. Vương muốn theo học piano tại Nhạc viện thì được thầy dạy khuyên “tuổi em hơi lớn để theo chuyên nghiệp”, anh chuyển sang thi ĐH SPNT T.Ư. Tại trường Vương tham gia đội hát HX, yêu thích bộ môn này Vương xin bố sang Nhạc viện Quốc Gia học thêm ngành Chỉ huy hợp xướng. Học được 1 năm, anh bỏ ngang về vào mạng tự học.

Tốt nghiệp thủ khoa, được trường giữ lại giảng dạy, Vương học tiếp lấy bằng cao học. Gặp một vài khó khăn với việc trở thành giảng viên có biên chế, bỗng một ngày anh quyết định bỏ việc. “Giai đoạn khó khăn đó tôi kiếm tiền bằng việc đi dựng tiết mục cho các đơn vị thi văn nghệ. Phải dựng bài hát và cách hát theo yêu cầu của khách, không phải  thể nhạc tôi thích”. Sau một vài lần theo thầy Lê Vinh Hưng đi dạy HX tại một khu công nghiệp Bắc Ninh, Vương bén duyên với dàn ca sĩ “bắt đầu từ số 0” nơi này. Nhạc trưởng 29 tuổi chia sẻ, nhờ những ca sĩ khu công nghiệp mà tôi ngày càng yêu nghề hơn.

Lê Quốc Vương sống ổn với nghề chỉ huy. Anh nhận dạy nhạc và hợp xướng cho một trường liên cấp tư thục và trung tâm năng khiếu âm nhạc. Mỗi tuần vài tối anh chơi piano tại một số khách sạn.

Nhạc trưởng Lê Quốc Vương

“Điều tôi thích nhất ở nghề nhạc trưởng HX là mình được tự do thể hiện những phá cách trong lúc viết bài. Truyền đạt được niềm yêu thích cho đội của mình. Chứng kiến họ phải lòng HX một cách dần dần. Tạo cảm hứng để họ hát bằng cả tâm hồn và trí lực”.

Nhạc trưởng Lê Quốc Vương

Những ngày lóng lánh

Vương thổ lộ “chưa lần nào Hội An mang đến nhiều cảm xúc cho tôi đến vậy”. Bay từ Hà Nội vào Đà Nẵng cùng tôi có nhiều bạn chưa từng đi máy bay. Sung sướng, hồi hộp khiến nhiều người bỏ quên hành lý. Hình ảnh cả đoàn công nhân viên nhà máy lên máy bay như Vương tả có gì đó giống với câu chuyện  20 năm trước, biên đạo EaSola Thủy đưa đoàn diễn viên nông dân Thái Bình bay đi châu Âu diễn múa đương đại.

Đêm Gala khai mạc SDV choáng ngợp khi được chỉ định hát đồng ca tiếng Anh trước cả nghìn ca sĩ quốc tế. Họ sợ mình lọt thỏm, tan biến trong cuộc thi “toàn đội khủng”. Sau khi hoàn thành tốt bài thi, từ sân khấu ra đến hành lang cả đội ôm nhau khóc vì “thoát hiểm”. Cả đoàn yên tâm đã xong nhiệm vụ, vì “đời nào mình vào đến vòng trong nên từ nhà đã không tập thêm 2 bài dự phòng chung kết”. Mọi người hớn hở ra biển nhặt rác tình nguyện. Nhận được tin vào Grand Prix, cả đội định từ chối thi xong lại lên tinh thần “chơi đến cùng”. Từ 9h tối đến 5h sáng hôm sau, cả 40 người chui vào phòng khách sạn 20 mét luyện 2 bài. Người ướt đầm mồ hôi, họ gần như phải hát thầm, sợ gây ồn khách sạn. Điều hòa không đủ mát, các cô gái thi nhau quạt tay cho từng tốp nam tập bè. Một số quen thức ca đêm không phàn nàn, tốp nhân viên văn phòng không giấu được vẻ mệt mỏi. Cả đội ngả lưng có 2 tiếng trước giờ ra thi. Đội hậu cần chia thuốc tăng lực để đảm bảo không ai xỉu trên sân khấu. Các bạn chủ quan không chuẩn bị thêm trang phục cho vòng Grand Prix này, khán phòng hơi ngạc nhiên khi SDV-Đồng Vọng mặc bộ đồng phục văn phòng giản dị với sơ mi trắng cùng quần/váy xanh thẫm ra trình diễn. “Ở vòng chung kết thì SDV hẳn nhiên là đội mờ nhạt nhất nhưng chúng tôi vẫn hạnh phúc lắm. Đến được Hội An các bạn dường như đã chiến thắng chính mình rồi”. Hơn một lần nhạc trưởng nói đùa với đội của mình: “Các bạn đã hát như một nghề chính, sản xuất ở phân xưởng như là nghề phụ”.

Lê Quốc Vương nhạc trưởng kiêm lĩnh xướng trong phần thi của SDV-Đồng Vọng